Nông nghiệp đang bị ‘dồn đến chân tường’ như thời điểm 1986
Saturday, September 10, 2016 17:45
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo
Các chuyên gia, học giả uy tín cho rằng, nhiều nguồn lực cho tăng trưởng của Việt Nam đã cạn kiệt, đặc biệt là ngành nông nghiệp đang bị “dồn đến chân tường” như thời điểm 1986 trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Thiên tai và nhân tai đang hợp sức đẩy ngành nông nghiệp nước ta, đặc biệt là khu vực ĐBSCL vào chân tường.
“Nguy cơ Việt Nam tụt hậu đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết khi các nước ngày càng phát triển, khoa học công nghệ thay đổi từng ngày”, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu nói khi chủ trì hội thảo nhằm lấy ý kiến cho một đề án tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế trình Bộ Chính trị tới đây.
Đề án này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân công cho Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) soạn thảo trình Bộ Chính trị.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét, bốn năm rồi Đồng bằng sông Cửu Long không còn lũ vì các con đập đã được xây dọc sông Mekong.
Tình hình khô hạn, ngập mặn ngày càng khốc liệt trên diện rộng. Bên cạnh đó, ngoài Bắc, sông Hồng cũng đang ngày càng hiếm nước, ảnh hưởng lớn đến phát triển nông nghiệp.
“Phát triển nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long không thể theo cách cũ được nữa. Chúng ta đã đến chân tường rồi, sao không thay đổi đi!” bà Lan nói.
Tuy nhiên, phát triển theo cách mới cũng rất khó, theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, do doanh nghiệp không thể tích tụ ruộng đất.
Trích dẫn các quy định hiện hành, rằng phải có hộ khẩu trong xã thì người dân mới được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, đất trồng rừng, ông Tuấn cho rằng đó là điểm nghẽn cho nông nghiệp.
Nguyên Viện trưởng CIEM Lê Xuân Bá cho rằng, cần cải cách bộ máy theo nghĩa rộng: “Phải giảm bớt người hưởng lương từ ngân sách. … các tổ chức đoàn thể thanh niên, phụ nữ, lao động nhiều quá.
“Nền kinh tế này không chịu nổi, bà con nông dân còng lưng nuôi các ông bà này”, ông Bá nói.
Ông bổ sung thêm: “Đã đến lúc phải giải quyết những vấn đề ngoài kinh tế thì mới giải quyết được những vấn đề kinh tế”.
Chuyên gia Võ Đai Lược nói thêm: “Cơ chế hiện nay dung dưỡng cho chạy chức, chạy quyền. Chúng ta không thiết lập được cơ chế kiểm soát quyền lực”.
“Có mấy trăm thủ khoa mà các cơ quan nhà nước chỉ tuyển có 10%, xong vài ba năm họ bỏ ra làm ngoài hết. Nạn mua quan bán chức chạy biên chế như thế này thì làm sao có nhân tài vào làm trong nhà nước… Kết quả là luật, nghị định có chất lượng quá kém”, ông nói.
Dự thảo đề án trình Bộ Chính trị do Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung trình bày tóm tắt, nguy cơ đất nước tụt hậu ngày càng rõ ràng hơn, tốc độ tăng trưởng ngày càng giảm suốt từ 2006 tới nay.
Ông Cung nói: “Chúng ta chưa thực sự đổi mới tư duy, chần chừ do dự trong cải cách chuyển đổi sang kinh tế thị trường”.
Ông nhận xét, thể chế kinh tế thị trường rất thiếu, méo mó (như khu vực kinh tế nhà nước, DNNN lớn; các thị trường bất động sản, lao động, vốn… sẵn méo mó) đang dung dưỡng cho tham nhũng, lợi ích nhóm, phân bổ nguồn lực sai lệch, lãng phí và kém hiệu quả.
Bên cạnh đó, vai trò và chức năng của nhà nước chậm đổi mới, bộ máy cồng kềnh,… dẫn đến hậu quả là cải cách hành chính không mang lại kết quả như mong đợi, ngân sách ngày càng phình to.
Tư Giang
Theo TBKTSG
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo