Người tiêu dùng tẩy chay Coca Cola, Tân Hiệp Phát vì đạo đức kinh doanh
Sunday, December 27, 2015 2:23
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng, nguyên nhân dẫn đến phản ứng gay gắt dư luận với doanh nghiệp như Coca Cola, Tân Hiệp Phát chính là đạo đức kinh doanh.
Câu hỏi lớn về các doanh nghiệp FDI
Năm 2013, báo cáo của Bộ Kế hoạch đầu tư cho thấy các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bỏ trốn trên cả nước đã lên tới con số 500.
Không chỉ bỏ trốn, con số doanh nghiệp FDI trốn thuế, chuyển giá cũng đáng báo động. Tổng cục Thuế cho biết, khi thanh tra tại 870 doanh nghiệp FDI có tới 720 doanh nghiệp vi phạm trốn thuế, hoặc kêu lỗ không đóng thuế.
Trong khi đó các doanh nghiệp này đang được nhận ưu đãi lớn (giảm thuế, đất đai, nhà xưởng, tín dụng…) gây bất công bằng khiến các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể cạnh tranh được đã dẫn đến phá sản hoặc chết lâm sàng.
Coca Cola Việt Nam hơn 20 năm đầu tư kinh doanh tại Việt Nam nhưng liên tục kêu lỗ không đóng 1 đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp nào. |
Nhìn những con số thống kê trên, phân tích dưới góc nhìn chuyên gia kinh tế, ông Bùi Trinh thẳng thắn: “Tôi nghĩ con số doanh nghiệp trốn thuế còn lớn hơn nhiều”.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, chính sách Việt Nam dành quá nhiều ưu đãi nhằm kêu gọi doanh nghiệp FDI vào đầu tư. Chúng ta ưu đãi từ đất đai, thuế, vay vốn… trong khi đóng góp doanh nghiệp FDI không tương xứng với ưu đãi đó.
Riêng về thuế, theo chuyên gia Bùi Trinh số thuế tưởng chừng thu nhiều nhất của doanh nghiệp FDI là thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng thực tế: “Doanh nghiệp FDI trốn thuế là cái nhìn thấy, còn hầu hết doanh nghiệp khai lợi nhuận thấp hơn rất nhiều so với thực tế”.
“Doanh nghiệp FDI không để lại gì cho Việt Nam, chúng ta kêu gọi đầu tư FDI không phải kỳ vọng thu thuế. Điều kỳ vọng đầu tư FDI vào Việt Nam là chuyển giao công nghệ, tạo việc làm cho lao động nhưng thực tế doanh nghiệp FDI vào Việt Nam chủ yếu gia công, không có công nghệ gì. Kỳ vọng về lao động, tạo việc làm điều này doanh nghiệp trong nước còn nhỉnh hơn doanh nghiệp FDI”, chuyên gia Bùi Trinh nhận định.
Bên cạnh kỳ vọng chuyển giao công nghệ, tạo việc làm cho lao động, Việt Nam cũng kỳ vọng doanh nghiệp FDI vào đầu tư tại Việt Nam mang theo tài chính quốc tế làm tăng dữ trữ ngoại hối. Tuy nhiên ông Trinh cho rằng “đây là kỳ vọng hết sức vô duyên”.
“Luồng tiền doanh nghiệp FDI vào Việt Nam tạo dự trữ ngoại hối. Nhiều người phấn khởi dự trữ ngoại hối tăng, nhưng thực sự dữ trữ ngoại hối là khoản nợ, doanh nghiệp FDI có thể rút ra bất kỳ lúc nào, nhưng chúng ta lại tự hào như tiền đó là của mình”, ông Trinh cho hay.
Đưa ra con số thống kê để thấy bản chất doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho hay, xuất khẩu doanh nghiệp FDI chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, giá trị sản xuất của doanh nghiệp FDI chiếm 70% trong khi giá trị ra tăng chỉ chiếm 18% trong tổng GDP, điều này chứng tỏ doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam chủ yếu gia công.
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh (ảnh nguồn Báo Hải Quan) |
Luồng tiền doanh nghiệp FDI chuyển về nước họ năm 2014 so với năm 2000 tăng trên 25 lần. Trong khi doanh nghiệp FDI luôn kêu lỗ. Đây câu hỏi lớn phải tìm lời giải.
Tẩy chay Coca Cola, Tân Hiệp Phát vì đạo đức kinh doanh
Ông Bùi Trinh cho rằng, cái duy nhất Việt Nam thu lại từ đầu tư nước ngoài là thuế tăng ngân sách. Tuy nhiên thực tế, phần nhận được lại là những nghi vấn chuyển giá trốn thuế của phần lớn doanh nghiệp FDI này.
Cụ thể trường hợp Coca Cola Việt Nam, hơn 20 năm đầu tư tại Việt Nam (năm 1993) Coca Cola liên tục khai lỗ trong khi vẫn mở rộng sản xuất, xây dựng nhà xưởng dẫn đến nghi vấn doanh nghiệp chuyển giá trốn thuế.
Ở góc nhìn của người nhiều năm làm thống kê, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho biết: “Tôi hoàn toàn tin việc Coca Cola Việt Nam hơn 20 năm khai lỗ có dấu hiệu chuyển giá trốn thuế. Có điều hiện nay chúng ta mới ở mức cảm giác Coca Cola chuyển giá, nghi vấn chứ không làm rõ ra được. Khi đã không làm rõ được, không giấy trắng mực đen thì rất khó để xử lý”.
