TPP là gì? Vì sao TPP lại có tầm quan trọng và ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế toàn cầu? Việt Nam sẽ được lợi gì khi là thành viên của TPP?
TPP là gì?
TPP, viết tắt của từ Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương), là một hiệp định, thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia với mục đích hội nhập nền kinh tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. 12 thành viên của TPP bao gồm: Australia, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru, Singapore, Vietnam, Mỹ và Nhật Bản.
TPP là một hiệp định hứa hẹn có sức ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế toàn cầu
Ngoài ra các nước Colombia, Philippines, Thái Lan, Đài Loan và Hàn Quốc cũng đã bày tỏ sự quan tâm đến TPP.
Mục tiêu chính của TPP là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên.
Ngoài ra, TPP sẽ còn thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước này, như: sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, hay an toàn lao động…
Sự ra đời của TPP
Hiệp định này khởi nguồn là Hiệp định Đối tác kinh tế chặt chẽ hơn do nguyên thủ 3 nước Chile, New Zealand và Singapore (P3) phát động đàm phán nhân dịp Hội nghị Cấp cao APEC 2002 tổ chức tại Mexico.
Tháng 4/2005, Brunei xin gia nhập với tư cách thành viên sáng lập trước khi vòng đàm phán cuối cùng kết thúc, biến P3 thành P4.
Đây là Hiệp định mang tính “mở”. Tuy không phải là chương trình hợp tác trong khuôn khổ APEC nhưng các thành viên APEC đều có thể gia nhập nếu quan tâm. Singapore đã nhiều lần thể hiện mong muốn mở rộng TPP và sử dụng TPP như một công cụ để hiện thực hóa ý tưởng về Khu vực Mậu dịch Tự do Châu Á-Thái Bình Dương của APEC (FTAAP).
Tháng 9/2008, Mỹ tuyên bố tham gia TPP. Tiếp theo đó, tháng 11/2008, Australia và Peru cũng tuyên bố tham gia TPP. Tại buổi họp báo công bố việc tham gia của Australia và Peru, đại diện các bên khẳng định sẽ đàm phán để thiết lập một khuôn khổ mới cho TPP. Kể từ đó, các vòng đàm phán TPP được lên lịch và diễn ra cho đến nay.
Lãnh đạo các nước tham gia đàm phán TPP tại Hội nghị năm 2010
Đầu năm 2009, Việt Nam quyết định tham gia Hiệp định TPP với tư cách thành viên liên kết. Tháng 11/2010, sau khi tham gia 3 phiên đàm phán TPP với tư cách này, Việt Nam đã chính thức tham gia đàm phán TPP. Trước đó, tháng 10/2010, Malaysia cũng chính thức tham gia vào TPP, nâng tổng số nước tham gia đàm phán lên thành 9 nước.
Tiếp sau đó, TPP tiếp tục chào đón 3 thành viên khác là: Nhật Bản, Cananda và Mexico.
Quy mô của TPP?
Dân số của 12 quốc gia thành viên tham gia TPP hiện vào khoảng 800 triệu người. Con số này lớn gấp đôi so với thị trường Liên minh châu Âu (EU). Ngoài ra, GDP của 12 nước tham gia TPP hiện đang chiếm 40% tổng thương mại toàn cầu.
Thỏa thuận này là một bước tiến quan trọng vươn tới nhiều lĩnh vực và tiêu chuẩn trong các nước thành viên bao gồm bảo vệ môi trường, quyền người lao động.
TPP được kỳ vọng là một trong những thỏa thuận tự do thương mại tham vọng nhất trên thế giới và tạo ra một thị trường mới hoạt động giống như ở châu Âu. Thỏa thuận này sẽ tạo cơ hội lớn cho các nước tham gia phát triển kinh tế, xóa bỏ hàng rào thuế quan và đẩy mạnh tăng trưởng thương mại giữa các nước.
