Friedman cho rằng việc châu Âu hướng tới “sức mạnh mềm” đơn giản chỉ là để trốn tránh thực tại.
Tuyên bố mới đây của ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng các nước châu Âu hiện đang không đóng góp tài chính một cách công bằng cho NATO và rằng sẽ tốt hơn nếu để liên minh này sụp đổ đã gây ra mối quan tâm mạnh mẽ tại châu Âu.
Bình luận về nhận xét này, chuyên gia phân tích chính trị, quân sự, văn hóa trên tờ Business Insider (Mỹ), George Friedman bày tỏ quan điểm chỉ ra những vấn đề chồng chéo, cũng như các điểm yếu của các nước châu Âu dẫn tới hệ quả là làm suy yếu đáng kể khả năng NATO.
Ban đầu, NATO được định vị là một liên minh bảo vệ châu Âu khỏi ảnh hưởng của Liên Xô. |
NATO là một khối quân sự-chính trị thành lập vào năm 1949. Ban đầu, NATO được định vị là một liên minh bảo vệ châu Âu khỏi ảnh hưởng của Liên Xô. Nhưng sau sự sụp đổ của Liên Xô, liên minh này vẫn tiếp tục tồn tại. Hiện nay, các thành viên NATO là 28 quốc gia – hầu hết các nước châu Âu và Mỹ, Canada.
Theo quan điểm của Friedman, các cuộc khủng hoảng địa chính trị gần đây đã làm lộ rõ những vấn đề chung về an ninh đối với toàn bộ châu Âu. Phần lớn các nước châu Âu không có khả năng quân sự, ngoại trừ liên minh NATO, nhưng khối này lại đang ở trong tình trạng hỗn độn.
“NATO là một liên minh quân sự, nhưng châu Âu đã làm suy yếu đáng kể tiềm năng quân sự của nó”, ông nói.
Nhiều người châu Âu xem NATO là nền tảng an ninh của họ. Từ khi được thành lập, người châu Âu đã mong muốn NATO phục vụ họ như một cơ chế để phê duyệt và giám sát các hoạt động quân sự. Họ muốn có một tiếng nói quyết định trong liên minh.
Nhưng lực lượng quân sự của họ lại rất nhỏ, trong một số trường hợp chỉ là sự tượng trưng. Xét trên cả phương diện đóng góp tài chính và quân sự, các nước châu Âu đều thua kém Mỹ. Họ dựa rất nhiều vào Mỹ – thành viên NATO có khả năng quân sự ở cấp độ toàn cầu – và cắt giảm các nguồn đầu tư cho quân đội riêng của mình.
Theo thời gian, người châu Âu nhận ra rằng Mỹ không đổ nhiều tiền vào NATO để người châu Âu có tiếng nói trong việc sử dụng nó. Châu Âu ngày càng trở thành một yếu tố ít có vai trò quyết định trong liên minh cũng như tác động tới quyết định của Mỹ.
Friedman cho rằng việc châu Âu hướng tới “sức mạnh mềm” đơn giản chỉ là để trốn tránh thực tại. |
Trong khi Mỹ cung cấp nguồn lực quân sự, các nước châu Âu hướng tới phát huy vai trò của cái gọi là “quyền lực mềm” như sử dụng các biện pháp xử phạt, huy động công luận và các chiến lược khác có thể giúp tránh được các hoạt động quân sự. Họ thường hướng tới các giải pháp “mềm” để giảm chi phí so với việc trở thành một quyền lực toàn cầu.
Tuy nhiên, ông Friedman cho rằng việc châu Âu hướng tới “sức mạnh mềm” đơn giản chỉ là để trốn tránh thực tại. Chỉ tới khi sức mạnh quân sự của Nga trỗi dậy và làn sóng bất ổn ở châu Âu lan sang, người châu Âu mới nhận ra rằng quyền lực mềm… chỉ là mềm và họ cần sức mạnh cứng rắn hơn như Mỹ và Anh, Pháp có.
Trong thời gian theo đuổi quyền lực mềm, NATO đã bị sụt giảm các chức năng ban đầu nó được tạo ra. Khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, một số quốc gia Đông Âu đã tìm cách trở thành thành viên của liên minh. Nhưng các nước này không tìm kiếm sự bảo vệ quân sự mà vì lợi ích khi họ được hội nhập vào cộng đồng châu Âu.
Tổng dân số của Liên minh châu Âu hơn 508 triệu người. Dân số của Mỹ khoảng 320 triệu người. GDP của Liên minh châu Âu là 18,45 nghìn tỷ USD, trong khi GDP của riêng nước Mỹ là là 18,3 nghìn tỷ USD.
Châu Âu và Mỹ đều bình đẳng về của cải, và chưa kể tới châu Âu nhiều hơn gần 200 triệu người so với Mỹ nên họ có đủ khả năng để cân bằng sức mạnh quân sự với Mỹ. |
Nói cách khác, châu Âu và Mỹ đều bình đẳng về của cải, và chưa kể tới châu Âu nhiều hơn gần 200 triệu người so với Mỹ. Do đó, theo Friedman, không có lý do gì người châu Âu lại không thể có khả năng quân sự bằng hoặc thậm chí lớn hơn của Mỹ.
Freidman cho rằng nguyên do xảy ra tình trạng bất đối xứng về ảnh hưởng giữa Mỹ và châu Âu trong NATO nằm ở chỗ Liên minh châu Âu thiếu quan tâm tới đầu tư cho quân đội.
Trên thực tế, không phải chỉ riêng tỷ phú Donald Trump mới nhìn ra sự chênh lệch trong NATO và cho rằng nó không nên tiếp tục tồn tại. Nhưng nếu NATO sụp đổ, Mỹ và các nước châu Âu sẽ phải đối mặt với những rắc rối lớn, Freidman kết luận.
Không chỉ cần phải cân bằng quyền lực với một nước Nga đang trỗi dậy mạnh mẽ, Mỹ và châu Âu cũng cần rất nhiều nguồn lực để giải quyết các mối đe dọa an ninh đến từ Trung Đông.
Ngoài ra, bản thân Mỹ cũng thừa nhận rằng không thể hành động một mình. Mỹ cũng mong muốn các đối tác NATO chia sẻ nhiều gánh nặng hơn trong việc giải quyết các mối đe dọa chung, nhà phân tích kết luận.
Hoàng Hải