Ông Trinh đặt giả thiết, nếu Coca Cola là một doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó có thể tồn tại được.
Vấn đề của Coca Cola Việt Nam không chỉ là đạo đức doanh nghiệp mà họ quá coi thường chính sách pháp luật.
“Việc Cục thuế TP.HCM đề nghị Tổng cục Thuế thanh tra toàn diện Coca Cola năm 2016, tôi nghĩ khó làm rõ vấn đề chuyển giá, nói thẳng ra năng lực ta không đủ”, ông Trinh khẳng định.
Trong điều kiện hệ thống văn bản pháp luật chưa chặt chẽ, doanh nghiệp FDI nhiều mánh khóe lách luật, theo chuyên gia Bùi Trinh tiếng nói của người tiêu dùng có ý nghĩa rất quan trọng.
Cụ thể, sau khi truyền thông đưa ra vấn đề Coca Cola có dấu hiệu chuyển giá trốn thuế, dư luận và cộng đồng mạng phản ứng mạnh mẽ, thậm chí lên tiếng tẩy chay. Sự phản ứng của dư luận ít nhiều tác động dẫn đến việc Coca Cola Việt Nam khai lỗ triền miên, năm 2014 đã thông báo có lãi và nộp 20 triệu USD tiền thuế các loại.
Tuy góp tiếng nói lớn nhưng theo chuyên gia Bùi Trinh, phản ứng của người tiêu dùng theo kiểu “tẩy chay” chỉ là cảm tính theo kiểu phong trào. Nếu chỉ có tiếng nói cộng đồng mạng theo kiểu hô hào không làm khó được doanh nghiệp trong trung và dài hạn.
“Trên mạng xã hội hô hào “tẩy chay” không dùng sản phẩm của doanh nghiệp FDI nhưng muốn tẩy chay chúng ta phải có sản phẩm thay thể để sử dụng. Còn nếu không thì việc tẩy chay doanh nghiệp FDI này vô tình giúp doanh nghiệp FDI khác. Chúng ta không trông chờ vào đạo đức doanh nghiệp”, ông Trinh kết luận.
Tẩy chay Tân Hiệp Phát và Coca Cola vì đạo đức kinh doanh
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Văn Dũng – Phó Viện trưởng Viện phát triển kinh tế miền Đông cho biết: “Có điểm chung câu chuyện Tân Hiệp Phát và Coca Cola là bị dư luận phản ứng gay gắt về vấn đề đạo đức kinh doanh. Sự phản ứng của dư luận xuất phát từ sự bất bình”.
Người tiêu dùng bất bình Tân Hiệp Phát vì chất lượng sản phẩm, vì vô tình đẩy anh nông dân Tiền Giang vào tù.
Người tiêu dùng cũng bất bình vì doanh nghiệp FDI lớn như Coca Cola đầu tư vào Việt Nam 20 năm nhưng không đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào.
“Những hành vi trái với chuẩn mực ứng xử thông thường, thường gây ra bất bình nhiều nhất. Nếu một hành vi vi phạm pháp luật, đã có luật xử lý. Việc bị pháp luật xử lý khiến dư luận thấy hành vi có sự trả giá và sự bất bình sẽ dịu đi. Nhưng đối với những hành vi trái đạo đức, không thể bị xử lý (vì ở phạm trù đạo đức kinh doanh) thì sự bất bình sẽ dễ thành đỉnh điểm”, TS Dũng cảnh báo.
Theo TS Dũng, lúc này thái độ người tiêu dùng không chỉ bất bình với Coca Cola Việt Nam mà chuyển sang “tẩy chay” doanh nghiệp, tẩy chay sản phẩm vì vấn đề chuyển giá, trốn thuế.
“Trong nền kinh tế thị trường thì khách hàng là người quyền lực nhất, và họ thể hiện quyền lực tối thượng của họ là không dùng sản phẩm họ không hài lòng”, TS Dũng nhận định.
Trong bối cảnh thông tin truyền tải nhanh như hiện nay, người tiêu dùng càng thể hiện được quyền lực của họ khi không chỉ bản thân họ không dùng, mà họ còn có thể kêu gọi người khác cũng không dùng như họ. Và đây chính là yếu tố cộng hưởng khiến người tiêu dùng ngày càng có quyền lực.
Cũng có ý kiến cho rằng, người tiêu dùng kêu gọi tẩy chay doanh nghiệp thiếu đạo đức kinh doanh như Coca Cola Việt Nam hay Tân Hiệp Phát sẽ ảnh hưởng đến người lao động, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách… Tuy nhiên TS. Dũng phân tích: Về nguồn thu ngân sách, tôi cho rằng không ảnh hưởng. Khi người tiêu dùng họ không dùng sản phẩm của thương hiệu này, thì họ chuyển sang dùng sản phẩm của thương hiệu khác nếu đó là nhu cầu của họ.
Tổng cầu không thay đổi, sức tiêu thụ toàn thị trường không giảm thì nguồn thu ngân sách nhà nước không giảm.
Đối với người lao động, nhìn ở góc độ toàn thị trường cũng ít ảnh hưởng. Nếu lượng cầu trên một thị trường không thay đổi, thì việc sản xuất không ở chỗ này sẽ chuyển sang ở chỗ khác. Người lao động giảm ở công ty này, nhưng sẽ tăng ở công ty khác.
Mai Anh, giaoduc.net.vn
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo