Phó đô đốc Ali Fadavi tuyên bố: ” Lực lượng hải quân của Mỹ khi bước chân vào Vịnh Ba Tư phải tuân thủ luật chơi do các tàu cao tốc của Iran quy định”.
Một biên đội tàu cao tốc cỡ nhỏ của Iran tập trận bắn tên lửa, rocket trên Vịnh Ba Tư (ảnh tư liệu – Reuters). |
Ngày 27/12/2015, một tư lệnh chỉ huy của quân đội Iran, Phó đô đốc Ali Fadavi cho biết, các chiến hạm của Mỹ triển khai ở Vịnh Ba Tư thực sự lo sợ trước sức mạnh huỷ diệt của các tàu cao tốc Iran.
Tuyên bố của Phó đô đốc Ali Fadavi được hãng thông tấn FARS của nước này đăng tải.
Theo lời Phó đô đốc Ali Fadavi, ” Lực lượng hải quân của Mỹ khi bước chân vào Vịnh Ba Tư phải tuân thủ luật chơi do các tàu cao tốc của Iran quy định”.
Tuyên bố này ám chỉ rằng Iran rất tự tin trước sức mạnh của lực lượng hải quân trên vùng biển được xem như sân nhà, sát vách lãnh thổ của mình trước bất cứ đối thủ nào dù mạnh như Mỹ.
Bình luận của Phó đô đốc Ali Fadavi được đưa ra khi tư lệnh Iran đến tỉnh Hormozgan tham gia một sự kiện của hải quân nước này.
“Dù là siêu cường quân sự, Mỹ vẫn sợ các tàu cao tốc của Iran vì họ biết rằng các tàu có kích thước nhỏ, đôi khi chỉ dài vài mét thôi nhưng có khả năng huỷ diệt rất mạnh, chúng có thể tiêu diệt vài tàu chiến cỡ lớn, dài hàng trăm mét bất cứ lúc nào” – vị chỉ huy hải quân Iran cho hay.
Trong giai đoạn từ 1980 đến 1988, Iran đã phát động một loạt các chương trình phát triển sức mạnh quân sự trong bối cảnh Hoa Kỳ áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt chống nước này.
Từ năm 1992, quân đội Iran đã bắt đầu sản xuất xe tăng, xe bọc thép chở quân, tàu chiến, tên lửa nội địa để củng cố sức mạnh quân sự của mình.
Phó Đô đốc Iran Ali Fadavi |
Quân đội Iran luôn khẳng định rằng tất cả các chương trình quân sự của nước này đều được tiến hành với mục đích phòng thủ quốc gia trước các mối đe doạ chứ không nhằm vào bất cứ quốc gia đơn lẻ nào.
Hồi tháng 9/2008, Viện nghiên cứu chính sách Cận Đông của Washington từng phảu thừa nhận rằng sức mạnh quân sự của Iran đã được nâng cao đáng kể sau hai thập kỷ kể từ khi kết thúc Chiến tranh Iraq-Iran.
Trong các lực lượng vũ trang, Hải quân Iran là một lực lượng có tốc độ và chất lượng phát triển tốt nhất, có thể đương đầu với các cuộc chiến tranh phi đối xứng chống lại những thế lực quân sự mạnh hơn.
Giới quan sát và phân tích quân sự cho rằng, Hải quân Iran đã chuyển đổi từ một quân chủng lạc hậu sang một lực lượng được trang bị các vũ khí tốt nhất nhờ vào các kế hoạch đầu tư chiến lược do lãnh đạo nước này nhất trí trông qua.
Iran được xem là có khả năng kiểm soát toàn bộ tuyến đường vận chuyển dầu mỏ quan trong đi qua Eo biển Hormuz.
Năm 2014, Hải quân Iran đã được trang bị các tên lửa hành trình tầm xa Qader do nước này tự nghiên cứu chế tạo.
Đáng chú ý, loại tên lửa hành trình này có thể được trang bị cho các tàu tên lửa cao tốc mà Hải quân Iran hiện nay đang rất chú trọng và tâm đắc.
Bình luận của Phó đô đốc Ali Fadavi về khả năng và sức mạnh của các biên đội tàu cao tốc cỡ nhỏ mang tên lửa hành trình tấn công của Iran là một nhận định hết sức đáng chú ý.
Tên lửa hành trình Qader. |
Bỏ qua những câu chữ, lời nói thể hiện sự tự hào, phô trương sức mạnh của Hải quân Iran, có thể nhận thấy, Iran rất chú trọng đến việc phát triển các loại vũ khí, phương tiện nhỏ, gọn nhưng uy lực tấn công mạnh, có khả năng hoạt động linh hoạt để chống lại những chiến hạm, vũ khí lớn hơn của đối phương trong trường hợp có chiến tranh, xung đột.
Đó cũng là chiến thuật dùng ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn, lấy yếu thắng mạnh mà chỉ có một số ít quân đội có thể làm được.
Sức mạnh kỹ thuật quân sự là yếu tố quan trọng nhưng để quyết định được hiệu quả sử dụng các loại vũ khí hiện đại phải do con người.
Trong hoàn cảnh nào đi nữa, việc vận dụng sáng tạo, nhuần nhuyễn các chiến thuật tưởng chừng như lỗi thời, lạc hậu cộng với biết tận dụng “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” thì việc giành chiến thắng trước những đối thủ mạnh hơn cũng là điều có thể xảy ra bởi điều này đã từng được chứng minh trong nhiều cuộc chiến dấu mốc trong lịch sử chiến tranh cận và hiện đại.
Hoà Bình