Nikkei khẳng định Ấn Độ là quốc gia có trách nhiệm hơn TQ về hàng hải; Ông Tập yêu cầu Nhật Bản cẩn trọng về vấn đề Biển Đông… là tin tức Biển Đông ngày 5/9.
Nikkei: Ấn Độ là quốc gia có trách nhiệm hơn TQ về hàng hải
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp mặt Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 3/9. (Ảnh AP.) |
Tờ Nikkei Asia của Nhật Bản đã có một bài viết dài nói về ý nghĩa chuyến thăm lần này của ông Modi và triển vọng hợp tác kinh tế cũng như quốc phòng trong tương lai giữa Ấn Độ và Việt Nam trong bối cảnh khu vực đang căng thẳng sau những động thái cứng rắn của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Modi và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, hai bên tái khẳng định sự ủng hộ “cho hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, thương mại trên biển; dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, như được phản ánh trong” Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Theo tờ Nikkei Asia, trong khi một mặt ông Modi cho thấy sự đồng thuận với Việt Nam trong việc hướng tới tuân thủ luật pháp quốc tế đối với các tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông; mặt khác ông cũng đảm bảo “vấn đề” mà Bắc Kinh không muốn nhắc tới ở G20 sẽ được Ấn Độ nêu ra.
Ông Tập yêu cầu Nhật Bản cẩn trọng về vấn đề Biển Đông
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức ở Hàng Châu. (Ảnh: Reuters) |
VnExpress dẫn nguồn Xinhua hôm 5/9 cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe rằng Tokyo cần “thể hiện sự cẩn trọng về lời nói và hành động” khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu, Trung Quốc.
Trước đó, ông Tập cũng đã có cuộc gặp song phương với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Người đứng đầu nước Mỹ cho biết cuộc gặp diễn ra “rất hữu ích”, tuy nhiên hai bên không thể xích lại gần nhau trong các chủ đề gai góc, trong đó có vấn đề căng thẳng ở Biển Đông.
Ông Obama kêu gọi Bắc Kinh thực hiện trách nhiệm pháp lý của mình trong các tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh Washington sẽ thực hiện cam kết với các đồng minh tại Đông Nam Á.
Tòa Trọng tài hôm 12/7 ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” do Trung Quốc đơn phương vẽ ra, bao phủ phần lớn diện tích Biển Đông. Trung Quốc khăng khăng không chấp nhận phán quyết của tòa, đẩy mạnh các hoạt động cải tạo, xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Trước các hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc, Nhật Bản đã tăng cường hợp tác an ninh với các nước Đông Nam Á, cam kết ủng hộ tự do hàng hải trên Biển Đông, và xem xét khả năng điều tàu tới tuần tra ở khu vực này.
Philippines rục rịch tăng ngân sách quốc phòng vì Biển Đông và khủng bố
Tổng thống Philippines Duterte (giữa) đang muốn tăng cường quốc phòng để đối phó các vấn đề nhức nhối từ khủng bố cũng như an ninh hàng hải. (Ảnh: Reuters) |
Báo Thanh niên dẫn nguồn Reuters cho biết Philippines đang lên kế hoạch tăng thêm 14% ngân sách quốc phòng vào năm sau nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố và tăng cường an ninh hàng hải trên Biển Đông. Số tiền trên dự kiến sẽ đầu tư vào việc mua máy bay và tàu mới.
Reuters dẫn nguồn một tài liệu nội bộ của Bộ Quốc phòng Philippines cho thấy, khoảng 130 tỉ peso (2,8 tỉ USD), tương đương 96% ngân sách đề xuất, sẽ được chi cho lực lượng vũ trang.
Việc thúc đẩy chi tiêu quân sự này phản ánh mối lo ngại của chính phủ Philippines xung quanh các động thái của Trung Quốc trong khu vực, đồng thời nhấn mạnh mục tiêu truy quét mạng lưới các tay súng Hồi giáo cực đoan Abu Sayyaf.
Philippines trước đó đã đề xuất khoản 335 nghìn tỉ peso (72 tỉ USD) cho ngân sách quốc gia năm 2017, và dự kiến trước năm nay sẽ được lưỡng viện quốc hội phê duyệt.
Philippines đang có kế hoạch cho hợp đồng cung cấp 2 khinh hạm cho hải quân, 3 hệ thống radar cho không quân nhằm tăng cường khả năng giám sát trên Biển Đông. Ngoài ra, một phần trong số ấy sẽ dùng để trả tiền mua 12 chiếc máy bay FA-50 do Hàn Quốc sản xuất, theo Reuters.
Trung Quốc phủ nhận xây đảo nhân tạo ở bãi cạn Scarborough
Các nghị sĩ và lính hải quân Philippines cắm cờ ở bãi cạn Scarborough hồi năm 1997. (Ảnh: AFP) |
Báo Thanh niên dẫn nguồn AFP cho hay Trung Quốc ngày 5.9 phủ nhận cáo buộc xây đảo nhân tạo ở bãi cạn Scarborough của Philippines, đồng thời cảnh cáo Manila không được thổi phồng tranh chấp lãnh thổ trên biển giữa hai nước.
“Phía Trung Quốc duy trì hoạt động tuần tra bằng tàu hải cảnh ở các vùng biển liên quan, nơi cũng có một số tàu đánh cá (của ngư dân Trung Quốc) và tình hình vẫn luôn là như thế, không có gì thay đổi”, bà Hoa Xuân Doanh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ.
Bà Doanh còn cảnh cáo Philippines không “thổi phồng” vấn đề làm phức tạp tình hình.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuần qua nói rằng ông nhận được thông tin tình báo “rất đáng lo ngại” cho thấy Trung Quốc đã gửi sà lan và tàu thuyền đến bãi cạn Scarborough và “có vẻ Bắc Kinh đã bắt đầu các hoạt động xây đảo nhân tạo ở bãi cạn này”.
Tổng thống Duterte cho biết ông sẽ chất vấn lãnh đạo Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Lào trong tuần này rằng: “Phải chăng Trung Quốc đang cải tạo đất cho kế hoạch xây đảo nhân tạo, bất chấp phán quyết của Tòa trọng tài?”. Tòa trọng tài trong phán quyết ngày 12.7.2016 đã bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Vietnam+ đưa tin cho biết Bộ Quốc phòng Philippines ngày 4/9 đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình trạng số lượng lớn tàu Trung Quốc xuất hiện ồ ạt tại khu vực gần bãi cạn Scarborough tại Biển Đông mà Philippines tuyên bố chủ quyền.
Chính quyền Philippines cũng đã yêu cầu Đại sứ Trung Quốc tại Manila giải thích về động thái này.
D.T (Tổng hợp)
2016-09-05 14:56:12
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/tin-tuc-tinh-hinh-bien-dong-moi-nhat-ngay-59-a257050.html