Ông “vua nhựa” Bhanwarlal Raghunath Doshi của Ấn Độ quyết định xuống tóc đi tu hồi giữa tháng 6 năm nay, trong một buổi lễ tiêu tốn hết 16 triệu đô-la Mỹ.
“Vua nhựa” Doshi chọn quy y cửa Phật những năm cuối đời. Ảnh Huffingtonpost |
Quyết định của ông Doshi đã khiến dư luận Ấn Độ xôn xao hàng tháng trời, các báo lớn nhất tại xứ sở khai sinh đạo Phật đua nhau đưa tin.
Không chỉ ở Ấn Độ, tin ông Doshi bỏ lại khối tài sản lên tới hàng trăm triệu USD để theo đuổi một cuộc sống khắc kỷ nơi thiền môn cũng gây chú ý lớn ở các quốc gia khác.
Tờ Oddity Central cho hay ông Doshi được mệnh danh “vua nhựa” ở thủ đô New Delhi, người đã tự mình xây dựng nên đế chế kinh doanh trị giá 100 triệu USD.
Cũng theo tờ báo này, ông Doshi xuất thân là người Rajasthan. Cha Doshi kinh doanh dệt khá thành đạt. Khi Doshi đến tuổi trưởng thành, cha ông đã cố hướng con trai mình theo nghiệp gia đình song Doshi từ chối.
Với mong muốn tự xây dựng cơ đồ, Doshi quyết định mượn 30.000 rupee từ cha để khởi nghiệp kinh doanh nhựa ở Delhi.
Và sau 40 năm phát triển, thành công, sống cuộc sống xa hoa, Doshi quyết định từ bỏ tất cả để quy y cửa Phật.
Lễ xuống tóc của ông Doshi có sự tham dự của các nhà lãnh đạo tu sĩ Jaina giáo Shri Gunratna Surishwarji Maharaj và các nhà công nghiệp hàng đầu của tỉnh Amedabad, bang Gujarat.
Ông Doshi đã có vợ, con và gia sản kếch xù. Ảnh Aajtak.intoday |
Oddity Central dẫn lời một nguồn tin đáng tin cậy cho biết, Doshi đã chi ra 16 triệu USD để tổ chức lễ xuống tóc với nhiều tiền mặt, đồng xu bằng vàng và chìa khóa xe hơi đã được ném vào đám đông người tham dự.
Đoàn người tham dự kết thành một đám rước dài 7 km với sự tháp tùng của 1.000 tu sĩ, 12 xe ngựa, 9 con voi, 9 con lạc đà cùng đoàn nhạc sĩ.
Ước tình có đến 150.000 người được mời tham dự và 500 phòng khách sạn được thuê để họ nghỉ qua đêm trong suốt 3 ngày diễn ra buổi lễ.
Báo Indiatoday của Ấn Độ dẫn lời Bhanwarlal Rohit, con trai ông Doshi cho biết Doshi có ý định xuất gia từ nhiều năm trước song không thực hiện được vì vướng bận chuyện kinh doanh và gia đình ngăn cản.
“Chúng tôi đã mất 3 năm thuyết phục cha thay đổi quyết định nhưng không thành,” ông Rohit nói.
Ông Rohit cũng nói thêm, trước khi cha mình quy đã dành một phần lớn tài sản của mình cho quỹ từ thiện.
Ở Ấn Độ, cái nôi của đạo Phật, hàng năm có nhiều người đi tu song ông Doshi là trường hợp duy nhất quyết định xuống tóc đi tu khi ông đã kết hôn, đang là chủ doanh nghiệp lớn và một địa vị xã hội nhất định.
Diksha Surishwarji Maharaj – một tu sĩ Jain, người đã chấp nhận Doshi làm đệ tử thứ 108, chia sẻ, trở thành một diksha là việc rất khó, đòi hỏi quyết tâm và hạnh ngộ cao.
“Cuộc sống của một tu sĩ Jain giống như vỏ ốc xà cừ. Vỏ ốc này không được sơn bởi bất kì màu sắc nào khác.” – Diksha Surishwarji Maharaj nói.
L.Văn (Theo Indiatoday, Oddity)