Lý do Nhật Bản mở rộng hiện diện ở Biển Đông và Đông Nam Á; Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kêu gọi Trung Quốc và Philippines tôn trọng phán quyết của PCA… là tin tức Biển Đông ngày 31/8.
Vì sao Nhật Bản mở rộng hiện diện ở Biển Đông và Đông Nam Á?
Hai chiến hạm Ariake (DD109) và Setogiri (DD156) thuộc Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, đã tiến vào cảng quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa) vào tháng 4/2016. (Ảnh: VnExpress) |
Trong những năm gần đây, Nhật Bản liên tục đẩy mạnh hợp tác an ninh, quốc phòng với các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Kể từ Chiến tranh Lạnh, Nhật Bản đều đặn củng cố quan hệ với các quốc gia ASEAN dưới hình thức trao đổi quốc phòng, chủ yếu tập trung vào các cuộc tham vấn cấp cao và đàm phán cấp sự vụ, cùng các cuộc đối thoại an ninh song phương nhằm mục đích tạo dựng lòng tin và nâng cao tính minh bạch.
Những đặc trưng của “ngoại giao quốc phòng” Nhật Bản áp dụng với ASEAN có thể gói gọn trong ba điểm sau đây: mở rộng sự hiện diện, tăng cường quan hệ đối tác và chia sẻ các chuẩn mực và quy tắc chung thông qua những quan hệ đối tác này.
Mục đích thực sự của Nhật Bản khi tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước ASEAN là gì?
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kêu gọi Trung Quốc và Philippines tôn trọng phán quyết của PCA
Mỹ thúc giục Trung Quốc và Philippines tuân thủ các quyết định của hội đồng trọng tài về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và nhấn mạnh rằng đây là phán quyết mang tính chất “quyết định và ràng buộc về mặt pháp lý”.
“Mỹ tiếp tục thúc giục Trung Quốc và Philippines tuân thủ phán quyết gần đây của Tòa Trọng tài mang tính chất quyết định và ràng buộc về mặt pháp lý đối với cả hai bên”, thông tấn RIA Novosti dẫn lời phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trước sinh viên Ấn Độ tại New Delhi cho biết.
Tọa đàm ở Malaysia sau phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông
Các học giả phát biểu tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Vietnam+) |
Theo Vietnam+, tối 30/8, buổi tọa đàm quốc tế với chủ đề “Đoàn kết và hòa bình ASEAN sau phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông” đã diễn ra tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia.
Tham dự tọa đàm có các nhà nghiên cứu của Malaysia, Singapore và Việt Nam cùng đông đảo khách mời thuộc các bộ, ban ngành, các viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ của Malaysia và đại diện một số đại sứ quán nước ngoài tại Malaysia.
Tại buổi tọa đàm, các học giả đã thảo luận các vấn đề liên quan đến sự đoàn kết của ASEAN và vai trò của ASEAN trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình sau phán quyết của Tòa Trọng tài. Các học giả hoan nghênh, ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài, kêu gọi các bên tôn trọng, chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Các học giả kêu gọi các nước ASEAN đoàn kết, có tiếng nói chung trong vấn đề Biển Đông để duy trì hòa bình, ổn định của khu vực. Theo các học giả, các nước ASEAN cần đoàn kết để cho thế giới và Trung Quốc thấy ASEAN có thể giải quyết được vấn đề Biển Đông. Bên cạnh đó, đoàn kết sẽ giúp ASEAN thể hiện được đúng vị trí, vai trò trung tâm vốn có của mình trong khu vực. Các bên liên quan cần giải quyết vấn đề Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế bao gồm cả phán quyết của Tòa Trọng tài và UNCLOS.
Bên cạnh đó, các học giả khẳng định quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông dựa trên cái gọi là “quyền lịch sử” và “đường 9 đoạn” là không có cơ sở pháp lý, vi phạm luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS, đồng thời lên án việc Trung Quốc tiến hành hàng loạt hoạt động quân sự hóa, bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo, và ngăn cản hoạt động đánh bắt cá, khai thác dầu mỏ, tự do hàng hải trên Biển Đông.
Mỹ đoàn kết với đồng minh bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Vietnam+ dẫn nguồn AFP cho biết Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 31/8 cho biết Washington liên kết với các đồng minh của mình trong việc duy trì các quyền tự do hàng hải ở Biển Đông sau phán quyết hôm 12/7 của Tòa Trọng tài về vùng biển tranh chấp này.
Phát biểu trong chuyến thăm New Delhi, Ngoại trưởng Kerry nói rằng Mỹ không có tuyên bố chủ quyền với Biển Đông nhưng sẽ bảo vệ các quyền tự do hàng hải.
Ông Kerry nói: “Chúng tôi muốn nói rõ ràng rằng chúng tôi sẽ bảo vệ những quyền của chúng tôi và sẽ sát cánh với các đồng minh. Mỹ và các nước khác đoàn kết thành một liên minh tôn trọng tự do hàng hải, những quy tắc và chuẩn mực của luật biển cũng như pháp quyền với sự tôn trọng quyền tiếp cận biển khơi.”
Những phát biểu trên được đưa ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), diễn ra từ ngày 4-5/9 tại Hàng Châu, Trung Quốc, một sự kiện có thể chứng kiến căng thẳng giữa các nước liên quan đến những tranh chấp lãnh thổ.
Ngoại trưởng Philippines: ‘Trung Quốc sẽ thua nếu không tuân thủ phán quyết’
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay. (Ảnh: GMA) |
Theo VnExpress, Philippines cảnh báo Trung Quốc sẽ là bên thất bại nếu họ phớt lờ phán quyết của Tòa Trọng tài về vấn đề Biển Đông.
“Chúng tôi đang cố gắng để làm cho Trung Quốc hiểu rằng nếu họ không tôn trọng và công nhận phán quyết của tòa thì cuối cùng họ sẽ là bên thua cuộc”, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay nói trong một phiên điều trần của quốc hội hôm 30/8.
Trước khi bắt đầu các cuộc đàm phán song phương, Philippines có kế hoạch đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc để cho phép ngư dân Philippines tiếp cận vùng biển giàu tài nguyên, ông Yasay nói.
Trung Quốc kiểm soát bãi cạn Scarborough từ năm 2012 và ngăn cản ngư dân Philippines tiếp cận thực thể này, một trong những yếu tố khiến Manila đưa vấn đề ra Tòa Trọng tài.
“Khi chúng tôi bắt đầu đàm phán chính thức hoặc cam kết song phương với Trung Quốc, chúng tôi phải lấy phán quyết của Tòa Trọng tài làm cơ sở. Không có ngoại lệ nào”, ông Yasay nói.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông bằng “đường lưỡi bò” tự vẽ ra, chồng lấn lên vùng biển các nước láng giềng. Trong phán quyết ngày 12/7 đối với vụ kiện của Philippines, Tòa Trọng tài cho rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong yêu sách “đường lưỡi bò”.
Danh Tuyên (Tổng hợp)
2016-08-31 14:32:14
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/tin-tuc-tinh-hinh-bien-dong-moi-nhat-ngay-318-a256499.html