Tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan của Triều Tiên đã vươn đến vũ trụ và sau đó quay trở lại bầu khí quyền Trái Đất trong lần phóng thử tên lửa thứ 6 của Triều Tiên hồi tuần trước.
Korea Herald dẫn nguồn tin từ giới chức Mỹ cho biết, vụ phóng thử tên lửa có thể đã thành công nếu như Bình Nhưỡng chủ ý muốn phóng thử nghiệm theo cách này.
“Chúng tôi đã thấy vụ phóng tên lửa. Tên lửa Triều Tiên bay đến vũ trụ và quay trở lại, rơi xuống khu vực Biển Nhật Bản khoảng 400 km”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jeff Davis nói với các phóng viên.
Tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan của Triều Tiên trong một cuộc duyệt binh. |
“Nếu như đó là chủ ý của Triều Tiên, thì họ đã thành công. Tất nhiên là bạn cần phải hỏi thông tin chính xác từ họ”, ông Davis nói thêm.
“Chỉ có Triều Tiên mới có thể trả lời câu hỏi liệu nước này đã phóng thử tên lửa thành công hay không”. Đây cũng là lần đầu tiên Mỹ xác nhận về thành tựu trong việc phóng tên lửa của Triều Tiên.
Một ngày sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng vươn đến đảo Guam của Mỹ, nước này tuyên bố vụ phóng đã diễn ra thành công, nói rằng tên lửa bay đến vũ trụ trước khi quay trở lại bầu khí quyển và hạ cánh xuống khu vực mục tiêu trên mặt nước, cách khoảng 400 km.
Vụ phóng tên lửa đánh dấu bước tiến quan trọng trong chương trình tên lửa của Triều TIên, bởi công nghệ tiếp cận vũ trụ và quay lại bầu khí quyền được coi như rào cản lớn nhất mà Bình Nhưỡng cần phải vượt quay trước khi phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang theo đầu đạn hạt nhân.
Trước đó, những lần phóng thử tên lửa của Triều Tiên đều thất bại, các tên lửa phát nổ trên không, ngay tại bệ phóng hoặc rơi xuống chỉ vài giây sau khi phóng.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc nhấn mạnh, vụ thử tên lửa vừa qua của Triều Tiên cho thấy tầm quan trọng của liên minh Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm đảm bảo việc các nước có thể hợp tác đầy đủ để phòng thủ trước mọi loại tên lửa, không chỉ với tên lửa tầm trung mà còn các loại tên lửa có thể tạo ra mối đe dọa tiềm năng với an ninh quốc gia.
Theo tuyên bố của ông Davis, vụ phóng tên lửa là các nước cần tiếp tục gây sức ép buộc Triều Tiên phải tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và buộc nước này phải thực hiện những nghĩa vụ trong khuôn khổ các nghị quyết của LHQ và trở thành một láng giềng tốt trong khu vực.
“Rất lâu trước khi Bình Nhưỡng thực hiện các vụ thử này, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã hợp tác với nhau để đảm bảo tình hình khu vực. Chúng tôi đã cùng hợp tác xây dựng Hệ thống phòng thủ Aegis, đã triển khai thêm radar AN/TPY-2 tới Nhật Bản, lắp đặt hệ thống đánh chặn tên lửa trên mặt đất ở Alaska và Hawaii”, ông Davis nói. “Chúng tôi có THAAD tại Guam. Chúng tôi muốn đảm bảo khả năng vượt qua các mối đe dọa này”.
Đăng Nguyễn