Nga tập trận chung không có nghĩa là ủng hộ TQ bành trướng ở Biển Đông; Giáo dục Trung Quốc bóp méo về vấn đề Biển Đông… là tin tức Biển Đông ngày 12/8.
Nga tập trận chung không có nghĩa là ủng hộ Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông
Tàu khu trục USS Sampson và USS Pinkney của hải quân Mỹ trên biển Đông. (Ảnh: US Navy) |
Trong cuộc phỏng vấn mới đây với hãng tin Sputnik, nhà chính trị học người Nga – Giáo sư Dmitry Mosyakov, cho rằng việc Trung Quốc bành trướng lãnh thổ trên Biển Đông, coi thường luật pháp quốc tế là sai trái và châm ngòi buộc các láng giềng phải có phản ứng đáp lại nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình.
Về cuộc tập trận hải quân chung giữa Nga và Trung Quốc ở Biển Đông trong tháng 9 tới, theo quan điểm của Giáo sư Mosyakov, nó không liên quan và không ràng buộc với tình hình khu vực. Các hoạt động tương tự đã từng được tiến hành và cuộc tập trận sắp tới là một phần của kế hoạch được lên từ trước, không phải là tín hiệu hay dấu hiệu nào đó có ảnh hưởng tới tình hình chung trong khu vực.
Chuyên gia người Nga nhấn mạnh thêm rằng cuộc tập trận chung giữa Nga và Trung Quốc không đồng nghĩa với việc Moscow ủng hộ lập trường của Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Trung Quốc và Philippines sẽ cùng nhau khai thác bãi cạn Scarborough?
Tàu cá Philippines hiện vẫn chưa tiếp cận được bãi cạn Scarborough. (Ảnh: Reuters) |
Bắc Kinh và Manila sẽ xem xét tạo cơ hội giúp ngư dân hai nước cùng khai thác vùng biển gần bãi cạn Scarborough thay vì đối đầu, tờ báo SCMP cho hay.
SCMP dẫn lời ông Wu Shicun, Chủ tịch Viện nghiên cứu Biển Đông quốc gia Trung Quốc cho biết cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos đang có chuyến công du Hồng Kông.
Theo ông Wu nhận định, chuyến đi 5 ngày của ông Ramos có thể giúp “giảm căng thẳng ở Biển Đông”.
“Nhưng ông Ramos phải tới Bắc Kinh hội đàm với những quan chức Trung Quốc để mở đường cho Tổng thống Duterte thực hiện chuyến thăm Bắc Kinh chính thức của ông ấy”, ông Wu nói.
Tổng thống Duterte muốn tháo gỡ “vướng mắc” Scarborough với Bắc Kinh trong cuộc đàm phán song phương được cả Manila và Bắc Kinh kỳ vọng trong năm nay. Ông khẳng định không từ bỏ chủ quyền tại Scarborough.
Trả lời báo chí, ông Ramos nói rằng họ không bàn tới vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông mà nói về quyền đánh bắt cá, Today Online viết.
“Chúng tôi phải quay lại Manila để đánh giá có thể làm gì bằng con đường chính thức”, ông Ramos nói sau cuộc gặp với Trung Quốc.
Trung Quốc có thể bồi đắp Scarborough sau hội nghị G20
Bắc Kinh có thể bắt đầu bồi đắp bãi cạn tranh chấp Scarborough sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G20 (diễn ra ở thành phố Hàng Châu của Trung Quốc vào ngày 4 – 5/9) nhưng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 8/11.
Báo Thanh niên dẫn lời một nguồn tin nhận định với tờ SCMP hôm 13/8: “Vì Hội nghị G20 sẽ được tổ chức ở Hàng Châu vào tháng tới và hòa bình khu vực sẽ là chủ đề chính trong số các nhà lãnh đạo nước lớn, Trung Quốc sẽ kiềm chế (từ việc thực hiện kế hoạch bồi đắp)”. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể nắm lấy cơ hội bồi đắp Scarborough trước khi người Mỹ đi bầu tổng thống mới vào ngày 8/11, theo nguồn tin trên.
“Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tập trung các vấn đề trong nước trước cuộc bầu cử vì ông ấy cần để lại di sản cho người kế nhiệm trước khi mãn nhiệm. Điều này có thể khiến ông bận rộn và không có thời gian quan tâm tới các vấn đề an ninh khu vực”, nguồn tin suy đoán, đồng thời cho rằng Trung Quốc hiện nay không thể có bất kỳ hành động gây hấn nào trong bối cảnh Philippines bày tỏ sẵn sàng tìm những biện pháp mới để giải quyết tranh chấp giữa hai bên.
Nguồn tin nói trên cho rằng việc xây dựng tiền đồn ở Scarborough là “điều phải làm đối với Trung Quốc” vì nó sẽ giúp mở rộng tầm hoạt động của không quân nước này ở khu vực thêm ít nhất 1.000 km. Theo đó, Trung Quốc có thể xây một đường băng trên Scarborough và thiết lập một hệ thống cảnh báo sớm trên bãi Macclesfield, nằm phía đông quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, để theo dõi căn cứ hải quân Mỹ trên lãnh thổ Guam.
Giáo dục Trung Quốc bóp méo vấn đề Biển Đông
Trên tờ Yomiuri Shimbun, nhà báo kỳ cựu Nhật Bản Hiroyuki Sugiyama mới đăng bài bình luận chỉ ra những cách Trung Quốc tuyên truyền về chủ quyền tại Biển Đông với học sinh nước này.
Báo Thanh niên dẫn nguồn Yomiuri Shimbun cho biết, hồi tháng 7/2016, khi Tòa Trọng tài Thường trực PCA ra phán quyết bác bỏ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông, một cuộc triển lãm về sinh vật biển được tổ chức tại một viện bảo tàng ở Bắc Kinh, thu hút nhiều học sinh nước này đến tham quan.
“Khi đi dạo xung quanh khu triển lãm, tôi thấy nhiều mẫu san hô, cá mập và những sinh vật biển khác cho thấy vùng biển phía nam này (tức Biển Đông) giàu tài nguyên như thế nào. Tuy nhiên, những lời chú thích được viết trên các tấm bảng tại cổng vào đã bị chính trị hóa”, nhà báo Sugiyama viết trong bài bình luận “China’s distorted education over S. China Sea” (tạm dịch: Giáo dục của Trung Quốc về Biển Đông bị bóp méo) trên Yomiuri Shimbun.
Ngoài ra, trong các nội dung sách giáo khoa khác như Địa lý, Trung Quốc cũng lồng ghép những nội dung không chính xác về vấn đề chủ quyền Biển Đông.
Nhà báo Nhật khẳng định những kiểu tuyên bố phi lý của Trung Quốc sẽ tiếp tục xuất hiện nhiều không chỉ trong các sách giáo khoa mà còn trên báo chí, chương trình truyền hình, internet và cả trong các viện bảo tàng của Trung Quốc.
Danh Tuyên (Tổng hợp)
2016-08-13 15:24:07
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/tin-tuc-tinh-hinh-bien-dong-moi-nhat-ngay-138-a254257.html