Sự sụp đổ tiềm năng của phiến quân đối lập ở Aleppo có thể khiến chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump điều hướng việc hậu thuẫn phe đối đối lập đi theo một mục tiêu khác.
Ông Trump đã thể hiện sự cởi mở với Nga trong mong muốn hợp tác chống lại khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) trong khi tỏ ra miễn cưỡng trong việc tiếp tục hậu thuẫn cho các nhóm nổi dậy Syria tìm kiếm một cuộc lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad.
Hình ảnh Aleppo ngày 29/11. |
Thế nhưng chính quyền sắp tới của Mỹ có thể sớm nhận ra rằng dù thế nào họ vẫn phải cần đến phiến quân cho nhiệm vụ mà ông Trump đã luôn ưu tiên trong chiến dịch tranh cử của mình: chống IS, thu hồi và kiểm soát lãnh thổ ở miền đông Syria và ngăn khủng bố quay trở lại.
Với việc quân chính phủ Syria và đồng minh giành nhiều thắng lợi trước phe đối lập ở Aleppo trong những ngày gần đây, các quan chức Nga hy vọng rằng công cuộc giải phóng thành phố cổ này sẽ hoàn thành trước ngày Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức hôm 20/1.
“Người Nga muốn hoàn thành trước khi Trump nắm lấy quyền lực”, một quan chức cấp cao trong liên minh quân sự của chính phủ Assad nói với Reuters hôm 29/11.
“Tất nhiên chúng tôi đang hy vọng điều này,” Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov nói với truyền thông Nga hôm 30/11 khi được hỏi về việc Aleppo sẽ được giải phóng vào cuối năm nay. “Chúng tôi cần phải đuổi những kẻ khủng bố rời khỏi đây giống như ở Mosul và Raqqa”.
Nga đang tìm cách để chính quyền Trump xác nhận Moscow có vai trò và trách nhiệm của một quyền lực lớn ở Syria, nhà phân tích Nga Dmitri Trenin cho hay.
“Nga về cơ bản đã theo đuổi một vị thế mà ở đó Moscow dự kiến sẽ cùng với Washington đóng vai trò chi phối chính trong một tiến trình ngoại giao ở Syria”, Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie ở Moscow, cho biết trong một cuộc họp báo hôm 30/11.
“Nga quan tâm đến việc tham gia của Mỹ trong cả tiến trình hòa bình Israel-Palestine và tham gia một số chiến dịch quân sự chung với IS”, Trenin nói.
Ông tiếp tục: “Cả hai chiến lược này sẽ đóng góp vào mục tiêu bao quát của Nga, đó là được đối xử như một cường quốc toàn cầu. Chỉ khi có được tầm ảnh hưởng quan trọng với các quyết định ở Trung Đông, một định nghĩa về quyền lực toàn cầu mới dành cho Moscow. Tất nhiên Nga chỉ có thể đạt được điều đó nếu có Mỹ đi cùng”.
Khả năng sụp đổ ở đông Aleppo có thể sẽ khiến chính quyền sắp tới của Mỹ phải đối mặt với tình huống khó xử ở Syria.
“Tôi nghĩ rằng có nguy cơ Aleppo sẽ thất thủ, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển tiếp tổng thống”, Melissa Dalton, một cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nói với Al-Monitor.
Sự sụp đổ ở Aleppo sẽ khiến ông Trump quyết định sử dụng phe đối lập ở Syria tập trung mục tiêu chống khủng bố. |
Khi chính phủ Assad và Iran cùng các đối tác đã tạo thành một liên minh vững chắc, một khi Aleppo sụp đổ, sẽ có quá ít sự lựa cho Washington trong các bước đi tiếp theo.
“Có một cách dành cho Mỹ, đó là cố gắng phản ứng lại, tiếp tục củng cố hỗ trợ cho quân nổi dậy và cố gắng đảo ngược thành quả”, Dalton tiếp tục. “Tuy nhiên điều này sẽ đòi hỏi một mức độ cao hơn nữa về cam kết quân sự, ủng hộ chính trị và cung cấp nguồn lực hậu thuẫn mạnh hơn nữa”.
Theo đó chính quyền của Donald Trump cơ bản có hai sự lựa chọn. Hoặc tăng gấp đôi phương pháp hiện hành, trong đó hỗ trợ quân nổi dậy trên mặt đất và tiếp tục không kích từ trên cao yểm trợ. Hoặc có thể gia tăng số lượng tham chiến của các lực lượng Mỹ. Nhưng về cơ bản Washington phải chấp nhận một điều rằng họ sẽ không thu được thành quả nào về chính trị.
Chính quyền của Trump sẽ sớm phải đối mặt với những thách thức tương tự mà Tổng thống Barack Obama và chính quyền của ông đang phải vật lộn ở Syria, bao gồm cả việc xác định liệu Mỹ cần phải hướng các lực lượng bản địa để lấy lại quyền kiểm soát lãnh thổ đang nằm trong tay các nhóm cực đoan Sunni hay không.
Chuyên gia Nicholas Heras từ Trung tâm an ninh Mỹ cho rằng nếu mọi thứ đi theo các suy đoán nói trên, ông Trump có thể sẽ biến đổi phe đối lập ở Syria trở thành một lực lượng bản địa chống khủng bố, thay vì đi theo mục tiêu lật đổ chính phủ Assad như trước.
Các quan chức Nga đã tổ chức cuộc họp với đại diện của các nhóm vũ trang đối lập ở Aleppo trong những ngày gần đây. Hai bên đã thảo luận một đề nghị, theo đó các chiến binh có quan hệ với al-Qaeda sẽ rời khỏi Aleppo để đổi lấy viện trợ và một lệnh ngừng bắn được ký kết, nhà phân tích Syria Chares Lister cho hay.
Trước đó Bộ Quốc phòng Nga ngày 29/11 cho biết khu vực phía đông thành phố Aleppo (Syria), nơi có 90.000 dân sinh sống, đã được giải phóng hoàn toàn bởi lực lượng quân đội Syria với sự hỗ trợ của Nga.
Quân đội Syria cũng đã giành quyền kiểm soát 12 quận tại phía đông Aleppo, đánh bật các tay súng thuộc nhóm khủng bố Mặt trận Al-Nusra khỏi hơn 3.000 tòa nhà.
Aleppo được coi là chiến trường cuối cùng giữa quân đội chính phủ Syria được Nga hỗ trợ với các nhóm khủng bố thánh chiến và phiến quân đối lập.
Giành lại kiểm soát Aleppo sẽ được coi là thắng lợi quan trọng nhất đối với chính quyền Tổng thống Assad kể từ khi nội chiến nổ ra ở quốc gia Trung Đông này năm 2011.
Quốc Vinh
2016-12-01 22:56:06