Hai nhà lãnh đạo hàng đầu của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sắp có cuộc gặp gỡ quan trọng sau mối rạn nứt quan hệ vì vụ bắn hạ Su-24. Động thái này khiến cho Mỹ và các nước đồng minh NATO “đứng ngồi không yên”.
Tình hình quan hệ quốc tế với phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay có rất nhiều vấn đề rạn nứt. Trong khi Liên minh Châu Âu vẫn tỏ ra miễn cưỡng với việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào khối, thì Mỹ – một đồng minh NATO lâu năm của Ankara – vẫn kiên quyết chối từ dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc là chủ mưu của cuộc đảo chính quân sự gần đây.
Trong hoàn cảnh đó, Ankara được cho là sẽ ngày càng ngả về phía Nga nhiều hơn, như một giải pháp để cân bằng vị thế trên cán cân quyền lực đối ngoại.
Bởi vậy, cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp bên phía Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ở Moscow vào ngày 9/8 tới đây sẽ được xem như dấu mốc cho sự hòa giải giữa 2 quốc gia quyền lực trong khu vực này.
Ông Erdogan đang tin lãnh đạo Putin hơn… Obama. Ảnh: syrianews.cc |
Theo nhận định của tạp chí tin tức Thụy Sỹ L’Hebdo, các quốc gia phương Tây – vốn đã “ớn lạnh” vì cuộc thanh trừng mạnh tay và có quy mô lớn chưa từng có ở Thổ Nhĩ Kỳ sau đảo chính – càng có thêm lý do để lo ngại trước sự phát triển quan hệ của Nga – Thổ.
“Ngay sau cuộc đảo chính bất thành, mối quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng chuyển sang chiều hướng tích cực hơn”, L’Hebdo chỉ rõ.
Thậm chí, sau cuộc đảo chính đó, nhiều nguồn tin đã tiết lộ rằng chính phía Nga còn chủ động cảnh báo cho Tổng thống Erdogan về chính biến này vài giờ trước khi một đội lính biệt kích của phe đảo chính đổ quân xuống khách sạn mà ông Erdogan đang nghỉ để bắt sống hoặc tiêu diệt.
L’Hebdo nhấn mạnh chi tiết là chính Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Çavuşoğlu đã “ghi công” phía Nga trong nỗ lực chống lại cuộc đảo chính diễn ra hôm 15-7.
“Trong cuộc đảo chính đó, Nga đã cung cấp cho chúng tôi sự hỗ trợ đầy đủ và vô điều kiện. Chúng tôi cảm ơn ông Vladimir Putin và tất cả quan chức Nga. Nga không chỉ là một người bạn và láng giềng gần gũi, mà còn là một đối tác chiến lược”, Ngoại trưởng Çavuşoğlu tuyên bố.
Với lời tuyên bố đó, theo quan điểm của người viết, thì dù muốn hay không, Mỹ và các đồng minh NATO của họ phải chấp nhận một thực tế là, chừng nào chính phủ của ông Erdogan còn tồn tại, chừng đó Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ngày càng rời xa quan điểm chống Nga nói chung của phương Tây.
Và đây cũng có thể coi là một nước cờ khôn ngoan nữa của ông chủ điện Kremlin: NATO lôi kéo các nước Đông Âu gần Nga, tăng cường sự hiện diện quân sự “chưa từng có” ở khu vực này với 4 tiểu đoàn quân đa quốc gia áp sát biên giới Nga, thì Moscow “đáp lễ” bằng việc tạo mối quan hệ khăng khít với một thành viên “sừng sỏ” của NATO.
Việc giơ tay ra cứu lấy chính quyền Ankara đúng vào lúc “nước sôi lửa bỏng” nhất có thể xem là bước đi khôn ngoan, một mũi tên trúng rất nhiều mục đích của Tổng thống Nga Putin.
Hiện nay, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ với số lượng khoảng 315.000 lính đang là lực lượng vũ trang lớn thứ 2 của NATO. Ngoài ra, nước này còn sở hữu vị trí chiến lược ở khu vực biên giới giữa phương Tây với thế giới Arab, vùng Caucasus và Nga.
Cảnh thân mật này giữa 2 nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ sẽ không còn lặp lại? Ảnh: emrecetinblog |
Thêm nữa, theo L’Hebdo, chiến dịch chống tổ chức khủng bố IS của liên quân do Mỹ dẫn đầu vẫn đang phụ thuộc rất nhiều vào cơ sở hạ tầng quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là căn cứ không quân chứa vũ khí hạt nhân Incirlik.
Trong khi ông Erdogan không chắc sẽ xem xét việc rút lui khỏi NATO, thì việc duy trì mối quan hệ bạn bè với ông chủ điện Kremlin là một chỉ dấu rất rõ ràng để nói rằng, ông Erdogan không cho phép bản thân bị các đồng minh NATO bắt nạt.
Cùng với đó, đừng quên rằng một vấn đề rất quan trọng mà Thổ Nhĩ Kỳ vô cùng quan tâm là lực lượng người Kurd. Từng là một đồng minh với Mỹ để chống lưng cho phe đối lập tại Syria, hiện giờ ông Erdogan nhận thấy việc này không còn thú vị nữa.
Bởi mục tiêu lớn của Ankara vẫn là ngăn chặn việc thành lập nhà nước của người Kurd ở khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – trong khi Mỹ lại có thái độ rất mềm dẻo với lực lượng người Kurd, thì sự giúp đỡ từ Nga rõ ràng là rất hấp dẫn đối với Ankara.
Với những phân tích kể trên, L’Hebdo tin rằng khó có lý do nào ngăn cản được Thổ Nhĩ Kỳ và Nga làm lành với nhau, hỗ trợ nhau nhiều hơn và từ đó làm thay đổi cán cân quyền lực tại Syria nói riêng, và trong khu vực nói chung.
Trung Hiếu
2016-08-05 16:16:06
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/tho-nhi-ky-bat-tay-nga-my-va-dong-minh-hot-hoang-a253280.html