ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Nguồn: www.nguoiduatin.vn
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Kinh tế Việt Nam: Một năm nhìn lại và những thách thức mới năm 2016
Saturday, January 2, 2016 23:27
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Trong năm 2015, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định. Năm 2016 đã sang hứa hẹn nhiều cơ hội mới cũng như cả những thách thức mới.

2015 – Việt Nam thuộc top những nền kinh tế mới nổi đạt tốc độ tăng trưởng khả quan

Theo công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê, GDP cả nước năm 2015 ước tính tăng 6,68% so với năm 2014, GDP bình quân đầu người năm 2015 ước tính đạt 45,7 triệu đồng, tương đương 2109 USD, tăng 57 USD so với năm 2014.

Vượt lên nhiều khó khăn thách thức, kinh tế Việt Nam năm 2015 được các tổ chức quốc tế đánh giá là “một trong những điểm sáng hiếm hoi của kinh tế châu Á”.

Năm 2015, lạm phát 0,6% là mức thấp nhất trong 14 năm gần đây. Đây là kết quả của chính sách ổn định kinh tế vĩ mô cùng với việc giảm giá nhiên liệu.

Tổng vốn FDI đăng ký ước đạt 22,76 tỷ USD, vốn thực hiện ước đạt 14,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm trước và tăng gấp đôi so với năm 2009. Điều này cho thấy xu hướng phục hồi mạnh mẽ của dòng vốn FDI, thể hiện lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam.

  Kinh tế Việt Nam: Một năm nhìn lại và những thách thức mới năm 2016 - Ảnh 1

Năm 2015, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định.

Năm 2015 là thời điểm đánh dấu sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam với trong khu vực và trên thế giới. Sau 8 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước và khu vực, như FTA với Hàn Quốc, EU, Liên minh Kinh tế Á – Âu, tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.

Cùng với đó, việc đổi mới mạnh mẽ thể chế kinh tế, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông cũng là những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2015.

Đáng chú ý, năm 2015 còn ghi nhận sự phục hồi và phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam qua những con số về sự tăng giá liên tục của nhiều dự án cũng như việc giải quyết hàng tồn kho và thanh khoản tăng cao.

  Kinh tế Việt Nam: Một năm nhìn lại và những thách thức mới năm 2016 - Ảnh 2

Bên cạnh đó, tin tức từ Bloomberg cho biết Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6,27% trong năm nay, cao thứ 6 trong số các nền kinh tế mới nổi trên thế giới.

Việt Nam cũng là một trong số 6 nền kinh tế mới nổi tăng trưởng trên 6% trong năm nay, bên cạnh Ấn Độ (7,3%), Tanzania (7,2%), Trung Quốc (6,95%), Uganda (6,85%), và Dominica (6,35%).

Hơn thế nữa, năm 2015 là năm thứ hai liên tiếp xếp hạng về năng lực cạnh tranh và điều kiện kinh doanh của Việt Nam được cải thiện. Xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tăng từ 75 (năm 2013) lên 70 (năm 2014) và 68 (năm 2015); xếp hạng điều kiện kinh doanh tăng từ 99 (năm 2013) lên 93 (năm 2014) và 90 (năm 2015).

Nhìn lại kinh tế Việt Nam năm 2015, nhiều chuyên gia nhận định rằng kinh tế vĩ mô Việt Nam tăng trưởng ổn định, lạm phát thấp, cơ cấu nền kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực.

2016 – Những cơ hội và thách thức mới

Tiền Phong dẫn lời Đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Năm 2016, nền kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi khi các hiệp định mới đã hình thành, đang ký kết nói chung sẽ mở ra cơ hội lớn trong việc huy động vốn, mở ra khả năng xuất khẩu, giải quyết thị trường lao động… Từ đó sẽ tạo ra những điều kiện rất tốt để chúng ta hội nhập sâu hơn, toàn diện hơn, sức cạnh tranh của chúng ta được cải thiện tốt hơn, góp phần tăng thêm thu nhập cho người lao động. Đây cũng là dịp để chúng ta nâng vị trí của mình thêm một bước trên trường quốc tế”.

Tiến sỹ kinh tế Trần Du Lịch đưa ra nhận định: “Về chính sách tiền tệ, trong thời gian qua đã có những kết quả tích cực như góp phần ổn định vĩ mô, xử lý nợ xấu, giải quyết ngân hàng đổ vỡ… Tuy nhiên, mục tiêu giảm lãi suất ngân hàng để hỗ trợ thêm cho nền kinh tế vẫn còn khó. Trong điều kiện hiện nay, tất cả các nguồn lực tín dụng kể cả nhà nước doanh nghiệp đều dựa vào ngân hàng thương mại là chưa thật bền vững”.

Còn theo Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Bùi Đức Thụ: “Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với đà tăng trưởng như hiện nay, năm 2016 sẽ có nhiều nhân tố mới mang tính chất ổn định và phát triển hơn. Chính vì vậy, tăng trưởng GDP năm 2016 ở mức 6,7% theo tôi là khả thi”.

Một tín hiệu lạc quan nữa cho nền kinh tế Việt Nam là Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia dự báo, xuất khẩu của Việt Nam năm 2016 sẽ tăng trưởng cao hơn so với năm 2015 nhờ kinh tế và thương mại thế giới được dự báo tăng trưởng cao hơn. Trong khi đó, các hiệp định thương mại có hiệu lực trong năm 2016 giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là đối với mặt hàng dệt may, giày dép, nông, lâm, thủy sản.

Năm 2016, thời cơ rất lớn nhưng khó khăn cũng rất nhiều, tình hình biến đổi khí hậu đã và đang hoành hành, biểu hiện rất rõ, ảnh hưởng rất lớn đến nền nông nghiệp, khó khăn từ vòng xoáy của giá nông sản, thực phẩm đang giảm trên phạm vi toàn thế giới. Mặt khác chúng ta cũng bị ảnh hưởng do tác động của nền kinh tế thế giới phục hồi không đều.

  Kinh tế Việt Nam: Một năm nhìn lại và những thách thức mới năm 2016 - Ảnh 3

Việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu sẽ đem lại cả cơ hội và thách thức cho Việt Nam.

Ngoài ra, việc hội nhập ngày càng sâu rộng trong phạm vi khu vực và trên toàn cầu cũng mang lại những thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam khi mức độ cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt.

Ngày cuối năm, trong một status ngắn mang tính tổng kết đăng trên Facebook, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du đã nhận xét, trong khi “bên ngoài nhìn bức tranh chung nên thấy nền kinh tế Việt Nam rất lạc quan”, thì “trong nước thường so sánh Việt Nam với các nước đã phát triển hay đi trước Việt Nam rất xa và nhiều người kỳ vọng quá cao vào vai trò của nhà nước nên thường rất bi quan… Công bằng mà nói, Việt Nam vẫn có rất nhiều vấn đề, nhưng ba thập niên qua, so sánh toàn cầu, Việt Nam thuộc nhóm nước có sự cải thiện tốt nhất về những chỉ tiêu cơ bản”.

Kiều Hương (T.H)

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.