Năm 2016 đã gần kết thúc, nợ công tăng cao, sự cố fomosa, nhiều sếp ngân hàng “ngã ngựa” là những gam mầu tối khiến bức tranh kinh tế Việt Nam có phần ảm đạm.
1. TPP không được thông qua
Ngày 4/2, tại Auckland, New Zealand, bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đại diện Việt Nam đặt bút ký Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 nước tham gia là: Mỹ, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Đại diện 12 nước tham gia ký kết TPP tại Aucland – New Zealand |
Với việc sẽ gia nhập vào TPP Việt Nam kỳ vọng đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu và thay đổi cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn. Theo tính toán, TPP sẽ giúp cho GDP Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025; xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025.
Việc ông Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ đã khiến những nỗ lực tham gia vào TPP của Việt Nam có thể bị đổ bể. Rút khỏi TPP được xếp ở vị trí số 1 trong danh sách 6 “sắc lệnh” đầu tiên mà tân Tổng thống Donald Trump sẽ ban hành ngay sau ngày làm việc tại Nhà trắng 20/1/2017.
Tuy nhiên quan điểm của Chính phủ có TPP hay không thì Việt Nam vẫn hội nhập với kinh tế quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do FTA.
2. Nợ Chính phủ vượt trần
Báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp giữa năm, nợ của Chính phủ lần đầu được công bố vượt trần 50% GDP năm 2015. Cuối năm nay, tỷ lệ này tiếp tục tăng lên mức 53,2%, khiến Chính phủ phải xin Quốc hội nới trần nợ công giai đoạn 2016-2020 và được chấp thuận ở mức 54% GDP.
Ảnh minh họa |
Việc tăng vay nợ của Chính phủ năm 2016 chủ yếu nhằm bù đắp bội chi, trả nợ công, chi đầu tư phát triển cũng như bảo lãnh các tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước vay… Trong bối cảnh gánh nặng trả nợ gia tăng cùng với việc tái cơ cấu thời hạn vay, vấn đề kỷ luật chi tiêu, đầu tư được đặt ra mạnh mẽ nhằm đảm bảo an ninh, nguồn lực tài chính cho Việt Nam trung và dài hạn.
3. Hàng loạt “ông lớn” ngân hàng ngã ngựa
Đầu tháng 2/2016, bà Phí Thị Ong, nguyên Giám đốc Ngân Agribank, chi nhánh Trung tâm Sài Gòn bị bắt và khởi tố do Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Đến giữa tháng 3/2016, ông Phạm Quyết Thắng – nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng GPBank bị khởi tố về hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án gây thất thoát 5.500 tỷ đồng.
Gần đây nhất, ngày 9/12, ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc và bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) cũng bị bắt giữ và khởi tố do vi phạm pháp luật trong hoạt động tiền tệ ngân hàng.
4. Nhiều tập đoàn nhà nước thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng
Cuối tháng 8/2016, kiểm toán Nhà nước thông báo tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, trong đó có 5 tập đoàn, tổng công ty kinh doanh thua lỗ với tổng số tiền hơn 4.000 tỷ đồng.
Rất nhiều Tổng công ty, công ty nhà nước thua lỗ lớn, thậm chí phải dừng hoạt động trong thời gian vừa qua.
Điển hình các dự án của tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ là dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình do Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình – Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) qua 4 năm hoạt động, mỗi năm đã lỗ khoảng 2.000 tỷ đồng.
Nhà máy Đạm Ninh Bình phải ngừng hoạt động vì lỗ lớn |
Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) lỗ lũy kế gần 1.000 tỷ đồng, và hàng trăm tỷ đồng nợ khó đòi.
Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ của Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư 7.000 tỷ đồng nhưng đã phải tạm ngừng hoạt động.
5. Sự cố gây Formosa xả thải gây ô nhiễm biển miền Trung
Tháng 4/2016 hàng loạt cá chết dọc bờ biển miền Trung đã đánh dấu một thảm họa ô nhiễm môi trường chưa từng có tại Việt Nam. Lần đầu tiên cả hệ thống chính trị vào cuộc để tìm ra nguyên nhân gây ra sự cố cá chết hàng loạt trên 200km bờ biển từ Hà Tĩnh vào đến Thừa Thiên Huế.
Việc vi phạm gây hậu quả nặng nề đối với sản xuất và đời sống người dân, ước tính có khoảng 50.000 người bị ảnh hưởng trực tiếp và 176.334 người phụ thuộc. Lãnh đạo Formosa đã cúi đầu nhận lỗi và đưa ra con số bồi thường 500 triệu USD.
Vụ việc Formosa cũng làm dấy lên mối tương quan giữa việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định đến lúc buộc phải thay đổi tư duy phát triển, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
6. Số doanh nghiệp mới nhiều kỷ lục
Được Thủ tướng chọn là năm quốc gia khởi nghiệp, 2016 cũng chứng kiến làn sóng doanh nghiệp mới thành lập nhiều chưa từng có. Tính đến hết 11 tháng, số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy có xấp xỉ 102.000 doanh nghiệp mới thành lập, so với con số cả năm 2015 là hơn 94.700. Cùng với đó, cả nước có hơn 24.500 doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng gần 32% so với cùng kỳ.
7. Khoán xe công ở Bộ Tài chính
Trong tháng 9, Bộ Tài chính đã ban hành quyết định số 1997/QĐ-BTC về việc áp dụng chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công đối với các chức danh Thứ trưởng Bộ Tài chính, chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (Tổng cục trưởng và tương đương).
Mức khoán kinh phí đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hàng ngày được xác định theo công thức: Mức khoán đưa đón bằng đơn giá khoán nhân số km khoán nhân 2 lượt nhân số ngày làm việc của tháng.
Mức khoán cao nhất một Thứ trưởng nhận được cho khoảng cách 15 km là 9,9 triệu đồng, mức thấp nhất là 4 triệu đồng. Tổng cộng mức chi khoán 6 thứ trưởng của Bộ Tài chính khoảng 44 triệu đồng/tháng.
Sau hơn 2 tháng triển khai việc áp dụng chế độ khoán kinh phí sử dụng ôtô có những kết quả thành công, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng tiếp tục yêu cầu mở rộng diện khoán sang các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Cách khoán xe công lần đầu tiên này được dư luận xã hội đánh giá cao và bước đầu có hiệu quả trong thực hiện tiết kiệm sử dụng ngân sách Nhà nước.
Thủy Tiên (T/H)
2016-12-28 20:48:50
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/nhung-su-kien-kinh-te-noi-bat-nam-2016-a310980.html