ViỆt Nam ChỌn Đi : Formosa Hay SỰ TỒn Vong CỦa ĐẤt NƯỚc !
Wednesday, April 27, 2016 23:44
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo
Tôi không thể kiềm chế cơn uất hận khi đọc những câu trả lời ngạo mạn của tên Chu Xuân Phàm, Trưởng Văn phòng đại diện Formosa tại Hà Nội, trên báo Tuổi Trẻ Online chiều qua. Điều đáng nói là cũng trong buổi chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng vừa chỉ đạo phải khẩn trương làm rõ nguyên nhân cá chết bất thường ở khu vực bờ biển miền Trung. Vậy mà trước báo chí Việt Nam, người đại diện Formosa đã thản nhiên trả lời : “Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được…” (trích nguyên văn từ bài trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ ngày 25/4). Câu trả lời đầy thách thức này đã không chỉ công khai thừa nhận trách nhiệm của Formosa mà còn là một sự sỉ nhục đối với bộ máy điều hành Chính phủ Việt Nam hiện nay. Đó không thể là câu trả lời của một nhà đầu tư từ nước ngoài vào một nước khác làm ăn, và lại đang bị nghi vấn trong một vụ bê bối môi trường nghiêm trọng. Đó chỉ có thể hiểu là biểu thị thái độ trịch thượng của những kẻ tự cho mình đến từ nước lớn nên được quyền coi thường cả chính phủ lẫn nhân dân Việt Nam. Mà hắn là ai ? Chỉ là Trưởng văn phòng đại diện của một doanh nghiệp Đài Loan – Trung Quốc đến Việt Nam đầu tư !
Tại sao Formosa lại dám ngạo mạn và trịch thượng đến vậy ?
Lật giở lại toàn bộ thông tin xung quanh “siêu dự án” này mới thấy rằng không phải Tập đoàn Formosa được “chống lưng” như tin đồn, mà còn hơn thế nữa, đó là một sự đánh đổi cực kỳ vô lý và khó hiểu để giúp nó gần như trở thành một quốc gia riêng án ngữ dọc suốt 250 km bờ biển miền Trung (từ Hà Tĩnh vào tới Thừa Thiên – Huế).
TỔNG QUAN VỀ DỰ ÁN
Nằm ở vị trí đắc địa 3,300 ha (bằng 1,2 diện tích Macau) tại Khu Kinh tế Vũng Áng (gồm cả cảng nước sâu Sơn Dương), dưới chân đèo Ngang, Dự án Khu liên hợp gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương do Tập đoàn Formosa đầu tư có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng không chỉ riêng Hà Tĩnh mà còn các tỉnh lân cận.
Bắt đầu khởi công xây dựng vào tháng 7/2008, Formosa được kỳ vọng là dự án luyện cán thép lớn nhất khu vực Đông Nam Á với tổng mức đầu tư cam kết hiện nay lên tới 28,5 tỷ USD. Theo giới thiệu trên website của Sở Công thương Hà Tĩnh, đây là dự án được ứng dụng kỹ thuật và các thiết bị tiên tiến trên thế giới về luyện gang, luyện thép và cán thép, đồng thời áp dụng các giải pháp kỹ thuật về tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường tốt nhất. Đây sẽ là nhà máy thép với dây chuyền sản xuất khép kín và cảng nước sâu với công suất 22 triệu tấn thép/năm, 1500 Mê-ga-oát nhiệt điện, 11 cầu cảng lần lượt đi vào hoạt động trong năm 2014 – 2015. Tổng mức đầu tư giai đoạn I dự kiến khoảng 10 tỷ USD.
NHỮNG ƯU ĐÃI ĐẶC BIỆT KHÁC THƯỜNG…
Để phục vụ “siêu dự án”, Hà Tĩnh đã phải thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng gần 2.000 ha đất, với gần 3.000 hộ thuộc 9 xã vùng Nam Kỳ Anh, 58 nhà thờ, gần 15.000 ngôi mộ phải di dời để giải phóng mặt bằng. Riêng xã Kỳ Lợi gần như bị xóa trắng để dành đất cho dự án.