Một số ý kiến còn cho rằng Mỹ đang cố gắng sử dụng TPP làm công cụ để cạnh tranh với Trung Quốc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nhiều người cũng tin rằng các thành viên khác của APEC cũng sẽ tham gia TPP trong vài năm tới, khiến TPP càng trở nên quan trọng hơn.
Các lĩnh vực trong hiệp định TTP
– Thương mại điện tử
– Dịch vụ xuyên biên giới
– Thuế
– Môi trường
– Dịch vụ tài chính
– Sở hữu trí tuệ
– Chi tiêu công của chính phủ
– Đầu tư
– Lao động
– Giải quyết tranh chấp
– Nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa
– Kiểm dịch thực phẩm
– Viễn thông
– Dệt may
– Bồi thường thiệt hại thương mại
– Doanh nhân sẽ được nhập cảnh dễ dàng hơn vào các nước thành viên
Việt Nam được lợi gì khi là thành viên của TPP?
Hội nhập khu vực đang nổi lên đóng vai trò chủ đạo với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, đặc biệt là tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Xu thế này không chỉ phản ánh sự mưu cầu lợi ích kinh tế mà còn phản ánh cục diện chính trị quốc tế mới, sau sự nổi lên nhanh chóng của một số nước đang phát triển hàng đầu.
Tham gia vào Hiệp định TPP, một cấu trúc quan trọng của khu vực, sẽ giúp Việt Nam nắm bắt và tận dụng tốt hơn các cơ hội do quá trình tái cấu trúc cục diện quốc tế và khu vực cũng như xu thế hội nhập kinh tế khu vực đem lại.
Bên cạnh đó, tham gia Hiệp định TPP sẽ giúp Việt Nam có thêm điều kiện, tranh thủ hợp tác quốc tế để phục vụ chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, triển khai chiến lược hội nhập quốc tế nói chung và chiến lược đối ngoại ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói riêng, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trong buổi đàm phán gần đây (Ảnh: TTXVN)
Thông qua Hiệp định TPP, Việt Nam sẽ có cơ hội đàm phán để Mỹ mở cửa thị trường cho hàng hóa của Việt Nam, tạo cú hích mạnh để thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu. Bên cạnh đó, việc tham gia Hiệp định TPP sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa đầu tư của Mỹ và các nước vào Việt Nam.
Lợi ích to lớn nhất mà Việt Nam sẽ có được khi là thành viên của TPP đó là tìm được một đối trọng đủ nặng để có thể tái cân bằng được quan hệ thương mại với các thị trường truyền thống trọng điểm hiện nay, giảm bớt ảnh hưởng lệ thuộc vào một thị trường nhất định, đặc biệt là Trung Quốc (không là thành viên của TPP).
Với tỷ trọng hơn 60% kim ngạch xuất nhập khẩu, trong đó riêng nhập khẩu lên tới 75% đến từ khu vực Đông Á, Trung Quốc, Đài Loan và ASEAN… Việt Nam sẽ chịu nguy cơ rủi ro lớn nếu nhóm thị trường này có những biến động xấu.
Cùng với thoả thuận FTA mới đạt được gần đấy với EU, TPP với sự có mặt mạnh mẽ của Mỹ, Canada, Australia… sẽ là một hướng đi giàu tiềm năng để Việt Nam từng bước thoát khỏi sự mất cân đối với nền kinh tế lớn láng giềng đang ngày càng tỏ ra có nhiều dấu hiệu thiếu ổn định.
Tuy nhiên, bất kỳ một hiệp định thương mại tự do nào cũng bao gồm rất nhiều thách thức mới bên cạnh những cơ hội phát triển đối với các quốc gia thành viên, và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Bất chấp việc 7 trong số 11 thành viên còn lại đã có FTA song phương với Việt Nam, sức ép cạnh tranh sẽ vẫn là một từ khoá nóng đối với cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Kiều Hương (T.H)