vấn đề quan trọng sẽ được thảo luận trong dịp Tổng thống Obama đến Việt Nam.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương, Daniel Russel sẽ đến thăm Việt Nam vào ngày 9-10/5 nhằm thảo luận với các nhà lãnh đạo nước ta về quan hệ hợp tác Việt-Mỹ và một loạt các vấn đề hai nước cùng quan tâm, chuẩn bị cho chuyến thăm dự kiến của Tổng thống Barack Obama vào cuối tháng này.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương, Daniel Russel, tại Hà Nội. Ảnh Nguyễn Hường |
Trong cuộc gặp gỡ với báo chí sáng ngày 10/5 tại Hà Nội, ông Russel cho biết thông tin chi tiết về thời gian và nội dung chuyến thăm vẫn đang được Nhà Trắng và chính phủ Việt Nam thảo luận.
Tuy nhiên, ông xác nhận rằng chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama sẽ đến thăm Việt Nam trong dịp tới Nhật Bản tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7. Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ diễn ra vào ngày 26-27/5.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama vào cuối tháng 5 này là sự kiện được cả hai bên trông đợi. Phía Việt Nam và Mỹ đã tích cực chuẩn bị, tăng cường trao đổi để có thể đạt được những thỏa thuận cụ thể, thiết thực trong chuyến thăm.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã khẳng định Tổng thống Obama rất trông đợi chuyến thăm Việt Nam sắp tới và cho biết Tổng thống Obama mong muốn đẩy mạnh hợp tác nhằm làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước trên các vấn đề chiến lược, nhất là kinh tế – thương mại đầu tư, giáo dục, biến đổi khí hậu, khoa học-công nghệ.
Nguyên tắc tổ chức cho chuyến thăm của Tổng thống Obama là thảo luận về quá khứ, hiện tại và tương lai. Hai bên sẽ tiếp tục làm việc để vượt qua các vấn đề do quá khứ khó khăn để lại như các vấn đề còn tồn động do chiến tranh, tiếp tục tăng cường các chương trình và hoạt động, đẩy mạnh hợp tác cùng giải quyết các thách thức ngày càng khó khăn có tầm khu vực và toàn cầu.
Hai nước sẽ hướng tới tương lai là đầu tư vào thế hệ trẻ Việt Nam thông qua các chương trình giáo dục, giao lưu học giả, thảo luận về các vấn đề chung của hai nước như TPP.
Tổng thống Obama đã có hân hạnh là chủ nhà chào đón chuyến thăm của Chủ tịch Việt Nam, Thủ tướng Việt Nam, Tổng Bí Thư Việt Nam tại Washington. Do đó, Tổng thống Obama rất mong được đến Hà Nội để gặp gỡ các nhà lãnh đạo mới của Việt Nam.
5 vấn đề quan trọng trong chuyến thăm của Tổng thống Obama
Là một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm và từng tham gia chuẩn bị cho các chuyến thăm của các nhà lãnh đạo song phương trước đó, ông Russel cho biết 5 vấn đề quan trọng sẽ được thảo luận trong dịp Tổng thống Obama đến Việt Nam gồm:
Tổng thống Mỹ Barack Obama. |
Trước hết, đó là nhấn mạnh một nước Việt Nam vững mạnh, an toàn, thịnh vượng và độc lập, tôn trọng nhân quyền phổ quát, tôn trọng pháp quyền, không chỉ đáp ứng tốt nhất lợi ích người dân Việt Nam mà còn đáp ứng lợi ích của phía Mỹ.
Tăng cường quan hệ đối tác giữa Mỹ và Việt Nam là một thành tố quan trọng trong chính sách tái cân bằng tới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Hợp tác kinh tế song phương, Việt Nam là một trong các thành viên sáng lập của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định không chỉ đem lại lợi ích cho Việt Nam mà còn cả các đối tác khác trong khu vực. Mỹ cam kết hỗ trợ Việt Nam trong thực hiện hiệp định quan trọng này.
Mở rộng hợp tác an ninh song phương, trong đó có các hoạt động gìn giữa hòa bình quốc tế, hợp tác trong hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, nâng cao khả năng nắm bắt tình hình thông tin trên biển, hợp tác đảm bảo an ninh hàng hải.
Thứ hai, tăng cường các hoạt động hợp tác và giao lưu giữa nhân dân hai nước gồm: Tăng cường hợp tác đầu tư thế hệ trẻ Việt Nam thông qua Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á, thành lập ĐH Fullbrigh Việt Nam… qua đó mong muốn đầu tư vào thế hệ trẻ tương lai Việt Nam.
Thứ ba, làm sao có thể ứng phó với một loạt thách thức trong khu vực và toàn cầu. Hai nước đang làm việc cùng nhau giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, rõ rệt là đợt hạn hán nặng nề ở khu vực hạ lưu sông Mê Kông; các vấn đề y tế toàn cầu; các bệnh truyền nhiễm và ứng phó với chủ nghĩa khủng bố quốc tế.
Hai nước đã làm việc nhằm hướng tới trật tự dựa trên luật và nguyên tắc chung, giảm bớt căng thẳng nghiêm trọng tại Biển Đông, đảm bảo quyền của tất cr các bên và luật pháp quốc tế được tôn trọng. Chúng tôi yêu cầu tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền cần tiến hành các bước giảm căng thẳng, xuống thang tình hình.
Thứ 4, cùng nhau giải quyết những vấn đề chiến tranh để lại: rà phá bom mìn, tìm kiếm và hồi hương di hài quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh, xử lý ô nhiễm dioxin như tại sân bay Đà Nẵng.
Thứ 5, tiếp tục thảo luật mở rộng hợp tác trong vấn đề nhân quyền và cải cách pháp luật của Việt Nam. Đây là vấn đề luôn luôn được quan tâm trong quan hệ hợp tác hai nước.
Trước khi được bổ nhiệm vị trí Trợ lý Ngoại trưởng ngày 12/7/2013, ông Daniel R. Russel công tác tại Nhà Trắng với vai trò Trợ lý Đặc biệt cho Tổng thống và là Chánh văn phòng Cấp cao phụ trách Các vấn đề Châu Á.
Trong nhiệm kỳ của ông ở đó, ông đã giúp hoạch định Chiến lược Tái cân bằng sang Khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Tổng thống Obama, bao gồm những nỗ lực củng cố các liên minh, làm sâu sắc mối gắn kết giữa Hoa Kỳ với các tổ chức đa phương, và mở rộng hợp tác với các quốc gia đang nổi lên trong khu vực.
Hoàng Hải