Nhưng điều mà dư luận quan tâm hơn cả là những ưu đãi “vô tiền khoáng hậu” của cả chính phủ Trung ương và địa phương đối với dự án này. Ngoài việc được thuê 3.300 ha mặt đất và mặt nước với giá gần như cho không (96 tỷ đồng trong 70 năm, miễn tiền thuê trong 15 năm, chỉ phải trả cho 55 năm), Formosa còn được cho phép hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức ưu đãi cao nhất : Chỉ 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án (trong khi mức thuế suất thuế TNDN năm 2008 là 28%), mà lại còn được miễn 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo; đồng thời được nâng giới hạn cấp tín dụng lên gấp 4 lần mức tự có (điều này xem như được kinh doanh hoàn toàn bằng vốn tín dụng tại VN).
Ngạc nhiên hơn là Chính phủ VN còn đồng ý cấp 2.000 tỷ đồng và chính quyền Hà Tĩnh cấp thêm 1.000 tỷ nữa để giúp hoàn thành hệ thống cấp nước cho dự án. Chính quyền Trung ương cũng chấp thuận cấp 300 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ xây nhà ở cho công nhân tại Khu kinh tế Vũng Áng, trong đó chủ yếu là công nhân Trung Quốc đang làm việc cho dự án này.
Có thể nói với những ưu đãi đó, đúng là chưa từng có một dự án đầu tư trong nước hay nước ngoài nào từ trước tới nay được hưởng các chính sách hỗ trợ cực kỳ béo bở như vậy ! Nói “vô tiền khoáng hậu” vì có những ưu đãi còn vượt qua cả luật, như việc giao đất với thời hạn 70 năm cho Formosa cũng là ngoại lệ so với quy định thời hạn giao, cho thuê đất tối đa 50 năm đã được xác định trong Luật Đất đai của Việt Nam.
Được ưu đãi đến mức khác thường như vậy, nhưng hãy xem “siêu dự án” này mang lại gì cho Việt Nam ?
VÀ CÁI GIÁ PHẢI TRẢ
Dù hiện nay vẫn chưa có kết quả điều tra chính thức về nguyên nhân cá chết hàng loạt dọc bờ biển miền Trung, nhưng với những số liệu đầu tiên về tình hình hoạt động của Nhà máy luyện cán thép và việc thừa nhận thản nhiên của người đại diện Formosa trong bài trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ như đã nêu trên, có thể thấy rằng chúng ta đang bắt đầu phải trả một giá đắt khôn lường cho dự án này !
- Về mặt kinh tế. Hậu quả của Formosa sẽ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn lợi thuỷ sản với giá trị xuất khẩu 7 tỷ USD mỗi năm, dải bờ biển miền Trung tuyệt đẹp vốn là lợi thế của ngành du lịch nước ta cũng sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. Làm sao có thể đưa khách đến khu vực bờ biển đã bị nhiễm độc bởi chất xả thải mà ngay cả cá, tôm cũng không sống được ? Chỉ trong 4 tháng đầu năm, Formosa mới xả khoảng gần 1 triệu khối nước thải ra biển mà đã xảy ra tình trạng cá chết như thế này. Thử hình dung với 31 triệu khối nước thải độc hại mỗi năm (gấp 30 lần) được xả thẳng ra biển khi dự án này hoàn tất và đạt sản lượng 10 triệu tấn thép/năm như kế hoạch, thì tổn thất về các nguồn lợi kinh tế biển ở khu vực này sẽ còn nghiêm trọng đến mức nào ? Các báo cáo mới nhất hôm nay về điều tra, phân tích mẫu nước tại khu vực biển Lăng Cô của Sở Tài nguyên – Môi trường Thừa Thiên – Huế đã cho biết với 9 mẫu nước và 7 mẫu trầm tích, tổng hàm lượng ni-tơ tính theo amoni (NH4+-N) và hàm lượng kim loại nặng Crom (Cr) đã vượt giới hạn cho phép của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.
