Châu Âu đã không kịp thời nhận ra những vấn đề đã dẫn Thổ Nhĩ Kỳ đến cuộc đảo chính và phản ứng chậm chạp đã đẩy Ankara ngày càng rời xa.
RIA Novosti ngày 13/8 đưa tin cho biết, Tổng thư ký Hội đồng châu Âu Thorbjørn Jagland trong bài viết trên tờ Klassekampen đã chỉ ra những lý do khiến Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng rời xa liên minh này và gần gũi hơn với đối thủ của họ là Moscow.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Ergogan. Ảnh Rian |
Theo ông, châu Âu đã không kịp thời nhận ra những vấn đề đã dẫn Thổ Nhĩ Kỳ đến cuộc đảo chính và phản ứng chậm chạp của liên minh này trong một thời gian dài đã đẩy Ankara ngày càng rời xa sự hợp tác với các quốc gia khác trong khối.
Theo ông, người Thổ Nhĩ Kỳ đã cảm thấy “bị xúc phạm và giận dữ” vì người châu Âu chậm chạp trong việc lên án đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ và chỉ trích chính phủ Ankara trong các cuộc thanh trừng sau đó.
Trong đêm ngày 15/7, một nhóm binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành đảo chính tại thủ đô Ankara và thành phố Istanbul. Cuộc đảo chính đã bị dập tắt ngay sau đó bởi đông đảo những người ủng hộ ông Erdogan.
Theo ông Jagland, phản ứng của châu Âu sau đó đã khiến Ankara thấy rằng các đồng minh châu Âu thay vì ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ lại nghi ngờ chính quyền này ngấm ngầm tổ chức cuộc đảo chính đó nhằm tiêu diệt phe đối lập để củng cố quyền lực.
“Nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ nổi tiếng Ezgi Basaran cho rằng châu Âu đã không hiểu rằng hiện hữu một mạng lưới bí mật ngay trong lòng các cơ cấu nhà nước. Bây giờ mạng này đã bộc lộ cho thấy nó nguy hiểm đến chừng nào, rằng từ rất lâu trước đảo chính nó đã là vấn đề lớn đối với nền dân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng châu Âu từ chối tiếp thu điều đó một cách nghiêm túc, chỉ đơn giản bởi vì người của Erdogan cam đoan như vậy”, Tổng Thư ký Hội đồng châu Âu cho biết.
Theo quan điểm của Jagland, một số nhà ngoại giao châu Âu thừa nhận rằng cáo buộc của Ankara chống lại giáo sĩ Hồi giáo Futhellah Gulen, người được cho là đứng sau âm mưu đảo chính, là hợp lý.
“Một vài ngày trước, Hurriet Daily News đăng tải nội dung cuộc phỏng vấn với Đại sứ Anh tại Ankara. Vị đại sứ này hiểu rất rõ Thổ Nhĩ Kỳ và nói bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nói rằng mạng lưới Gulen có tồn tại và nó rất nguy hiểm”, chính trị gia Jagland nói.
Ngoài ra, việc các phương tiện truyền thông phương Tây hăng hái công bố những bài viết chống lại ông Erdogan, thay vì dành chú ý đến cuộc tranh luận nổ ra xung quanh những sự kiện ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng khiến chính quyền Ankara thất vọng và xa lánh.
Chính trị gia Jagland kết luận rằng những sự kiện diễn ra tại Ankara và Istanbul sẽ có hậu quả lịch sử to lớn, do đó, “sự hiện diện của châu Âu như một nơi có thể trông đợi” bây giờ đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Để khôi phục lòng tin, trước hết châu Âu cần thừa nhận thực tế là người Thổ Nhĩ Kỳ có quyền “tự mình sắp xếp trật tự” trong đất nước họ”.
Hoàng Hải
2016-08-13 04:16:04
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/chau-au-danh-mat-tho-nhi-ky-vi-nhung-sai-lam-cua-chinh-minh-a254235.html