Iran đã tính toán rằng để thực hiện thành công dự án nước này có thể sẽ phải bỏ ra 7 tỷ USD.
Trang Sputnik của Nga hôm 30/3 đưa tin cho biết, Iran đang có một dự án tham vọng, sẽ cần đến sự trợ giúp to lớn của Nga đó là kế hoạch xây dựng một kênh đào xuyên lãnh thổ, nối khu vực Vùng Vịnh với Biển Caspian.
Hai phương án xây kênh đào ở phía Đông (màu tím) và ở phía Tây. |
Theo trang báo của Nga, Iran chỉ có thể trông chờ vào sự giúp đỡ của Nga. Đây cũng là nhận định được chuyên gia phân tích Bahram Amirahmadiyan đến từ khoa địa chính trị của Đại học Tehran đưa ra.
Theo Sputnik, thông tin về dự án tham vọng của Iran đã được các phương tiện truyền thông Iran, Nga đăng tải từ hồi cuối tuần qua.
Theo đó, Tehran muốn Nga trợ giúp nước này thực hiện dự án xây kênh đào nhân tạo xuyên lãnh thổ Iran, nối Biển Caspian ở phía Bắc với khu vực Vùng Vịnh ở phía Nam.
Truyền thông Nga tiết lộ, các cuộc đàm phán đang được Iran tiến hành với các nhà lãnh đạo Nga. Nếu không có vướng mắc, công việc sẽ được triển khai và hoàn thành trong những năm 2020 sắp tới.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, dự án tham vọng của Iran đã và sẽ có thể đối mặt với nhiều thách thức tương đối lớn và chúng phải được lên kế hoạch và giải quyết trước khi công việc được bắt đầu ngoài thực địa.
Iran được cho là đang đàm phán hợp tác với Nga. |
Người đầu tiên có ý tưởng xây dựng kênh đào xuyên lãnh thổ Iran là cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad. Ông Mahmoud Ahmadinejad đã đưa ra ý tưởng táo bạo này từ cách đây nhiều năm.
Bộ trưởng năng lượng Iran khi đó là ông Majid Namjoo đã tính toán rằng để thực hiện thành công dự án Iran có thể sẽ phải bỏ ra 7 tỷ USD.
Khi được hỏi về dự án này, Bahram Amirahmadiyan – chuyên gia phân tích của Khoa Địa Chính Trị thuộc Đại học Tehran đã nhận định rằng để thực hiện được công trình tham vọng này Iran phải có được sự trợ giúp to lớn của Nga và một số nước khác trong khu vực.
Kênh đào xuyên Iran nếu hình thành có thể dẫn đến những thay đổi địa chính trị chiến lược. |
Hiện đã có hai phương án đào kênh được đưa ra bàn thảo gồm kênh đào ở phía Đông (với số lượng đất đá, quãng được đào dài hơn) và kênh đào ở phía Tây có quãng đường ngắn hơn.
Nếu thực hiện thành công dự án này, sẽ mở ra nhiều cơ hội giao thương, vận chuyển, triển khai quân sự quan trọng cho Iran và các đối tác của nước này.
Tuy nhiên, chắc chắn nó cũng sẽ vấp phải chỉ trích của những nhà hoạt động môi trường cũng như những thế lực chống Iran.
Hoà Bình