Cựu Thủ tướng Anh đứng trước cáo buộc nói dối đất nước về lý do tham chiến ở Iraq năm 2003 trong bản điều tra kéo dài 7 năm với 2,6 triệu chữ của Sir John Chilcot.
Ngày hôm qua chính phủ Anh đã công bố bản báo cáo của Sir John Chilcot điều tra về vai trò của Anh trong cuộc chiến Iraq 2003.
Bản báo cáo khiến cựu Thủ tướng Anh Tony Blair bị chỉ trích vì đẩy nước Anh vào cuộc xung đột kéo dài cho tới năm 2011. Đây là chiến dịch lật đổ nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein vì Mỹ cáo buộc nước này “sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt”.
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair. |
Trong bài phát biểu tại cuộc họp báo sau khi bản báo cáo điều tra được công bố vào ngày 6/7, ông Blair nói rằng ông không hối tiếc khi để Anh tham gia vào cuộc chiến tranh Iraq do Mỹ dẫn đầu vào năm 2003, lật đổ cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein.
“Tôi tin rằng chúng tôi đã đưa ra quyết định đúng đắn và thế giới tốt đẹp hơn và an toàn. Nếu chúng ta học được các bài học đúng, thế hệ kế tiếp sẽ chứng kiến hòa bình ở Trung Đông”, ông Blair cho biết.
Trong bản báo cáo của Sir John Chilcot đã chỉ trích gay gắt ông Blair về nhiều vấn đề, cho rằng ông đưa ra quyết định tham gia chiến tranh Iraq dựa vào thông tin tình báo sai về mối đe dọa từ Saddam vì không có bất kỳ vũ khí giết người hàng loạt nào được tìm thấy sau chiến tranh.
“Tôi bày tỏ nhiều nỗi buồn, hối tiếc và xin lỗi”, ông Blair nói trong bài phát biểu tại London.
Ông Blair nói ông hối hận vì có nhiều người thiệt mạng. “Tôi đưa ra quyết định với niềm tin tưởng vào những thông tin tình báo tôi được cung cấp,” ông Blair nói.
Ông nói thêm: “Với những người có suy nghĩ đúng đắn, một khi họ đọc đầy đủ các thông tin, họ sẽ tự biết được rằng có nên đưa ra những quyết định như tôi hay không.”
Ông Blair nhắc lại điều này lần nữa và cho rằng ông xin lỗi vì “đã có những người thiệt mạng”, nhưng không phải “xin lỗi vì những quyết định đã đưa ra”.
Sir John Chilcot. |
Nếu ông Saddam tiếp tục nắm quyền vào năm 2003, “ông ta có thể một lần nữa đe dọa hòa bình thế giới”, ông Blair nói,
“Bản thân Saddam là cội nguồn của khủng bố. Và ít nhất, ở Iraq giờ đây, chúng ta có một chính phủ được hình thành thông qua bầu cử và được quốc tế công nhận”, theo ông Blair.
Nhưng sau khi chính quyền Saddam bị lật đổ, tình trạng bất ổn ở Iraq còn kéo dài đến ngày nay và khiến trên 100.000 người Iraq thiệt mạng, cùng hàng chục ngàn người bị thương và hàng triệu người vô gia cư.
Ông Blair thừa nhận những báo cáo tình báo về Iraq mà chính phủ ông dựa vào để ra quyết định tham chiến là có sai sót, dẫn đến “hậu quả đau xót hơn chúng tôi tưởng tượng”.
Thân nhân những binh sĩ Anh thiệt mạng trong chiến tranh Iraq tuyên bố họ sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng báo cáo điều tra này để khởi kiện.
Ông John Chilcot cho biết, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair khi đó đã được cảnh báo rằng các hành động quân sự tại Iraq sẽ làm gia tăng mối đe dọa của mạng lưới khủng bố al-Qaeda với nước Anh, song những mối đe dọa từ cuộc chiến này đã không được “cân nhắc một cách thích đáng”.
Người đứng đầu cuộc điều tra về việc Anh quốc tham chiến ở Iraq nói chính phủ lúc đó chưa tìm hiểu hết các giải pháp trước khi ra quyết định. Sir John Chilcot nói hành động quân sự “chưa phải lựa chọn cuối cùng”.
Ông cũng cho rằng các suy xét về vũ khí giết người hàng loạt của Iraq “được trình bày với một sự phỏng đoán chưa được kiểm chứng” và kế hoạch hậu chiến “hoàn toàn không phù hợp”.
Bản phúc trình Chilcot
Theo thống kê, 179 binh sĩ Anh đã tử trận tại Iraq từ năm 2003 – 2009. Anh đã thành lập ủy ban điều tra cuộc chiến tranh Iraq vào năm 2009 và dự kiến công bố kết quả 1 năm sau đó, song bản báo này đã bị trì hoãn đến nay.
Bản kết quả điều tra 12 tập về cuộc chiến Iraq được thực hiện trong thời gian bảy năm, được gọi là “Phúc trình Chilcot”.
Chilcot nói ông hy vọng các hành động quân sự quy mô như vậy trong tương lai sẽ chỉ được quyết định sau khi có các phân tích và suy xét chính trị cẩn trọng hơn.
“Phúc trình Chilcot” được dự đoán là sẽ chỉ trích một số cá nhân và tổ chức. Nó cũng được trông đợi giải đáp một số câu hỏi của gia đình các quân nhân Anh đã chết trong cuộc chiến Iraq. Bản báo cáo khổng lồ này đã được chuyển cho Thủ tướng David Cameron và sẽ được công bố trên mạng internet.
Sir John nói ông tin rằng bản phúc trình 2,6 triệu chữ đã điểm lại đầy đủ các yếu tố dẫn đến quyết định Anh quốc tham chiến tại Iraq.
“Tôi mong đợi rằng trong tương lai, nước Anh không thể tham gia các hoạt động quân sự hay thậm chí cả ngoại giao quy mô với những hậu quả sâu rộng như Iraq mà không có các phân tích, đánh giá phản biện cũng như suy xét chính trị tập thể cẩn trọng trước đó”.
Đọc thêm>>> Trung Quốc tiếp tục cảnh báo Mỹ, gọi phán quyết là ‘trò hề’
Minh Vũ