Giám đốc điều hành của Nhóm khủng hoảng quốc tế vừa lên tiếng kêu gọi phương Tây làm việc với Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề Syria và cuộc khủng hoảng người tị nạn.
Jean-Marie Guehenno, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận “Nhóm khủng hoảng quốc tế” cho biết trong một bài báo đăng trên tờ Guardian.
“Đã đến lúc tập trung vào những rắc rối của Thổ Nhĩ Kỳ. Phương Tây và Mỹ nên giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ bởi đất nước này vẫn có vai trò vô cùng quan trọng đối với những mâu thuẫn địa chính trị giữa Nga và phương Tây, Trung Đông và châu Âu, giữa trật tự thế giới hiện tại và tư tưởng cực đoan bạo lực khác.”
Guehenno cho rằng không gì có thể thay đổi được sự ràng buộc về lợi ích giữa Mỹ, châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên chính thức của NATO kể từ năm 1952. |
“Phải thừa nhận rằng, cuộc khủng hoảng ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay là do chính đường lối chính sách của những người lãnh đạo đất nước. Nhưng một sự can thiệp của bạn bè Thổ Nhĩ Kỳ là cần thiết để đảo ngược vòng luẩn quẩn đang kéo Thổ Nhĩ Kỳ chìm sâu vào khủng hoảng.
Cho dù sự can thiệp đó là những cuộc gặp mặt cấp cao, hỗ trợ tài chính cho người tị nạn hay là hành động quân sự trên mặt đất.
Trong bài báo của mình, Guehenno cho rằng chính phủ phương Tây cần phải thiết lập chính sách riêng của họ trong cuộc khủng hoảng Syria, đặc biệt là về vấn đề YPG.
“Ở miền Bắc Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với những thách thức từ người Kurd, Nga và Iran. Nhưng chính trong thời điểm này, một bước ngoặt nguy hiểm lại xảy ra. Mâu thuẫn trong quan điểm về người Kurd ở Syria đã làm rạn nứt mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và NATO.
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ đánh bom ở Thổ Nhĩ Kỳ |
Mỹ và các nhà lãnh đạo châu Âu đã sai lầm khi quá đề cao chính sách coi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là mối nguy hiểm lớn nhất, phải đối đầu bằng bất cứ giá nào.
Thực ra, theo Guehenno, khoảng trống quyền lực ở trung tâm khu vực Trung Đông mới là điều đáng sợ nhất đối với Mỹ và châu Âu. Bởi chính sách quá đề cao IS, Mỹ và châu Âu đang làm mất đi một đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ hùng mạnh ở Trung Đông.
“Ở đây, Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây phải vượt qua mâu thuẫn của họ về lập trường với người Kurd ở Syria.”
Để giải quyết điều đó, Mỹ và đồng minh cần thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ quay lại các cuộc đàm phàn đã bị trì hoãn hồi năm ngoái với PKK.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng thống Mỹ Obama |
“Tổng thống Erdogan nên khởi động lại những nỗ lực hòa bình với PKK và đạt được một thỏa thuận đảm bảo an ninh biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và chấm dứt pháo kích vào Syria”.
Về phần mình, Mỹ và phương Tây nên cảnh báo PKK rằng việc gây bất ổn Thổ Nhĩ Kỳ là điều không thể chấp nhận được. Đồng thời thúc đẩy các tiến trình hòa bình, giúp Thổ Nhĩ Kỳ trong nỗ lực giảm căng thẳng leo thang với Nga, và xây dựng các mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ – EU trên diện rộng.
“Không ai biết được trong tương lai Thổ Nhĩ Kỳ có còn là thành viên NATO nữa hay không. Nhưng cuộc chiến Syria là một bị kịch quốc tế. Trong cơn bão địa chính trị này, Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây rõ ràng là trong cùng một chiến tuyến”.
Phong Lan