Lực lượng khủng bố IS đang giữ vài trăm gia đình ở Fallujah làm lá chắn để ngăn các lực lượng Iraq tấn công vào trung tâm thành phố.
Các đặc nhiệm chống khủng bố tập kết tại Fallujah trước cuộc tấn công vào thành phố. Ảnh: AP |
Từ ngày 30/05, các lực lượng vũ trang Iraq đã tiếp tục tiến công mạnh vào thành phố Fallujah trong một chiến dịch tấn công cuối cùng quyết giành lại thành phố có 50.000 người dân đang bị khủng bố IS bắt giữ làm con tin.
Dưới mặt đất, pháo binh và xe tăng không ngừng tập kích vào các vị trí cố thủ của khủng bố từ ba hướng vào thành phố, dưới sự yểm trợ của các cuộc tấn công đường không của lực lượng không quân liên minh do Mỹ dẫn đầu.
Trước hỏa lực dữ dội của quân đội chính phủ, lực lượng khủng bố IS đáp trả “yếu ớt” bằng cách triển khai các tay súng bắn tỉa và chống trả bằng súng cối trước các đợt ném bom vào trận địa.
Trận chiến này có khả năng sẽ còn kéo dài, khi các lực lượng chính phủ đang tiến vào thành phố và cố gắng giảm thiểu thương vong cho dân thường trước lo ngại khủng bố IS sẽ sử dụng người dân làm “lá chắn sống”.
Các cuộc tập kích trong những ngày qua bước đầu đã tiêu diệt 24 tay súng IS khi các binh sĩ Iraq tiến sâu vào thành phố Fallujah.
Quân đội Iraq đã tiếp tục tiến công vào thành phố Fallujah trong một chiến dịch tấn công cuối cùng quyết giành lại thành phố có 50.000 người dân đang bị khủng bố IS bắt giữ làm con tin. Ảnh: AP |
Một cuộc tấn công đẫm máu đã diễn ra trong khu phố Shaab Shi’ite khi một kẻ đánh bom tự sát đã lái xe đâm vào một trạm kiểm soát gần một khu thương mại, làm thiệt mạng 8 dân thường và 3 binh sĩ chính phủ.
Một kẻ đánh bom liều chết khác đã tấn công vào một khu chợ tại thị trấn Tamiyah, cách thủ đô Baghdad khoảng 31 dặm về phía bắc. Vụ nổ bom tự sát đã giết hại 7 dân thường và 3 cảnh sát cùng 24 người khác bị thương, theo một sĩ quan cảnh sát địa phương cho biết thêm.
Các lực lượng Iraq đang vấp phải sự chống cự mạnh mẽ từ IS tại Fallujah sau khi tấn công thành phố từ phía nam theo ba hướng hôm 30/5. Ảnh: AP |
Kể từ khi phát động chiến dịch tấn công Fallujah từ ngày 22/05 đến ngày 30/05, các lực lượng chính phủ hầu như chỉ chiến đấu với IS tại các vùng ngoại vi thành phố nhằm siết chặt vòng vây trước khi tiến vào giải phóng khu vực nội thị.
Đến nay, 80 % lãnh thổ quanh khu vực Fallujah đã nằm trong kiểm soát của quân đội Iraq.
Khoảng 3.700 người đã tháo chạy khỏi Fallujah, con số này do những người đi sơ tán cung cấp cho nhân viên UNHCR thực địa, theo bà Ariane Rummery, người phát ngôn UNHCR. “Người dân ở Fallujah bị ép phải di chuyển cùng phiến quân IS trong thành phố”.
Các lực lượng Iraq đang vấp phải sự chống cự mạnh mẽ từ IS. Sau khi tấn công thành phố từ phía nam theo ba hướng hôm 30/5, họ đã đưa quân vào được khu Naimiyah. Thiếu tướng Abdelwahab al-Saadi, tổng chỉ huy chiến dịch giành lại Fallujah, nói IS sáng sớm qua đã phản công tại đây.
Một trực thăng của quân đội chính phủ tấn công vào mục tiêu khủng bố tại Fallujah. Ảnh: AP |
“Có khoảng 100 phiến quân tham gia nhưng chúng không sử dụng bom xe hoặc kẻ đánh bom tự sát”, ông al-Saadi nói với AFP. Quân đội Iraq đẩy lùi đợt tấn công, diệt 75 phiến quân. Hiện chưa rõ thiệt hại phe chính phủ.
Nhà chức trách Iraq đang tạm giữ khoảng 500 người đàn ông và bé trai dưới 12 tuổi từ Fallujah để “kiểm tra an ninh”. Quá trình trên có thể kéo dài 7 ngày, ông Spindler nói.
Một binh sĩ người Shiite bắn pháo tập kích IS tại Fallujah. Ảnh: Reuters |
Theo chuyên gia Lina Khatib, lãnh đạo Chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại tổ chức Chatham House, cho rằng giành “chiến thắng” trước IS không đơn giản chỉ là tiêu diệt tổ chức này về mặt quân sự. Vì thế, đối với bà, thắng lợi trên dường như chỉ là nhất thời bởi các nhân tố dẫn đến sự hình thành của IS vẫn chưa bị xóa bỏ hoàn toàn.
Việc cộng đồng người Sunni cảm thấy bất mãn với chính phủ do người Shiite kiểm soát là một trong những nhân tố quan trọng khiến IS có thể bám rễ và sinh sôi nhanh chóng tại Iraq, bà Khatib đánh giá. Họ luôn cho rằng chính phủ do người Shiite nắm giữ thân Iran và duy trì chính sách phân biệt đối với họ bất kể là dưới sự lãnh đạo của cựu thủ tướng Nouri al-Maliki hay Thủ tướng đương nhiệm Haider al-Abadi.
Việc chính quyền sử dụng dân quân người Shiite trong cuộc chiến chống IS càng khiến người Sunni cảm thấy họ bị tách rời. Mặc dù lực lượng Sunni có tham gia chiến dịch Fallujah nhưng vai trò của họ đã bị lu mờ trước thanh thế của dân quân người Shiite do Iran hậu thuẫn.
Với những người Sunni ủng hộ IS ở Fallujah, sự tham gia của dân quân người Shiite sẽ đẩy họ xích lại gần hơn với IS. Trong khi đó, với những người không theo IS, được giải phóng nhờ dân quân Shiite chỉ như một sự thay đổi người cai trị.
Hàng nghìn người Sunni đã bỏ trốn hoặc đang chuẩn bị tháo chạy khỏi Fallujah khi chiến dịch càn quét IS được triển khai. Câu hỏi đặt ra là những người này sẽ đi đâu? Họ có thể đến các khu vực tập trung đông người Shitte sinh sống. Nhưng nếu vậy, nguy cơ bùng phát những cuộc xung đột sắc tộc sẽ là rất cao, bà Khatib nhấn mạnh.
IS cuối cùng cũng đứng bên bờ vực suy yếu về mặt quân sự nhưng hàng nghìn người Sunni ở Iraq cũng sẽ lâm vào cảnh mất nhà cửa nhờ “sự can thiệp” của một lực lượng dân quân trung thành với Iran và một chính phủ mà họ coi là không khác biệt so với trước đây.
Phan Hoàng