(Tình hình chiến sự ở Syria) – Sử dụng tên lửa hành trình hiện đại phóng từ tàu chiến, Nga đã khẳng định sức mạnh quân sự không hề thua kém Mỹ và các nước đồng minh phương Tây.
Al Jazeera ngày 8/10 đã đăng tải bài phân tích của chuyên gia Justin Bronk, tại Viện nghiên cứu Royal United Services (RUSI) ở London (Anh) sau khi Nga phóng tên lửa hành trình tiêu diệt các mục tiêu IS ở Syria.
26 quả tên lửa hành trình 3M-14T (NATO gọi là SS-N-30A Kalibr) đã được Nga phóng đi từ khoảng cách 1.500 km trên biển Caspi, góp phần hỗ trợ các chiến dịch tiến công trên mặt đất của quân đội Syria.
Tên lửa hành trình phóng từ tàu chiến Nga.
Theo chuyên gia Bronk, việc lựa chọn tên lửa hành trình tầm xa đã hé lộ nhưng toan tính quân sự chiến lược của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Syria.
Tên lửa hành trình là vũ khí chiến thuật thường được quân đội các nước phương Tây sử dụng trong nhiều cuộc xung đột. Tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk (TLAM) được NATO triển khai kể từ năm 1983 và có tầm bắn tương đương với tên lửa Kalibr của Nga.
Các tên lửa này thường được sử dụng để giảm thiểu những rủi ro trong các đợt không kích thông thường bằng máy bay, đến các mục tiêu được phòng thủ chặt chẽ. Loại vũ khí này đặc biệt hiệu quả trong việc phá hủy trung tâm chỉ huy trọng yếu, hệ thống radar, kho vũ khí và các mục tiêu quan trọng khác trong chiến dịch.
Như vậy, trong bối cảnh phiến quân IS gần như không sở hữu các hệ thống phòng không hiện đại, việc sử dụng tên lửa hành trình là không cần thiết. Những tên lửa này đắt đỏ hơn việc ném bom thông thường và cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ngay cả các tên lửa Tomahawk của Mỹ cùng từng gặp phải những sự cố. Nếu như tên lửa Nga gặp trục trặc và rơi xuống lãnh thổ Iran hay Iraq, rắc rối ngoại giao sẽ rất khó lường.
Hồi tháng 8 và tháng 9/2014, Mỹ đã phóng hàng loạt quả tên lửa Tomahawk nhằm vào các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria. Sau khi các mục tiêu quan trọng đã bị phá hủy, trọng tâm của chiến dịch chuyển sang ngăn chặn phiến quân và yểm trợ tầm gần cho các lực lượng người Kurd, Tomahawk do đó không còn đóng vai trò là vũ khí quan trọng trong chiến dịch không kích của Mỹ.
Các tên lửa hành trình Kalibr cũng cần nhiều thời gian để đánh trúng mục tiêu từ khoảng cách xa. Với tốc độ tối đa Mach 0.8 (980 km/giờ), SS-N-30A cần khoảng 1 giờ 30 phút mới tiếp cận được mục tiêu.
Nga đã triển khai chiến dịch chống khủng bố ở Syria kể từ cuối tháng trước.
Như vậy, các tên lửa này rõ ràng không phù hợp khi nhắm bắn các mục tiêu di động, như lực lượng nổi dậy Syria và phiến quân IS.
Phô trương sức mạnh quân sự
Xét trên khía cạnh khác, tên lửa hành trình lại là loại vũ khí hoàn hảo để khẳng định khả năng phá hủy các mục tiêu tầm xa cũng như cạnh tranh với tên lửa Tomahawk của Mỹ.
Nga không chỉ phô diễn khả năng phóng tên lửa mà còn khẳng định sức mạnh trong việc triển khai các vũ khí công nghệ cao, vốn là biểu tượng trong các chiến dịch tấn công phủ đầu của Mỹ.
Do đó, các tên lửa hành trình đã khẳng định nỗ lực của Nga trong lĩnh vực cạnh tranh quân sự với Mỹ và phương Tây trên phương diện địa chính trị quốc tế.
Những tên lửa này cũng có khả năng nhắm bắn hầu hết các mục tiêu ở Trung Đông, bao gồm các căn cứ quân sự mà Mỹ và liên minh chống IS sử dụng để với mục đích chống khủng bố.
Tên lửa SS-N-30A cùng máy bay chiến đấu đa năng Su-30, tổ hợp phòng không Pantsir-S1 và tàu tuần dương tên lửa Moskva với 64 quả tên lửa đất-đối-không S-300 đã trở thành mối đe dọa rõ ràng đối với các hoạt động trên không của Mỹ ở Syria.
Nga ngày càng củng cố mong muốn Mỹ và đồng minh chấp nhận vai trò của Moscow trong việc “thay đổi cuộc chơi” ở Trung Đông, theo chuyên gia Bronk.
Cuối cùng, SS-N-30A vốn là nền tảng cho tên lửa hành trình SSC-X-8, thuộc lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga.
Mỹ từng tuyên bố loại tên lửa này vi phạm Hiệp ước tên lửa INF, nghiêm cấm đầu đạn hạt nhân phóng từ tên lửa đạn đạo và hành trình có tầm bắn từ 500-5.500 km. Việc Nga phóng tên lửa SS-N-30A từ biển Caspi ám chi rằng, SSC-X-8 sẽ còn có thể bay xa hơn nữa.
* Cuộc chiến của Nga ở Syria có liên quan đến tình hình thao túng giá dầu thế giới?
Đăng Nguyễn