Đó là chưa kể ảnh hưởng của Formosa tới ngành thép trong nước. Đã có những bài báo trước đây phân tích rằng khi Formosa chỉ tập trung vào cán thép chứ không phải luyện kim, với những lợi thế về các chính sách ưu đãi như nêu trên, các doanh nghiệp luyện cán thép trong nước sẽ rơi vào thế cạnh tranh bất bình đẳng với Formosa. Ngành thép trong nước vốn đã lao đao nay sẽ còn tiếp tục teo tóp hơn nữa cùng với sự lớn mạnh của Formosa !
- Về mặt môi trường. Ngoài việc tàn phá tài nguyên biển và môi trường nước một cách “triệt để” do xả thẳng chất thải ra biển như đã nói ở trên, mỗi năm, với công suất 10 triệu tấn thép, Formosa còn “đóng góp” thêm cho rẻo đất bé nhỏ miền Trung khoảng 6 triệu tấn chất thải rắn và 23 triệu tấn CO2 nữa ! Không cần thuyết minh thêm cũng có thể hình dung ra rằng cái giá phải trả cho sự đánh đổi về môi trường của chúng ta đắt như thế nào ! Cần biết thêm vài thông tin về hồ sơ phá hoại môi trường “cộm cán” của Formosa trên thế giới. Vào năm 2009, Formosa đã “được” Tổ chức bảo vệ môi trường Ethecon ở Đức trao giải “Hành tinh đen” do những “đóng góp” vào việc phá hủy môi trường. Tại Mỹ, ở hai bang Texas và Louisiana, các nhà máy của Formosa từng bị phát hiện xả các chất độc như 1,2-dichloroethane (EDC), dioxin và chroroform… vào đất và nước ngầm, kể cả xuống sông Mississippi. Cũng trong năm 2009, Formosa bị EPA (Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ) “phạt dân sự” số tiền là 2,8 triệu USD, đồng thời bị buộc phải bỏ ra 10 triệu USD để khắc phục các vấn đề gây ô nhiễm môi trường tại các bang Texas và Louisiana.
Hồ sơ môi trường của Formosa “lừng lẫy” đến nỗi đã trở thành ví dụ minh họa trong bộ sách giáo khoa Luật Môi trường của Barry Hill tại Mỹ (Environmental Justice, Legal Theory and Practice, Barry Hill, 3rd Edition, 2014).
- Về mặt xã hội. Với khoảng 11.800 hộ dân phải di dời để phục vụ cho dự án, không biết khi Nhà máy luyện cán thép đi vào hoạt động, bao nhiêu phần trăm các hộ gia đình này có cơ hội được giải quyết công ăn việc làm trong khi Formosa đã chủ trương tuyển dụng phần lớn lao động Trung Quốc đến làm việc tại đây ? Lưu ý rằng hiện nay tại Vũng Áng cũng có nhiều lao động Việt Nam làm việc, nhưng chủ yếu là trong quá trình xây dựng hạ tầng. Việc chuyển đổi cơ cấu ngành nghề cho một lực lượng lao động tại chỗ từ nông nghiệp và đánh bắt thủy sản sang sản xuất công nghiệp liệu có được chính quyền địa phương cùng Formosa thực hiện theo một chính sách nghiêm túc, hay cũng chỉ là “cái bánh vẽ” để đẩy dân đi, nhằm giải quyết cho xong bài toán về quy hoạch ? Những hệ lụy phức tạp về an ninh và xã hội khi lao động Trung Quốc tràn ngập tại Vũng Áng liệu cũng đã được chính quyền địa phương lường định đầy đủ để có đối sách phù hợp hay chưa ?
