Ấn Độ và Mỹ đã không đề cập đến vấn đề Biển Đông trong tuyên bố chung sau cuộc gặp gữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 7/6 tại Washington.
Theo Times of India, trong cả hai cuộc gặp thượng đỉnh trước đó, vào năm 2014 và 2015, hai nước đều đề cập cụ thể về Biển đông, trong vấn đề tranh chấp hàng hải và tầm quan trọng của tự do hàng hải, hàng không.
Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Ấn Độ Modi diễn ra trước khi Tòa Trọng Tài thường trực (PCA) ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc cho đến nay luôn khăng khăng không chấp nhận tuân thủ phán quyết từ PCA.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama. |
Quyết định của Ấn Độ trong việc đặt vấn đề Biển Đông trong tài liệu chung với Mỹ và Nhật Bản dưới thời chính phủ Modi được coi là một bước đi táo bạo, mang ý nghĩa chiến lược.
Ấn Độ lần đầu đề cập đến Biển Đông trong tuyên bố chung với Mỹ là sau cuộc gặp thượng định đầu tiên giữa ông Obama và Thủ tướng Ấn Độ Modi vào tháng 9/2014. Theo đó, các nhà lãnh đạo bày tỏ mối lo ngại về căng thẳng leo thang trong tranh chấp hàng hải, nhấn mạnh sự cần thiết của việc bảo vệ an ninh hàng hải, đảm bảo tự do hàng hải thông qua các chuyến bay trong khu vực, “đặc biệt là ở Biển Đông”.
Ông Modi và Tổng thống Mỹ Obama đã kêu gọi tất cả các bên tránh sử dụng, hoặc đe dọa sử dụng vũ lực nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền và hối thúc các bên tìm kiếm giải pháp cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Khi hai nhà lãnh đạo Mỹ và Ấn Độ gặp nhau trong cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai vào tháng 1/2015, hai bên đã đưa ra tuyên bố chung, kêu gọi Tầm nhìn chiến lược chung Ấn-Mỹ về khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Tuyên bố nêu rõ tầm quan trọng của việc “bảo vệ an ninh hàng hải và bảo đảm tự do hàng hải và hàng không trong toàn khu vực, đặc biệt là tại Biển Đông”.
Trong tuyên bố chung mới nhất đưa ra hôm 6/6, hai nước ủng hộ việc hoàn thành lộ trình hơp tác theo Tuyên bố Tầm nhìn chung Mỹ – Ấn năm 2015 đối với châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, đồng thời coi đây là kim chỉ nam cho hợp tác song phương trong những năm tới.
Lãnh đạo hai nước cam kết hợp tác để thúc đẩy an ninh – an toàn hàng hải, tái khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải, hàng không và khai thác các nguồn tài nguyên phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS), đồng thời giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Chuyên gia về các vấn đề chiến lược, ông Brahma Chellaneay nói trên Times of India rằng, tuyên bố chung mới nhất đã khẳng định sự hợp tác trong các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, trong đó có Biển Đông. “Biển Đông là tâm điểm của tầm nhìn chiến lược chung được công bố hồi tháng 1/2015″.
Theo Times of India, Việc Ấn Độ và Mỹ né tránh đề cập cụ thể đến vấn đề Biển Đông mang đến nhiều nhiều ý nghĩa, trong bối cảnh mà Nga-Ấn Độ-Trung Quốc đã đạt được tuyên bố chung về vấn đề tranh chấp hàng hải trong cuộc đối thoại ba bên tại Moscow hồi tháng 4.
Ngoại trưởng Nga, Trung Quốc, Ấn Độ thông qua tuyên bố chung ba bên, kêu các tranh chấp hàng hải “nên được giải quyết và thương lượng giữa các bên liên quan”.
Truyền thông Trung Quốc khi đó vội vã đưa ra nhận định, Ấn Độ cuối cũng “đã đứng về phía Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông”.
Đối thoại song phương cũng là biện pháp mà Trung Quốc mong muốn áp dụng trong các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Hôm 8/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngang nghiên kêu gọi Philippines: “Dừng ngay lập tức hành vi sai trái thúc đẩy tiến trình tố tụng, quay trở lại giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua đàm phán song phương với Trung Quốc”.
Đăng Nguyễn