Lực lượng tuần tra bờ biển Malaysia đã bị “sốc” khi bị tàu Hải cảnh Trung Quốc đe dọa bằng cách lao về phía họ với tốc độ cao, động cơ gầm rú ầm ĩ .
Reuters ngày 31/5 đưa tin cho biết, lực lượng tuần tra bờ biển Malaysia đã bị “sốc” khi bị tàu Hải cảnh Trung Quốc đe dọa bằng cách lao về phía họ với tốc độ cao, động cơ gầm rú ầm ĩ trong một cuộc đụng độ ở vùng biển ngoài khơi bang Sarawak hồi tháng Ba năm nay.
Theo tuyên bố của Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia (MMEA), lực lượng tuần tra Malaysia đã phát hiện tàu Hải cảnh Trung Quốc xuất hiện xung quanh bãi cạn Nam Iuconia, một ngư trường giàu trữ lượng tôm cá ở phía nam quần đảo Trường Sa nằm ngoài khơi thành phố giàu dầu mỏ Miri nhiều lần trước sự cố, nhưng cuộc đụng độ với mức độ nghiêm trọng trên lần đầu tiên xảy ra.
Tàu tuần tra Malaysia gần đảo Langkawi. Ảnh Reuters. |
“Đối với chúng tôi, nó giống như một nỗ lực tấn công, nhằm đe dọa tàu chúng tôi”, Reuters dẫn nguồn tin giấu tên trong lực lượng tuần tra hàng hải Malaysia cho hay.
Sự cố trên cùng thời điểm diễn ra sự kiện 100 tàu cá Trung Quốc xâm nhập trái phép lãnh hải nước này đánh bắt hải sản, đã thúc đẩy những chỉ trích trong việc về việc chính phủ thiếu cứng rắn trong phản ứng trước các hành động vi phạm lãnh thổ của Trung Quốc.
Một tướng cấp cao Malaysia kêu gọi chính phủ đứng lên chống lại các cuộc xâm phạm lãnh hải trên Biển Đông của Trung Quốc, trong khu vực tranh chấp.
Theo Reuters, do Malaysia có “mối quan hệ đặc biệt với Trung Quốc” và phụ thuộc nhiều vào thương mại và đầu tư từ láng giềng này, nên các phản ứng của nước này trước các hành động của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp được các nhà ngoại giao phương Tây mô tả là “hạn chế”.Trong khi đó, Hải quân Trung Quốc và Malaysia trong năm 2013 và 2014 đã tiến hành tập trận chung ở bãi cạn James, nằm cách Sarawak 50 hải lý.
Trong năm 2015, ngư dân Malaysia ở Miri đã lên tiếng bày tỏ mối quan ngại lớn về những hành động “bắt nạt” của những người đàn ông được trang bị vũ trang trên các tàu Hải cảnh Trung Quốc. Nhưng phần lớn các báo cáo này đã bị chính phủ Malaysia bỏ qua.
Nhưng trong tháng Ba, khi số lượng tàu cá Trung Quốc xâm lấn vùng biển gần bãi cạn Nam Iuconia lên tới đỉnh điểm 100 chiếc, Malaysia đã buộc phải điều tàu hải quân tới tuần tra và triệu tập Đại sứ Trung Quốc để giải trình về vụ việc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó đã bác bỏ vụ việc khi cho rằng tàu cá nước này chỉ thực hiện “hoạt động đánh bắt bình thường ở các vùng biển liên quan” (?!).
Chỉ vài tuần sau đó, Malaysia công bố kế hoạch thiết lập một cơ sở kiểm soát gần Bintulu, phía nam Miri. Bộ Quốc phòng Malaysia sau đó khẳng định cơ sở, có thể chứa máy bay trực thăng và máy bay do thám cũng như lực lượng đặc nhiệm, được thiết lập nhằm bảo vệ các tài sản dầu mỏ và khí đốt của đất nước trước các cuộc tấn công tiềm năng của những kẻ khủng bố IS. Tuy nhiên, một số quan chức và chuyên gia cho rằng các hoạt động bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc là yếu tố quan trọng hơn trong việc dẫn tới động thái trên của chính phủ Malaysia.
