Loại bom đường kính nhỏ thế hệ mới này có khả năng tự thay đổi đường bay và có thể phá huỷ cả xe tăng.
Trung tuần tháng 5, tạp chí quân sự National Interest đưa tin, không quân Mỹ và các chuyên gia nhà thầu quân sự của hãng sản xuất vũ khí Raytheon đang hợp tác phát triển bom đường kính nhỏ thế hệ thứ II (SDB II). Sản phẩm này được thiết kế nhằm phá huỷ các mục tiêu di động trong mọi thời tiết trong vòng phạm vi 65km.
Các chuyên gia của Raytheon đặc biệt lưu ý rằng loại bom này chuyên dụng để tiêu diệt khủng bố và đối phó với xe tăng Nga. Họ lưu ý đến trường hợp các tay súng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS di chuyển trên các xe bán tải hoặc máy bay chiến đấu.
Hình ảnh bom đường kính nhỏ SDB II được trang bị cho các tiêm kích Mỹ |
Trung tướng Arnold Bunch của không quân Mỹ hé lộ loại bom này sẽ được trang bị cho đội hình máy bay chiến đấu F-15 và F-18 vào năm 2018 và 2020. Theo dự kiến ban đầu, bom đường kính nhỏ thế hệ mới này sẽ được trang bị hệ thống trao đổi thông tin hai chiều. Điều này cũng có nghĩa SDB II có thể thay đổi đường bay đến mục tiêu khác ngay cả khi ở trên không.
Trung tướng Arnold cho biết SDB II được quân đội Mỹ đặt nhiều kỳ vọng vào hệ thống đầu dò mục tiêu được tích hợp 3 chế độ mới. Hệ thống này có thể dò bằng sóng radar, hình ảnh hồng ngoại hoặc tia laser bán tự động.
Bởi nếu tách riêng rẽ, mỗi kiểu dò mục tiêu sẽ có điểm yếu riêng nhất định, nên các nhà sáng chế đã quyết định tích hợp cả 3 cách dò để thực hiện tấn công tác chiến hiệu quả nhất. Quy chế hoạt động của hệ thông dẫn đường này là xác định đúng hướng bay, sau đó sử dụng hình ảnh nhiệt hoặc tia laser để tăng đổ chuẩn xác của đầu đạn.
Về cấu tạo, bom SDB II có trọng lượng 94kg, nhẹ nhiều so với các loại bom thông thường. Đặc tích tàng hình được các chuyên gia tích hợp để giúp SDB II có khả năng tránh được “vòng vây” quét radar của kẻ thù.
Chỉ riêng đầu đạn của mẫu bom đường kính nhỏ này chứa khối thuộc nổ 47kg đã có khả năng gây nổ phân mảnh cực mạnh. Không những vậy, công nghệ plasma phản lực chính là yếu tố giúp SDB II dễ dàng phá huỷ, đâm xuyên giáp của đối phương.
Ngoài ra, loại bom này cũng có khả năng phân loại mục tiêu. Cụ thể, SDB II sẽ được lập trình để chỉ bắn trúng những chiếc xe tăng đang di chuyển trong một đoàn xe quân sự nhất định chứ không phải nhóm xe khác.
Bom SDB II đượng trang bị trên giá treo của máy bay chiến đấu. |
Ông Arnold phân tích: “Trong các cuộc chiến phải hỗ trợ trên không ở cự ly gần, điều thử thách và nguy hiểm nhất là khi kẻ thù và đồng đội ở rất gần nhau. Chúng ta phải có khả năng hỗ trợ các đơn vị dưới mặt đất tại thời điểm đó”.
Tính năng này cũng giúp bom SDB II phân biệt rõ các loại mục tiêu xe tăng, tàu chiến và xe bộ binh chiến đấu khác nhau trên chiến trường. Điều này chính là ưu điểm nổi bật của bom SDB II sắp được biến chế cho hạm đội tiêm kích, chiến đấu cơ của không quân Mỹ.
Mới đây, các chuyên gia quân sự Mỹ đã thử nghiệm thành công sức công phá của SDB II trên thực địa. Chiến đấu cơ F-15 Eagle được trang bị loại bom này đã phá huỷ một chiếc xe tăng T-72 Nga di chuyển trên trường bắn Sa mạc White Sands (Sa mạc trắng) tại bang New Mexico. Khi ấy, chiếc xe tăng T-72 Nga đang di chuyển với tốc độ chiến thuật thì bị bom SDB II phá huỷ trong vụ thử nghiệm bắn đạn thật từ máy bay.
Từ tháng 6 năm 2015, không quân Mỹ đã thoả thuận hợp đồng trị giá 30,9 triệu USD để nhà sản xuất Raytheon bàn giao 144 quả bom SDB II đầu tiên. Tuy nhiên tính đến nay, bộ Quốc phòng Mỹ đã chi gần 2,8 tỉ USD cho việc sản xuất số lượng lớn bom SDB II. Từ nay đến năm 2025, không quân Mỹ sẽ tiếp nhận 12.000 quả bom đường kính nhỏ thế hệ mới này.
Phương Hà