Thông tin uống nước sôi để lâu tăng nguy cơ ung thư đang khiến các bà nội trợ hoang mang.
Nhiều người mẹ lo lắng cho sức khỏe của gia đình đã mạnh tay chi tiền mua nước khoáng gốc tự nhiên hay máy lọc nước trực tiếp để uống cho an toàn. Trước thông tin gây bất an trong dư luận, nhiều chuyên gia cho rằng, người dân không nên quá hoang mang.
Không uống nước đun sôi… vì sợ ung thư
Theo tìm hiểu của PV, thông tin “uống nước đun sôi để nguội lâu ngày tăng nguy cơ ung thư bị ung thư” được chia sẻ trên trang cá nhân của nickname Hà Mai (Hà Nội). Thông tin này đưa ra những thông số khiến nhiều người cảm thấy giật mình.
Sau một ngày, mỗi lít nước đun sôi để nguội sản sinh 0,004mg muối axit nitrat (chất gây ung thư hàng đầu), sau 3 ngày là 0,011mg và sau 20 ngày có thể lên đến 0,73mg. Cũng theo Hà Mai, nguyên nhân dẫn đến việc uống nước sôi có nguy hại đến sức khỏe là do nước cũng dễ bị “thiu” như thức ăn.
Bằng chứng là một nghiên cứu được công bố trên Dailymail khẳng định, nước lọc đun sôi để nguội hoàn toàn có thể bị thiu nếu để qua đêm. Khi để qua đêm, nước sẽ hấp thu CO2 và biến đổi thành axit carbonic (H2CO3). Vì thế, nếu các bà nội trợ chú ý có thể cảm nhận được, cốc nước để qua đêm sẽ mang một vị khác, cụ thể là có chút gì đó hơi chua.
Không chỉ vậy, nước để qua đêm cũng sẽ bị vi khuẩn tấn công – nguyên nhân tiếp theo gây thiu. “Đến uống nước sôi để nguội cũng có nguy cơ bị ung thư thì biết phải làm sao đây các mẹ? Có lẽ từ nay nhà em phải chuyển sang dùng nước khoáng gốc tự nhiên cho an toàn”, Hà Mai chia sẻ.
Thông tin uống nước đun sôi lâu ngày tăng nguy cơ bị ung thư được đăng trên nhiều diễn đàn sức khỏe. Phần lớn các ý kiến đều tỏ ra bất an và không biết phải sử dụng nước sôi trong thời gian bao lâu thì nằm trong “ngưỡng” an toàn?
Chia sẻ với PV báo ĐS&PL, anh Đoàn Anh Tuấn (ngõ Văn Chương, Khâm Thiên, Hà Nội) cho hay: “Mấy ngày nay, vợ tôi nằng nặc đòi đi mua máy lọc nước trực tiếp từ vòi để uống cho an toàn chứ không dùng nước sôi để nguội nữa. Tôi không tin vào thông tin nhảm nhí đó. Bởi lâu nay nhà tôi vẫn sử dụng bình lọc nước cả tháng trời có sao đâu. Vợ tôi nói, có ý kiến của các chuyên gia vệ sinh thực phẩm trả lời, không phải là thông tin đồn thổi nên tôi cũng bán tín bán nghi”.
Anh Tuấn cũng phản ánh, vợ anh còn dẫn chứng một bài viết chỉ ra, về bản chất, nước đun sôi 100o C đã diệt được vi khuẩn, nhưng nếu để nguội trên 2 giờ thì vi khuẩn sẽ xuất hiện trở lại, sau 24 giờ, lượng vi khuẩn đã tăng lên rất nhiều. Không chỉ bị thiu, nước đun sôi để lâu ngày sẽ biến thành nước “cứng” – nước có hàm lượng kim loại cao.
Hơn nữa, trong quá trình sôi, nước bốc hơi không ngừng khiến nồng độ axit nitrat (chất gây ung thư ở người) và các kim loại nặng vốn có trở nên đậm đặc hơn. Không chỉ vậy, theo thời gian, lượng nitrat cũng sẽ tự sản sinh thêm trong nước.
Trong khi người tiêu dùng bán tín bán nghi trước thông tin lan truyền trên mạng, trên trang cá nhân của một vị bác sỹ đang công tác tại bệnh viện Bạch Mai đã lên tiếng: “Hãi với nhận định của một cán bộ chuyên ngành công nghệ thực phẩm”.
