Nga tuyên bố không tham gia vào tranh chấp Biển Đông; Trung Quốc ráo riết xây dựng hải đăng ở Trường Sa… là những tin tức tình hình Biển Đông mới nhất 24h qua.
Nga tuyên bố không tham gia vào tranh chấp Biển Đông
Nga sẽ không sa vào cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông hoặc đứng về một bên nào, RIA Novosti ngày 10/6 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, cho hay.
“Chúng tôi theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình trong khu vực Biển Đông. Chúng tôi xem xét tình hình ở đó như yếu tố quan trọng tác động đến an ninh và sự ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nga không phải là một bên trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, và sẽ không sa vào đó”, bà Zakharova tuyên bố tại cuộc họp báo…
Ảnh rian. |
Nguyên nhân Philippines theo đuổi vụ kiện Trung Quốc ở Biển Đông
Tờ BBC cho hay, hồi tháng 5/2014, cảnh sát Philippines từng bắt một chiếc thuyền đánh cá trái phép từ Đàm Môn trên một rạn san hô trong khu vực biển nước này kiểm soát. Khi kiểm tra trên tàu, lực lượng an ninh còn tìm thấy khoảng 500 con rùa biển quý Hawksbill, phần lớn trong số đó đều đã chết.
Loài rùa này đang bị đe doạ về sự sống, được bảo vệ theo Công ước quốc tế buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Những ngư dân săn bắt trộm này đã bị toà án Philippines kết án 9 năm tù giam.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó đã phản ứng gay gắt, yêu cầu Philippines thả các đối tượng bị kết án ngay lập tức. Đồng thời Bắc Kinh cáo buộc Philippines “vi phạm nghiêm trọng” cái gọi là “chủ quyền của Trung Quốc” bằng cách bắt giam trái phép tàu cá và ngư dân tại vùng biển ngoài khơi của nước này.
Loài rùa biển quý Hawsbill thuộc diện loài vật đang bị đe doạ. Ảnh: BBC |
Phóng viên Rupert phân tích Trung Quốc đã không hề đưa ra biện pháp nào để ngăn chặn chúng. “Khi những kẻ đánh bắt trộm thấy ống kính máy quay của chúng tôi, họ hoàn toàn không có dấu hiệu của sự sợ hãi khi bị phát hiện”, Rupert nói…
Tổng thống Philippines: Cần làm rõ quyền của mỗi bên ở Biển Đông
Theo hãng tin Channel News Asia, bình luận về việc liệu phán quyết sắp tới của tòa án trọng tài quốc tế về vụ kiện “đường lưỡi bò” ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ giữa Philippines-Trung Quốc cũng như các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Tổng thống sắp mãn nhiệm của Philippines Benigno Aquino nói:
“Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi tiếp tục là đường chín đoạn. Liệu nó có phải một khái niệm hợp pháp? Có phải Trung Quốc đã tự thêm các đường nối mà tất cả các nước thành viên và các nước ký kết Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) đều cho rằng không tồn tại. Nếu tất cả được làm rõ, thì mọi thỏa thuận sẽ có thêm một nền tảng vững chắc. Chúng tôi tin rằng nếu có thể làm sáng rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi bên, thì nó sẽ là tiền đề quan trọng để thúc đẩy sự ổn định và thịnh vượng của khu vực”.
Tổng thống sắp mãn nhiệm của Philippines Benigno Aquino. (Ảnh: Reuters) |
Trả lời về việc liệu chính quyền tiếp theo của Philippines sẽ làm gì để giải quyết vấn đề Biển Đông, Tổng thống sắp mãn nhiệm từ chối trả lời trực tiếp và chỉ nói rằng: “Tôi muốn để cho ông ấy (ông Duterte) có nhiều lựa chọn. Tôi không muốn mọi thứ càng trở nên hỗn độn. Tôi tự áp mình không được lên tiếng về bất cứ động thái nào của ông ấy trong vòng 1 năm, tất nhiên sẽ chỉ đưa ra lời khuyên khi được đề nghị”…
Trung Quốc ráo riết xây dựng hải đăng ở Trường Sa
Trung Quốc đang ráo riết hoàn tất thêm 2 ngọn hải đăng ở Trường Sa trước cuối năm nay, tiếp tục công tác thiết đặt các cơ sở, công trình (trái phép) trên các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.
VOA dẫn tuyên bố của truyền thông nhà nước Trung Quốc cho hay, 2 hải đăng mới sẽ được đặt trên Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn. Trong đó, ngọn hải đăng trên mũi cực đông của Đá Vành Khăn sẽ là công trình cao nhất ở Trường Sa, với độ cao 60 mét.
Trung Quốc ngang ngược xây 2 hải đăng trái phép ở Trường Sa. |
Bắc Kinh nói cơ sở hạ tầng đang xây dựng (trái phép) ở Biển Đông mang mục đích dân sự, giúp tàu bè tránh va chạm các bãi đá và hỗ trợ ngư dân. Tuy nhiên, giới quan sát lo ngại rằng thiết đặt hải đăng chính là nét phác họa vĩnh cửu về sự hiện diện, chiếm đóng và chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực.
Hiện Trung Quốc đang vận hành 3 hải đăng trên các đảo nhân tạo Bắc Kinh bồi đắp (trái phép) ở Trường Sa. Ngọn hải đăng trên Đá Subi hoàn tất hồi tháng Tư. Hai ngọn hải đăng trên Đá Gạc Ma và Đá Châu Viên được hoàn thành từ tháng 10 năm ngoái. Các đá này đều thuộc chủ quyền của Việt Nam do lực lượng Trung Quốc chiếm đóng trái phép…
Lê Thanh