Quân đội Mỹ chuẩn bị cho ra mắt bộ áo giáp mang tên Người sắt, ý tưởng này được phát triển từ nội dung bộ phim viễn tưởng cùng tên, bom tấn của điện ảnh Hollywood.
Lính chiến đấu kiêm “bác sỹ” thông minh
Tạp chí National Interest dẫn thông báo từ bộ Chỉ huy các hoạt động đặc biệt Mỹ (US SOCOM) rằng, giới chuyên gia quân sự đã phối hợp cùng các nhà khoa học nhằm phát triển dự án cho ra đời mẫu chiến binh Người sắt (Iron Man). Dự án này được gọi là Talos hay Operator Suit – bộ trang phục chiến thuật hạng nhẹ.
Mô hình chiến binh Người sắt đang được các chuyên gia quân sự Mỹ thử nghiệm. Ảnh: National Interest |
Dự kiến, mẫu thử nghiệm đầu tiên của Người sắt sẽ ra đời vào năm 2018. Trung uý Matt Allen, phát ngôn viên của SOCOM cho biết: “Nếu mẫu thử nghiệm thành công trong các bài kiểm tra ngoài thực địa, các chuyên gia sẽ có những đánh giá cuối cùng về hoạt động của Người sắt. Trước đó, những nhà sáng chế đã đạt được nhiều tiến bộ về công nghệ chế tạo Người sắt từ năm 2013 nhưng đã thất bại”.
Bộ áo giáp ngoài “thiện chiến” này được phát triển nhằm hỗ trợ những người lính đặc công, đơn vị đặc nhiệm trong quá trình di chuyển, phá bỏ những định kiến về vũ khí chiến tranh thời hiện đại. Nhờ đó họ có thể phá các địa hình kiên cố dễ dàng và chống đạn hiệu quả.
Những hoạt động này tương tự hình ảnh Người sắt trong bộ phim bom tấn cùng tên gây chấn động điện ảnh thế giới. Chiến binh Iron Man được chế tạo bởi Tony Starks trong phim đã biến người bình thường trở thành chiến binh người máy siêu hạng. Ảnh: CNN |
Ngoài thực tế, Người sắt là một khung áo giáp phủ kín bên ngoài có các khớp nối điều kiện bằng điện và chuyển động theo bước chân, mọi cử động của người mặc. “Khung xương” này cũng được thiết kế nhằm giảm tối đa tác động của trọng lực lên cơ bắp của con người.
Điều này đồng nghĩa với việc những người lính, binh sĩ Mỹ sẽ không còn cảm nhận được sự mệt mỏi trong quá trình chiến đấu khi phải vận dụng quá nhiều sức lực. Với sức mạnh của Người sắt hay Talos, người mặc bên trong không cần tốn sức mà vẫn có thể nâng được những vật nặng tưởng chừng như không thể di chuyển được.
Người sắt cũng được trang bị hệ thống liên lạc hiện đại, máy tính điều khiển, thiết bị nhìn trong màn đêm và nguồn điện năng lượng lớn. Với những thuật toán tinh vi, Người sắt ngoài thực tế của quân đội Mỹ có khả năng nhận diện mọi mối đe doạ trên chiến trường bằng mô phỏng đồ hoạ. Hệ thống xử lí thông minh không kém gì trong phim viễn tưởng giúp Talos tăng cường tối đa hiệu quả tác chiến và giảm thiểu thương vong ngoài chiến trường.
Mẫu áo giáp mang tên Talos dự kiến được biên chế cho quân đội Mỹ mọi tính năng của siêu chiến binh Iron man trong phim. Ảnh: CNN |
Đại diện SOCOM xác nhận rằng Talos được ra đời nhờ ý tưởng của bộ phim khoa học viễn tưởng. Có thể Talos chưa đạt đến sự tinh vi hoàn chỉnh như Iron Man ở trong phim nhưng điều này thể hiện rằng sự sáng tạo của các nhà khoa học không còn khiến Người sắt là sản phẩm của trí tưởng tượng.
Ngoài ra, các nhà khoa học tại Viện công nghệ Masachusetts, Mỹ cho biết họ đang phát triển một thế hệ áo giáo mới được cấu tạo bởi chất lỏng.
Chuyên gia quân sự của National Interest khẳng định: “Áo giáp thế hệ mới này có thể biến đổi từ thể lỏng sang rắn chỉ trong chưa đầy 1 giây nhờ loại chất lỏng đặc biệt. Sự biến đổi đó xảy ra khi áo giáp chịu tác động bất ngờ từ lực bên ngoài như dao đâm, đạn bắn…”
Người mặc Talos có thể dễ dàng tương tác với lớp áo giáp thông minh này nhờ hệ thống cảm biến theo dõi triệt để mọi thông số sinh học của cơ thể như nhịp tim, nhiệt độ… Nhờ “bác sỹ” thông minh này người lính bên trong có thể hiểu rõ tình trạng sức khoẻ của mình để duy trì sự sống.
“Ý nghĩa của dự án Người sắt này là đảm bảo an toàn tính mạng cho các lính đặc nhiệm khi họ bước vào khu vực chiến đấu ngoài chiến trường. Chúng tôi tích hợp nhiều chức năng vào chiếc áo giáp Người sắt này. Không chỉ đại diện cho việc thể hiện quyền lực, theo dõi bảo vệ sức khoẻ mà đồng thời được trang bị các loại vũ khí hiện đại nhất định”, ông Allen khẳng định.
Xu hướng sáng tạo vũ khí từ điện ảnh
Không nhiều người biết rằng các loại vũ khí laser tối tân đang được nhiều nước phát triển ngày nay được lấy ý tưởng từ các bộ phim khoa học viễn tưởng. Điển hình từ loạt phim bom tấn Stars War (Chiến tranh các vì sao) từ năm 1977, những khẩu pháo laser bắn ánh sáng vẫn chỉ ở trong trí tưởng tượng của con người. Nhưng ngày nay vũ khí laser đang được giới chuyên gia nỗ lực phát triển trên toàn thế giới.
Hay trong series phim hành động viễn tưởng Kẻ huỷ diệt, các robot chiến binh như T-800 đã thể hiện sức mạnh chiến đấu bất khả chiến bại ngoài chiến trường. Dựa trên ý tưởng này, Mỹ và Nga đều đã nghiên cứu cho ra đời nhiều mẫu robot nhằm ứng dụng trong hoạt động cứu hộ ngoài thực địa.
Phương Hà