Vị cán bộ chuyên ngành công nghệ thực phẩm nói: “Cá có thể sống trong môi trường nguồn nước tự nhiên nhưng nếu bạn đặt chúng trong một chậu nước đun sôi để nguội, chắc chắn nó sẽ chết. Với con người, tất nhiên sẽ không chết như vậy song nếu uống nước đun sôi để nguội như vậy, tức là sẽ thiếu lượng oxy trong nước, gây cản trở vi sinh vật trong đường ruột phát triển. Lượng oxy này khá cần thiết vì người ta chỉ có thể đưa oxy vào phổi chứ không đưa vào ruột”.
Trước nhận định trên, vị bác sỹ phản pháo: “Các bạn nên nhớ, đặc tính của quần thể vi sinh vật đường ruột là yếm khí, tức là vấn đề sinh trưởng, sinh sản và phát triển của vi sinh vật không cần tới oxy. Mình sẽ tìm hiểu sâu về vấn đề này để giúp các bạn có cái nhìn đúng hơn”.
Cần có công bố mang tính khoa học
Trước thông tin nước đun sôi để nguội lâu ngày có thể sản sinh ra chất gây ung thư khiến nhiều người hoang mang, các chuyên gia y tế và hóa học khẳng định, hiện nay chưa có bất cứ công bố khoa học nào của các cơ quan uy tín trên thế giới như tổ chức Y tế thế giới hay hội nghị khoa học uy tín đề cập về vấn đề này. Vấn đề duy nhất chỉ là nguy cơ nhiễm bẩn của nước.
Trao đổi với PV, một chuyên gia viện Công nghệ Thực phẩm, đại học Bách khoa Hà Nội nhận định, trong nước có chứa lượng oxy và chất khoáng cực tốt. Đặc biệt là khí oxy khi uống vào sẽ tạo điều kiện cho vi sinh vật trong ruột tiêu hóa. Với những nguồn nước sạch tự nhiên, có thể uống và dùng được ngay.
Đây là loại nước tốt nhất cho cơ thể. Tuy nhiên hiện nay, nguồn nước vừa bị nhiễm hóa chất, vừa chứa nhiều vi sinh vật và kí sinh trùng nên khó có thể dùng ngay. Uống nước đun sôi là giải pháp tốt của người dân. Bản chất của việc đun sôi là dùng nhiệt để tiêu diệt hoàn toàn vi sinh vật, kí sinh trùng gây ô nhiễm trong nguồn nước.
Tuy nhiên, không nên để nước quá lâu và đổ chồng nước cũ vào nước mới với nhau sau khi đun, dễ sinh ra nấm mốc, gây hại cho cơ thể. Trao đổi với PV báo ĐS&PL, PGS.TS.Trần Hồng Côn (khoa Hóa học- Đại học Khoa học Tự nhiên, đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, hiện nhiều gia đình có thói quen uống nước khoáng, nước tinh khiết thay cho nước đun sôi.
Thế nhưng, nước tinh khiết chỉ cung cấp nước mà không chứa các chất cần thiết cho cơ thể, còn nước khoáng thì mỗi loại sẽ có hàm lượng khoáng khác nhau như natri, kali, calci, magie… nên nếu dùng một loại mãi thì cơ thể ta sẽ thiếu những chất khoáng khác. Loại nước tốt nhất cho cơ thể hiện nay là nước đun sôi để nguội.
Đặc biệt, với trẻ nhỏ, nước đun sôi giúp cho cơ thể trẻ dễ hấp thu, tăng lượng hồng cầu của tế bào, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, nhanh chóng phục hồi thể lực. Cũng theo PGS.TS Côn, nếu là nước sạch đun sôi thì thời gian để thoải mái, tất nhiên là không quá lâu lên đến cả tuần hay cả tháng. Các bà nội trợ nên sử dụng bình thủy tinh để đựng nước.
Bình thủy tinh có thể đựng nước thoải mái mà không lo chất độc có thể xâm nhập vào nước, nhưng với những bình đựng nước bằng nhựa kém chất lượng thì khả năng nhiễm độc từ chúng là rất cao. Các loại bình nhựa này khi đựng nước có thể giải phóng phân tử hữu cơ, đặc biệt là nếu đựng nước nóng, loại nhựa này sẽ phôi ra vào trong nước những tạp chất chứa trong nó. “Nên lưu ý việc vệ sinh bình đựng, ấm đun và ly tách, dụng cụ chứa nước để tránh sự xâm nhập của vi khuẩn làm nhiễm khuẩn nguồn nước gây tác hại xấu cho sức khỏe”, PGS.TS Côn khuyến cáo.
N.GIANG – M.HẰNG, 9/7/2016
Filed under: Thực phẩm – đồ uống Tagged: uống nước đun sôi để nguội