Thuyền đánh cá của Malaysia neo đậu tại cảng cá Bintulu. Ảnh Reuters |
Trước thực tế các vụ vi phạm lãnh hải ở Biển Đông ngày càng nghiêm trọng hơn, chính phủ Kuala Lumpur gần đây đã phải thực hiện một số thay đổi nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng như trấn an dư luận trong nước.
Một quan chức cao cấp Malaysia giấu tên nói với Reuters rằng chính phủ cần phải có hành động quyết đoán hơn, thái độ cứng rắn hơn trước các vụ xâm nhập lãnh hải của Trung Quốc. Ông cũng đã nhấn mạnh tới sự khác biệt trong phản ứng giữa chính phủ Malaysia với Indonesia trong các sự cố tương tự: “Khi Trung Quốc xâm nhập vùng biển Indonesia, họ ngay lập tức bị đuổi ra ngoài. Khi tàu Trung Quốc vào vùng biển của chúng tôi, tôi không thấy điều gì xảy ra”.
Tháng trước tại Quốc hội, Thứ trưởng ngoại giao của Malaysia cũng khẳng định lại rằng giống như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Malaysia không công nhận cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn” mà Trung Quốc dùng để tuyên bố chủ quyền với Biển Đông.
Khi được hỏi về tuyên bố của các sĩ quan MMEA về sự cố tháng Ba, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng hai nước đã có “một mức độ cao của sự đồng thuận” trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua đối thoại và tham vấn.
Theo Reuters, sự phụ thuộc của Malaysia vào Trung Quốc là lý do khiến Kuala Lumpur phản ứng miễn cưỡng trước các hành động bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh ở Biển Đông. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Malaysia và Malaysia là quốc gia nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc lớn nhất trong 10 nước ASEAN.
Tổng công ty thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc cũng đã chi hàng tỷ đô la vào năm ngoái để mua các khoản nợ xấu của công ty nhà nước 1MDB. Vụ việc này được giới phân tích xem là một sự xấu hổ lớn cho Thủ tướng Najib Razak.
Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các vấn đề trong nước của Malaysia cũng luôn luôn là một mối lo ngại lớn đối với quốc gia Đông Nam Á này. Người dân tộc Trung Quốc chiếm khoảng 1/4 dân số Malaysia.
Chính phủ Kuala Lumpur đang cố gắng cân bằng giữa lợi ích an ninh và kinh tế, lợi ích quốc gia trong mối quan hệ với Bắc Kinh thông qua một loạt chiến lược như tăng cường khả năng giám sát và bảo vệ bờ biển, ủng hộ quá trình ký kết bộ nguyên tắc ứng xử giữa Trung Quốc và ASEAN năm 2002.
Một biện pháp các được Malaysia đang hướng tới là thúc đẩy là tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ. Một quan chức cấp Malaysia nói với Reuters rằng chính phủ Kuala Lumpur đang tìm kiếm sự hỗ trợ trong việc thu thập thông tin tình báo, phát triển khả năng bảo vệ bờ biển từ Mỹ, song song với cố gắng không chọc giận Bắc Kinh.
Ian Storey, một chuyên gia về Biển Đông tại Viện ISEAS Yusof Ishak của Singapore nhận định, sự tăng cường quan hệ với Mỹ có thể được xem là một biện pháp ngoại giao mềm thuyết phục Trung Quốc ít quyết đoán hơn ở Biển Đông. Tuy nhiên, cách này rất khó có thể tạo ra một sự thay đổi lớn trong việc giải quyết vấn đề. Tranh chấp sẽ còn kéo dài.
Hoàng Hải