ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Nguồn: www.nguoiduatin.vn
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Quốc gia Trung Á trở thành sàn đấu mới của Trung-Nga-Mỹ
Friday, September 9, 2016 1:51
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Nga đang nắm ưu thế trong việc lấy được cảm tình từ Uzbekistan – quốc gia Trung Á đang trở thành mục tiêu mở rộng tầm ảnh hưởng của cả Mỹ và Trung Quốc.

Gần một tuần sau khi Tổng thống Islam Karimov của Uzbekistan qua đời sau một cơn đột quỵ, Quốc hội đã bổ nhiệm Thủ tướng Shavkat Mirziyoyev trở thành người thay thế tạm quyền.

Từ những biến động trên, Foreign Policy đánh giá, đang có những thay đổi mang tính bước ngoặt của quốc gia Trung Á này trong tương lai.

Uzbekistan có nhiều lợi ích cho cả 3 cường quốc hàng đầu thế giới.

Ông Mirziyoyev là người đã giữ chức Thủ tướng Uzbekistan kể từ năm 2003. Trong đám tang của Karimov, tổng thống tạm quyền đã làm tốt nhiệm vụ của mình với trách nhiệm đón tiếp các chức sắc nước ngoài tới tham dự. Giới quan sát cũng cho rằng ông Mirziyoyev sẽ nỗ lực để có được vị trí chính thức cho mình trong vai trò người đứng đầu đất nước.

Là tổng thống lâm thời và có thể sẽ kế nhiệm Karimov trong tương lai, ông Mirziyoyev sẽ gánh vác trên vai một loạt các vấn đề Uzbekistan đang phải đối mặt như nền kinh tế trì trệ, di cư ồ ạt và bóng đen bao phủ của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Nhưng đối ngoại mới là nhiệm vụ khó khăn nhất đối với ông Mirziyoyev khi phải điều phối mối quan hệ đầy phức tạp giữa Uzbekistan với các nước lớn như Nga, Mỹ và Trung Quốc, cũng như bốn nước láng giềng Trung Á – Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Turkmenistan. Trong đó Moscow, Bắc Kinh và Washington đang muốn chen chân nhằm giành ảnh hưởng trong khu vực.

“Moscow quan tâm nhiều về Trung Á hơn bất cứ ai khác,” Bakhti Nishanov, Phó Giám đốc nghiên cứu quan hệ Á Âu tại Viện Quốc tế Cộng hòa, nói với Foreign Policy. “Người Trung Quốc nhìn thấy nơi đây như một tụ điểm quan trọng về kinh tế, người Mỹ muốn ổn định khu vực, nhưng đối với người Nga, nó gần như là một phần thuộc về bản sắc”.

Ông Mirziyoyev không ngại ngần bày tỏ sự chào đón thân tình trong thời gian Tổng thống Nga Putin có chuyến thăm đến quốc gia này. Đáp lại, ông Putin đã cam kết sự hỗ trợ của mình đối với Uzbekistan và miêu tả Nga là đồng minh thân cận nhất đối với chính quyền Karimov. Ông không quên nhắn nhủ với nhà lãnh đạo tạm thời rằng ông có thể coi Moscow là một trong những “bạn bè đáng tin cậy nhất”.

Điện Kremlin và Karimov đã từng có một giai đoạn phức tạp và đầy khó khăn trong suốt 25 năm sau khi Liên Xô sụp đổ. Trong những năm 1990, Tashkent đã tỏ vẻ cảnh giác đối với Moscow và tìm cách để củng cố nền độc lập của riêng mình, thậm chí sau này Uzbekistan còn trở thành một đồng minh với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.

“Karimov đã làm rất tốt trong việc bảo đảm sự độc lập cho đất nước”, Paul Stronski, một chuyên gia Trung Á tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình nói với FP. “Tuy vậy nhà lãnh đạo tiếp theo sẽ tìm kiếm mối quan hệ với Nga hay phương Tây vẫn là một câu hỏi lớn”.

