Nhờ công nghệ chuyển giao sáng chế từ cường quốc vũ khí Nga, Ấn Độ đã có tàu khu trục hộ vệ tàng hình đầu tiên biên chế cho Hải quân nước này.
Hãng thông tấn TASS đưa tin, tại triển lãm quân sự Defexpo diễn ra tại Ấn Độ hồi đầu năm, phó giám đốc cơ quan hợp tác kỹ thuật quân sự Liên bang Nga, ông Vladimir Drozhzhov chia sẻ với báo giới rằng Nga sẵn sàng hợp tác với Ấn Độ trong các dự án xây dựng tàu ngầm. Trước đó, New Delhi đã thuê tàu ngầm hạt nhân đầu tiên từ Moscow cùng 6 tàu khu trục lớp Talwar khác đều được xây dựng ở Nga từ năm 2002 đến 2013.
Tàu khu trục hộ vệ Talwar phóng tên lửa chống hạm BrahMos trong cuộc tập trận. Ảnh: Military Today |
Tàu khu trục Talwar được chuyển giao dưới tên Đề án 11356. Đây là dự án tàu hộ vệ tên lửa do Nga thiết kế, chế tạo theo yêu cầu của Hải quân Ấn Độ, được chính phủ hai nước ký kết vào năm 1997. Tàu hộ vệ lớp Talwar là lớp tàu khu trục có trọng lượng rẽ nước 4.000 tấn và tốc độ đạt 30 hải lý. Mẫu tàu này được phát triển dựa trên chương trình nâng cấp tàu hộ vệ lớp Krivak III của Hải quân Nga.
Năm 2006, tất cả sản phẩm của 3 tàu khu trục đầu tiên này đã được chuyển giao cho Hải quân Ấn Độ cùng sự tham gia của gần 130 nhà cung cấp đến từ nhiều nước như Anh, Đức, Nga, Đan Mạch, Ukraine,… Tại thời điểm đó, dự án 3 chiếc tàu này có tổng giá trị lên đến 1,6 tỉ USD.
Được xây dựng bởi nhà máy đóng tàu Baltiysky Zavod (Nga), các tàu hộ vệ lớp Talwar này có nhiệm vụ hỗ trợ lực lượng hải quân ở trên không, mặt biển lẫn dưới ngầm. Ngoài ra nó cũng được sử dụng để phát hiện mục tiêu, tiêu diệt tàu ngầm đối phương hay những tàu chiến nổi khác trong khu vực.
Tàu hộ vệ lớp Talwar là lớp tàu khu trục có trọng lượng rẽ nước 4.000 tấn và tốc độ đạt 30 hải lý. |
Về cấu tạo, tàu hộ vệ tên lửa lớp Talwar được thiết kế theo công nghệ làm giảm tối đa mặt cắt giúp tàu khó bị phát hiện từ xa bởi sự truy quét của hệ thống radar các tàu đối phương. Bên cạnh đó, Talwar cũng được trang bị công nghệ giảm tối đa bức xạ hồng ngoại và âm thanh phát ra khi hoạt động. Điều này đã khiến Talwar trở thành chiến hạm đầu tiên có tính năng tàng hình của Hải quân Ấn Độ.
Công nghệ tối tân hiện đại mà Nga mang lại cho các tàu khu trục này đó là hệ thống cảm biến do chính nước này sản xuất. Loạt hệ thống radar bất khả xâm phạm “4 trong 1” thực hiện các nhiệm vụ “khó nhằn” như radar tìm kiếm mục tiêu trên không với phạm vi 300 km. Talwar có thể xác định đầy đủ cự li, phương vị và độ cao của mục tiêu trong tầm ngắm.
Để thực hiện nhiệm vụ săn ngầm và chống ngầm, các tàu lớp Talwar sử dụng hệ thống chiến tranh điện tử tích hợp, phóng mồi bẫy cùng 4 hệ thống phóng ngư lôi và tên lửa. Đáng chú ý, hệ thống tên lửa tầm trung đất đối không Shtil-1 có tổng cộng 24 tên lửa nhỏ kết hợp trên boong tàu, sẵn sàng tấn công mục tiêu khi cần thiết.
Đặc biệt, Talwar gây sự chú ý của giới quan sát quốc phòng ở hàng “tiền đạo” súng pháo bắn siêu nhanh AK-190. Hàng “tiền đạo” 100 mm này có tốc độ bắn tối đa 60 phát/phút với tầm bắn hơn 15 km. Đuôi tàu được trang bị hai hệ thống phòng thủ cự li ngắn tích hợp pháo và tên lửa Kashtan (bao gồm hai pháo hạm và hai cụm tên lửa đất đối không).
Vũ khí uy lực nhất phải kể đến hệ thống phóng thẳng đứng sử dụng 8 đạn tên lửa hành trình chống hạm BrahMos, một trong những mẫu đắt hàng nhất trong thị trường xuất khẩu vũ khí thế giới. BrahMos có tốc độ lên tới 3.700km/h, được mệnh danh là sát thủ diệt hạm nguy hiểm nhất thế giới bởi khả năng “bất khả xâm phạm” trước mọi hệ thống đánh chặn.
Phương Hà