Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là từ sau năm 2011 khi nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng về đầu quân cho Phương Trang cũng là thời điểm Tập đoàn này bắt đầu chuỗi dài tụt dốc.
Người “cõi âm” làm chuyện trần gian
Cuối tháng 6/2011, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đã chính thức ra mắt các thành viên CLB Bất động sản Hà Nội. Qua lời tự giới thiệu và danh thiếp gửi đến những người quan tâm, bà hiện là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Phương Trang (Futa group) – doanh nghiệp kinh doanh vận tải, ô tô, du lịch và bất động sản có quy mô tại các tỉnh, thành miền Trung và Nam.
Ngoài ra, bà Hằng cũng đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Thành viên của Công ty TNHH Sàn Giao dịch Bất động sản Phương Trang Hà Nội (Futa Land). Nói về lý do tham gia thị trường BĐS, bà Hằng trần tình: “Từ mặt đất trở xuống, tôi đã làm 20 năm nay, tại sao tôi lại không làm từ mặt đất trở lên cho cộng đồng, xã hội. Xã hội người âm tôi đã làm nhiều rồi, thế thì bây giờ tôi làm cho dương trần này”.
Bà Phan Thị Bích Hằng nói về thị trường địa ốc. |
Bích Hằng cũng cho biết thêm bà chính thức đầu quân ở lĩnh vực bất động sản cho Tập đoàn Phương trang từ đầu năm 2011. Đây là lĩnh vực bà hứng thú và muốn có thêm nhiều trải nghiệm để phục vụ công việc giảng dạy tại trường đại học – vốn đậm tính lý thuyết mà ít thực tế.
Dù đến năm 2011, Bà Hằng mới chính thức xuất hiện với tư cách là lãnh đạo của Tập đoàn Phương Trang. Tuy nhiên, thực chất, bà Hằng đã từng làm việc tại Phương Trang từ năm 2009. Bà Hằng từng cho biết, Tập đoàn Phương Trang thường tài trợ giúp Giáo hội Phật giáo Việt Nam và bà Hằng thường thực hiện các chương trình hoằng dương Phật pháp, cầu siêu và tìm mộ liệt sĩ. Năm 2009, công ty muốn mở rộng phương án công tác xã hội nên mời tôi về phụ trách mảng này.
Dù giữ chức vụ khá cao tại một trong những tập đoàn lớn của Việt Nam và trực tiếp tham gia vào lĩnh vực kinh doanh BĐS. Tuy nhiên, từ sau khi giữ chức Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Phương Trang, Bà Hằng rất ít xuất hiện trước công chúng.
Hiện nay Bà Hằng giữ chức Tổng giám đốc của Công ty bất động sản Phương Trang Hà Nội (Futaland) và là Chủ tịch Miền Bắc của Tập đoàn Phương Trang.
Ông trùm vận tải trên bước đường tụt dốc
Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là từ sau năm 2011 khi nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng về đầu quân cho Phương Trang cũng là thời điểm Tập đoàn này bắt đầu chuỗi dài tụt dốc.
Theo số liệu mà CafeF có được, giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất của Tập đoàn Phương Trang là giai đoạn 2009-2011. Vào thời điểm 2011, tổng tài sản của Phương Trang đạt mức gần 7.500 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên từ giai đoạn 2012-2014, Phương Trang bắt đầu xuống dốc, năm 2014 tổng tài sản của tập đoàn này tụt xuống còn 7.200 tỷ đồng, vốn điều lệ 770 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả cuối năm 2014 của Phương Trang đã lên tới con số hơn 6.500 tỷ đồng.
Vì đâu nên nỗi?
Sự đi xuống của Phương Trang cùng với khoản nợ nghìn tỷ nhiều khả năng do doanh nghiệp sa lầy vào bất động sản. Năm 2010-2011, Phương Trang chính thức cho ra đời Công ty Bất động sản FutaLand.
Vào thời điểm đó, trao đổi với báo chí, ông Đặng Đình Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Phương Trang (hiện không còn làm việc ở Futaland) đã không ngần ngại cho biết chiến lược đầu tư của FutaLand là tập trung vào các phân khúc căn hộ trung và cao cấp, biệt thự, nhà phố, đất nền và trung tâm thương mại phức hợp.
Nói là làm, thời điểm đó Phương Trang đã phối hợp với Địa ốc Hưng Hưng Thịnh và Công ty Cổ phần Thế giới Căn hộ cho ra mắt sàn giao dịch bất động sản Phương Trang – Hưng Hưng Thịnh – Thế giới Căn hộ tại 76-82 Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM rất “hoành tráng”.
Không dừng lại ở đó, Phương Trang còn đầu tư vào hàng loạt BĐS cao cấp khác như New Pearl (192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP.HCM) có giá bán thời điểm đó lên đến 90 triệu đồng/m2. Sau đó là hàng loạt các dự án như The Landmark City, quận 1 (4.261 m2), dự án Quang Thuận, quận Thủ Đức (1,2 ha), Golden Gate, quận 7 (1,9 ha), dự án Han Riverview, Đà Nẵng (1,4 ha) và Khu đô thị mới Futa Cove, Đà Nẵng (120 ha).
Dự án được cho là công ty Phương Trang đã sang tay cho đại gia địa ốc đầy bí ẩn Trương Mỹ Lan của tập đoàn Vạn Thịnh Phát. |
Tuy nhiên, đúng thời điểm năm 2011 cũng là giai đoạn BĐS chìm trong khủng hoảng. Kết quả là Futaland đã rầm rộ ra mắt dự án Khu đô thị sinh thái biển Phương Trang – Vịnh Đà Nẵng với tổng diện tích lên đến 147ha, vốn đầu tư gần 9.000 tỷ đồng nhưng nhìn chung không thành công.
Chiến lược đầu tư mạnh vào bất động sản của Phương Trang dường như bị trật đường ray khi lãi suất tăng phi mã giai đoạn 2011-2012. Có lẽ chính ban lãnh đạo Phương Trang cũng đã không thể ngờ được kịch bản lãi suất đột ngột tăng cao như vậy dẫn đến các dự án đói vốn và không thể tiếp tục triển khai thực hiện.
Đáng chú ý nhất trong số đó là dự án căn hộ hạng sang New Pearl, vốn được xem là át chủ bài của Futaland trong kế hoạch phát triển bất động sản của doanh nghiệp này nhưng không thành công và phải bán lại. Năm 2013, Futaland đã phải chuyển nhượng dự án New Pearl cho Vạn Thịnh Phát với giá trị chuyển nhượng khoảng 20 triệu USD sau khi mới thi công đến tầng 2.
Theo Trí thức trẻ
(Tiêu đề bài viết đã được đặt lại)