Mối quan hệ giữa Uzbekistan với Washington cũng đã có những lúc thăng trầm. Cả hai đã trở nên khăng khít khi Mỹ được phép sử dụng một căn cứ không quân tại quốc gia này để hỗ trợ vũ trang và quân lực phục vụ cho cuộc chiến diễn ra ở Afghanistan.

Quan hệ hai nước bị trật bánh sau chỉ trích của Washington về thảm sát Andijan, trong đó lực lượng an ninh Uzbek đã bắn chết nhiều người biểu tình không vũ trang vào năm 2005. Sau vụ việc, Tashkent đuổi Mỹ ra khỏi căn cứ không quân ở Uzbekistan và Tổng thống Putin đã nhanh chóng bù đắp lại quan hệ với chính quyền Karimov.

Với Trung Quốc, đây vẫn là thế lực kinh tế lớn nhất ở khu vực. Quốc gia này đã đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng để thúc đẩy dự án “Một vành đai, Một con đường”- phiên bản thế kỷ 21 của con đường tơ lụa với ý đồ kết nối từ Trung Quốc sang châu Âu qua các quốc gia Trung Á. Mặc dù vậy, vai trò chính trị, an ninh của Bắc Kinh tại nơi đây vẫn còn hạn hẹp.

Mỹ, trong khi đó, đã thu nhỏ đáng kể tầm ảnh hưởng ở Trung Á sau khi rút các hoạt động tại Afghanistan và đóng cửa các căn cứ không quân Mỹ ở Uzbekistan và láng giềng Kyrgyzstan .

Chỉ còn lại Moscow đang nổi lên như một ứng viên tiềm năng có thể vươn tỏa tầm ảnh hưởng của mình tại nơi đây. Trong thời gian qua Nga đã củng cố ảnh hưởng của mình ở Trung Á thông qua các tổ chức khu vực như Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, một khối quân sự trong đó có Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan là thành viên và Liên minh kinh tế Á-Âu, mà Kazakhstan và Kyrgyzstan đã gia nhập.

Cho đến nay Uzbekistan vẫn từ chối mọi lời mời tham gia các tổ chức nói trên từ ông Putin. Nhưng tình thế có thể trở nên khác biệt khi nhà lãnh đạo lâm thời Mirziyoyev đang hướng tới mối quan hệ gần gũi hơn với Moscow, một tín hiệu hứa hẹn sẽ tạo ảnh hưởng lớn đến tương lai của Uzbekistan.

“Người Nga đang có một chiến lược dài hơi ở Trung Á”, Nishanov nói. “Mirziyoyev chắc chắn là ứng cử viên ưa thích đối với điện Kremlin một khi ông ấy nằm trong hệ thống nhà nước hiện tại”.

Quan hệ với các nước láng giềng Trung Á của Uzbekistan cũng sẽ trở nên gần gũi hơn nhờ Mirziyoyev trong những tháng tới.

Nursultan Nazarbayev – Tổng thống Kazakhstan, và Almazbek Atambayev – Tổng thống Kyrgyzstan đã không đến dự tang lễ cấp nhà nước đối với cựu Tổng thống Karimov ở Samarkand do những bất đồng trước đó.

Cả hai nhà lãnh đạo Nazarbayev và Karimov đều từng cạnh tranh nhau cho vị thế đứng đầu khu vực trong một thời gian dài. Kazakhstan với trữ lượng dầu mỏ dồi dào đã nổi lên như một đất nước giàu có nhất Trung Á và trở thành mối lo ngại với Uzbekistan.

Quan hệ giữa Uzbekistan với Kyrgyzstan thậm chí còn nghiêm trọng hơn khi ông Karimov từng ngừng cung cấp khí đốt nhiều lần sang quốc gia láng giềng để gây áp lực lên nhà lãnh đạo Kyrgyzstan phải thay đổi chính sách.

Theo Stronski, giải bài toán quan hệ với các nước láng giềng sẽ là chìa khóa quyết định ai sẽ là tổng thống tiếp theo của Uzbekistan. Đây cũng là điều kiện cần và đủ để nhà lãnh đạo mới ghi dấu dấu ấn của mình đối với đất nước và để củng cố quyền lực.

Minh Vũ

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.