- Đặc biệt nghiêm trọng là về mặt quân sự và quốc phòng. Việc Formosa được án ngữ suốt 250 km bờ biển chạy dài qua 4 tỉnh (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên -Huế) và chặn ngay ở “thắt lưng” hiểm yếu của miền Trung ở khu vực trên bộ không khỏi làm liên tưởng đến hình ảnh “con ngựa thành Troy”, mà điều quái đản ở đây là con ngựa này lại do chúng ta tình nguyện mang về chứ không phải do ngoại bang dàn dựng ! Trả lời báo Tuổi Trẻ, Chu Xuân Phàm nhắc lại : “Hồi xưa, khi giải phóng mặt bằng, đã tính phương án hỗ trợ ngư dân đánh bắt chuyển sang nghề khác rồi, sao cứ phải đánh bắt quanh vùng biển này ?”. Thế là đã rõ ! Nhân danh việc sử dụng mặt đất và mặt nước đã được giao cho dự án, Formosa có quyền độc chiếm toàn bộ vùng biển ở khu vực này. Khi ngư dân mình không còn được “héo lánh” tới đây để đánh bắt thủy sản nữa, ai biết được điều gì sẽ xảy ra trên vùng biển có chủ quyền của nước ta ? Lưu ý rằng từ căn cứ quân sự Du Lâm ở đảo Hải Nam của Trung Quốc đến Vũng Áng chỉ cách khoảng 320 km đường chim bay.
Hiện nay, đang có một luồng ý kiến cho rằng nếu không ưu đãi để Formosa đầu tư vào dự án Khu liên hợp gang thép này, góp phần vào việc phát triển kinh tế cho đất nước, chúng ta biết bao giờ mới có được 10 tỷ USD để đầu tư chứ đừng nói gì đến 28 tỷ ! Chưa kể sau khi đi vào hoạt động, Formosa sẽ đóng góp không nhỏ cho ngân sách. Xin đưa ra vài số liệu để ai đó còn mơ hồ với những luận điệu này phải giật mình nghĩ lại. Theo thông tin từ chính trang web của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cứ một tấn thép của Formosa, chúng ta sẽ được hưởng từ 1-2 triệu đồng (gồm cả thuế VAT và tiền thuê đất). Trong khi đó, với mỗi tấn cá do người dân đánh bắt, có thể thu được từ 12-13 triệu đồng. Nếu cộng cả thêm các khoản hỗ trợ hết sức hào phóng từ ngân sách Trung ương và địa phương cho Formosa như đã nêu trên thì có thể thấy chúng ta đã tự nguyện bỏ “con tôm” để đổi lấy một “con tép” thảm hại thế nào !
NHỮNG CÂU HỎI LỚN, AI HỒI ĐÁP ?
Bất kỳ một dự án đầu tư nào khi được xem xét thực hiện cũng đều phải đáp ứng các yêu cầu hiệu quả về mặt kinh tế và xã hội. Bên cạnh đó, không thể thiếu yêu cầu đánh giá về tác động đối với môi trường. Một “siêu dự án” như Formosa Hà Tĩnh lại càng phải tuân thủ những yêu cầu này một cách nghiêm túc hơn bao giờ hết. Nhưng những gì đang diễn ra đã cho thấy rằng người dân có quyền nghi ngờ tính hiệu quả cũng như các tác hại không nhỏ của dự án này về mọi mặt. Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ khi bắt đầu, dư luận đã lên tiếng phản đối dự án này khá quyết liệt. Nhưng rồi cũng như dự án Bauxite trước đây, những lời phản đối cũng dần bị rơi vào quên lãng. Chỉ đến nay, nhờ có đàn cá chết đột ngột khắp biển miền Trung, người ta mới bàng hoàng nhớ ra có cái dự án Formosa Hà Tĩnh…
Xin được mượn ý một câu thơ của Huy Cận để đặt cho cái “surtitre” này. Và đây là những câu hỏi mà một người dân như tôi không hiểu sẽ được ai và khi nào trả lời cho mình :
1/ Ai là người có trách nhiệm cuối cùng trong việc phê duyệt dự án này ? Một “siêu dự án” ảnh hưởng quan trọng tới kinh tế, xã hội, môi trường và quốc phòng ở quy mô như thế có được trình cho Quốc hội xem xét để thông qua, hay là do Chính phủ được toàn quyền quyết định ?
