Mỹ cảnh báo TQ vượt “ranh giới đỏ” tại Biển Đông; Nhật Bản sẽ cung cấp tàu tuần duyên cỡ lớn giúp Philippines tuần tra tại Biển Đông… là tin tức Biển Đông ngày 12/8.
Tổ chức Pháp kêu gọi tôn trọng phán quyết của PCA về Biển Đông
Hoạt động xây dựng, bồi lấp đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam). (Ảnh: Reuters/US Navy) |
Theo TTXVN, Hội đồng đại diện các hội đoàn Pháp – Việt (CRAFV) trụ sở tại Pháp vừa công bố Kiến nghị “Vì sự tôn trọng phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài liên quan tranh chấp ở Biển Đông”.
Bản kiến nghị đề cập tới tình trạng tranh chấp ở Biển Đông, điểm lại những hoạt động sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông từ năm 1974 đến nay, nhất là những hoạt động bồi đắp, xây dựng trái phép trên đảo nhân tạo để phục vụ mục đích quân sự.
Ngày 12/7, Tòa Trọng tài Thường trực PCA ra phán quyết bác bỏ “quyền lịch sử” của Trung Quốc với yêu sách “đường lưỡi bò, đường chín đoạn” phi lý lại Biển Đông. Tuy nhiên, ngay sau đó Trung Quốc đã tuyên bố không thừa nhận phán quyết này.
Theo Vietnam+, Kiến nghị trên yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết PCA và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, chấm dứt việc xây dựng trái phép trên các đảo nhân tạo và quân sự hóa, chấm dứt các hành động cản trở bất hợp pháp ngư dân Việt Nam đánh bắt tại ngư trường truyền thống.
Bản kiến nghị của CRAFV được đăng tải trên website của tổ chức này và tại địa chỉ www.change.org để huy động chữ ký của mọi người. Sau đó, Kiến nghị được gửi tới các cơ quan của Pháp, các thể chế Liên minh châu Âu, đại sứ Mỹ, Trung Quốc, Australia, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước ASEAN và các phương tiện truyền thông quốc tế.
Australia: Trung Quốc có thể sớm thiết lập ADIZ ở Biển Đông
Ngày 12/8, báo chí Australia dẫn lời cựu cố vấn an ninh Quốc gia Australia Andrew Shearer nhận định rằng các nhà chứa máy bay do Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Subi, Vành Khăn và Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam sẽ giúp Bắc Kinh thay đổi sức mạnh quân sự, kiểm soát các tuyến đường biển quan trọng ở Biển Đông.
Việc Trung Quốc xây dựng phi pháp 70 gian nhà chứa máy bay cho thấy có thể Bắc Kinh đang tính tới việc sớm thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
Tuy nhiên, ông Shearer nhận định rằng kế hoạch đó sẽ bị hoãn lại trước khi Trung Quốc tổ chức xong cuộc họp các nhà lãnh đạo G20 vào đầu tháng 9 tới.
Cũng theo đánh giá của ông Shearer, Trung Quốc đang chuẩn bị những rủi ro lớn hơn để đạt được mục đích ở Biển Đông, dù Mỹ và các đồng minh đang ra sức ngăn cản.
Nhật Bản sẽ cấp thêm 2 tàu tuần duyên cỡ lớn giúp Philippines tuần tra Biển Đông
Nhật Bản đang đàm phán để chuyển giao hai tàu tuần tra cỡ lớn cho Philippines. (Ảnh minh họa: Japan Times) |
Ngày 12/8, Reuters dẫn lời phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản Masato Ohtaka cho biết nước này đang đàm phán với Philippines về việc chuyển giao hai tàu tuần duyên đa nhiệm cỡ lớn dài 90m cho Philippines.
“Chúng tôi đã thảo luận về các biện pháp Nhật có thể giúp Philippines tăng cường năng lực, đặc biệt là liên quan tới an ninh biển… Chính phủ hai nước đang đàm phán việc có thể sẽ cung cấp thêm hai tàu nữa, lần này là loại tàu to hơn.
Trước đó, Nhật Bản đã đồng ý chuyển 10 tàu cảnh sát biển cỡ vừa dài 44m cho Philippines vào tuần sau.
Bên cạnh đó, hãng tin AFP dẫn nguồn tin lãnh đạo cao cấp Philippines cho biết 2 bên đang thương lượng về việc Philippines thuê máy bay do thám của Nhật để tuần tra biển.
Kế hoạch chuyển giao tàu được bàn trong cuộc họp giữa Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida tại Davao, Philippines hôm 11/8.
Ông Ohtaka cho biết Nhật Bản sẵn sàng giúp đỡ Philippines tăng cường an ninh hàng hải tại Biển Đông. Nhật không tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông nhưng có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông.
Các quan chức Nhật Bản nhận định căng thẳng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông có thể diễn ra đồng thời khi Trung Quốc cho tàu chấp pháp hiện diện ở cả hai nơi.
Nhật Bản đã kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của tòa PCA, đồng thời tăng cường hỗ trợ các nước Đông Nam Á nâng cao năng lực đảm bao an ninh trên biển.
Mỹ cảnh báo Trung Quốc vượt “ranh giới đỏ” tại Biển Đông
Tàu tuần tra Trung Quốc gần bãi cạn Scarborough. (Ảnh: AFP) |
Trang tin The Washington Beacon ngày 11/8 dẫn lời các quan chức Lầu Năm Góc cho biết trong vài tuần qua, số lượng tàu Trung Quốc xuất hiện gần bãi cạn Scarborough và quần đảo Trường Sa (Việt Nam) đã tăng đáng kể.
Trong khi đó, tại Biển Hoa Đông, Trung Quốc điều tổng cộng 324 tàu cá và 13 tàu hải cảnh tới vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi Tokyo và Bắc Kinh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Nhật Bản phản đối động thái này, cho rằng Trung Quốc đã xâm phạm lãnh hải Tokyo.
Hơn nữa, hồi đầu tuần này, Trung Quốc còn điều oanh tạc cơ và máy bay tiêm kích tới tuần tra phi pháp ở Biển Đông, gồm cả bãi cạn Scarborough.
Trên tờ Wall Street Journal, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, đô đốc Harry Harris nói: “Không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc thay đổi hành vi quanh bãi cạn Scarborough, vì thế tôi nghĩ rằng chúng ta đang ở nơi chúng ta thực sự phải đợi và xem tình hình thế nào”.
Hồi tháng 6/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter từng tuyên bố việc quân sự hóa bãi cạn Scarborough là “ranh giới đỏ” mà Trung Quốc không nên vượt qua.
Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết với những động thái trên, Trung Quốc đang vượt qua “ranh giới đỏ” này.
Ngoài bãi cạn Scarborough, Trung Quốc còn tăng cường xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông. Mới đây nhất, những hình ảnh vệ tinh của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế CSIS (Mỹ) cho thấy Trung Quốc đang xây các nhà chứa máy bay lớn trên 3 đảo nhân tạo xây phi pháp tại đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa.
Ngày 9/8, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố rằng việc Trung Quốc xây nhà chứa máy bay phi pháp tại quần đảo Trường Sa gây “leo thang căng thẳng”, dấy lên hoài nghi về cam kết phi quân sự hóa Biển Đông mà Bắc Kinh từng nói trước đó.
Danh Tuyên (Tổng hợp)
2016-08-12 13:40:06
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/tin-tuc-tinh-hinh-bien-dong-moi-nhat-ngay-128-a254161.html