2/ Hồ sơ cam kết về môi trường và việc khảo sát, đánh giá tác động môi trường của Formosa Hà Tĩnh đã được thiết lập như thế nào và do cơ quan nào thực hiện ? Đã có cơ quan nào tiến hành kiểm tra và kiểm định các giải pháp “bảo vệ môi trường tốt nhất” của Formosa Hà Tĩnh như lời giới thiệu trên website của Sở Công thương tỉnh này ?
3/ Không có quốc gia nào lại cho phép một dự án công nghiệp nặng như ngành luyện kim và chế biến gang thép được án ngữ sát ngay vùng biển đang khai thác nguồn lợi về thủy sản và du lịch. Đặc biệt nghiêm trọng là lại còn cấp phép cho xả chất thải độc hại thẳng ra biển. Ai là người “tư vấn” và cho phép duyệt quy hoạch cũng như quy trình xử lý chất thải độc hại theo kiểu này cho Formosa Hà Tĩnh ?
4/ Tại sao Formosa Hà Tĩnh lại được hưởng những ưu đãi vượt bậc như vậy, kể cả việc “qua mặt” Luật Đất đai ? Cơ sở nào để đánh giá và so sánh về hiệu quả đóng góp cho ngân sách của Formosa khi đối chiếu với các chính sách ưu đãi “đặc cách” được thụ hưởng từ Nhà nước Việt Nam ?
5/ Cuối cùng, xin được hỏi rằng chủ đầu tư thực sự của Formosa Hà Tĩnh hiện nay là ai ? Theo hồ sơ đăng ký thành lập ban đầu, Formosa Hà Tĩnh có 9 cổ đông góp vốn, trong đó China Steel nắm giữ 5%, Sunsco Enterprise giữ 0,037%, 7 cổ đông còn lại đều là các công ty thành viên của Formosa Plastics Group (FPG) tại Đài Loan nắm gần 95% cổ phần. Vào khoảng Quý 1/2015, có thông tin China Steel đã mua thêm 20% nữa, nâng tỷ lệ cổ phần trong dự án này lên 25%. Tuy nhiên cho đến nay, người ta mới biết thêm rằng phía FPG chỉ còn nắm giữ 59%. Gần 36% tỷ lệ cổ phần đã được chuyển nhượng cho đối tác khác nhưng không rõ là ai ! Cũng có thông tin cho rằng FPG đã chuyển nhượng toàn bộ 100% tỷ lệ sở hữu cổ phần trong dự án này cho đối tác Trung Quốc. Nếu quả đúng thế thì “mối đe dọa ngàn năm” từ phương Bắc đã đường đường cát cứ cả phần lãnh thổ trên biển và đất liền ở vùng trọng yếu nhất nối hai đầu Bắc – Nam của miền Trung.
Chúng ta có đầy đủ các bộ : Quốc phòng, Kế hoạch – Đầu tư, Tài nguyên – Môi trường, Công thương… và các bộ này đều có thể trả lời công khai tất cả các câu hỏi trên để làm an lòng dân.
Đã đến nước này, cần lắm một sự thẳng thắn và trung thực từ những người có trách nhiệm với quốc gia để chúng ta có thể mắng ngay vào mặt những kẻ láo xược như Chu Xuân Phàm rằng : Việt Nam chọn bảo vệ tổ quốc, bảo vệ dân tộc, bảo vệ tương lai để phát triển trường tồn và sẽ không đánh đổi những điều này vì bất cứ lợi ích của ai hay nhóm người nào !
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo