Ngày hôm nay (17/5) đánh dấu 25 năm chính quyền Trung Quốc bắt cóc một đứa trẻ 6 tuổi người Tây Tạng, tên Gendun Choeki Nyima, và cha mẹ của nó tại một thị trấn hẻo lánh tại khu vực nóc nhà thế giới này. Họ đã bặt vô âm tín kể từ đó. Ngày nay, không ai ngoài chính quyền Trung Quốc biết được họ đang ở đâu, làm gì hoặc liệu họ có thể ra ngoài và được tận hưởng cuộc sống như một công dân tự do một lần nữa hay không.
Tuy vậy cả đứa trẻ, hiện sẽ ở độ tuổi 30 nếu vẫn còn sống, cùng các thành viên gia đình cậu đều không phạm phải bất kỳ tội danh nào. Tội duy nhất của cậu, chỉ là đã được một nhóm các Lạt ma Tây Tạng xác định là tái sinh của một nhà lãnh đạo tôn giáo hàng đầu, Đức Ban Thiền Lạt ma, một quyết định đã bị chính quyền Trung Quốc phản đối sau đó.
Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), sử dụng một quy trình khác thiếu tính xác thực và mang tính dàn dựng, để buộc một nhóm các lạt ma khác chỉ định một đứa trẻ khác cùng tuổi, Gyaltsen Norbu, là tái sinh chính thức của Ban Thiền Lạt ma đời trước.
Kể từ đó, ứng viên thứ hai cho vị trí Ban Thiền Lạt ma đã trở thành tâm điểm chính trong các cuộc diễu hành hàng năm ở Tây Tạng, theo kèm bởi cảnh sát, quan chức và các buổi lễ công khai lớn bao gồm hàng trăm tín đồ bị cưỡng chế nghe lệnh. Khi không góp mặt trong các sự kiện chính thức này, vị Ban Thiền Lạt Ma này về cơ bản sẽ bị quản thúc tại gia ở Bắc Kinh, không bao giờ được phép đi lại tự do ở bên ngoài hoặc giao lưu cởi mở với người xung quanh, theo Human Rights Watch.
Những nỗ lực biện minh cho một vụ cưỡng chế mất tích một đứa trẻ trải dài liên tục trong một phần tư thế kỷ của chính quyền Trung Quốc là rất lố bịch và vô cảm: Họ nói rằng Gendun Choeki Nyima đã được giấu bí mật ở đâu đó để “bảo đảm cho sự an toàn của chính cậu”. Sự thiếu tự do của Gyaltsen Norbu dường như chưa bao giờ được chính quyền Trung Quốc đặt dấu hỏi, có lẽ là vì họ cho rằng việc giam lỏng cậu ở Bắc Kinh là một điều phù hợp.
Tuy nhiên, theo truyền thống Tây Tạng, các Lạt ma tái sinh chân chính thường sẽ ghé thăm khắp mọi nơi, học tập trong nhiều tổ chức, và gặp gỡ nhiều Lạt ma để hấp thụ những giáo lý và lời truyền dạy vốn là trung tâm của vốn hiểu biết và tính chân thực tôn giáo của họ. Khi họ đến tuổi trưởng thành, họ có thể tự do gìn giữ hay rời bỏ các cam kết tôn giáo của mình, như vẫn xảy ra tương đối thường xuyên bên ngoài Tây Tạng.
Karmapa thứ 17, một Lạt ma cấp cao khác được chính quyền Trung Quốc công nhận vào những năm 1990, ít nhất đã được phép tiếp thụ một nền giáo dục tại tu viện của mình – một thử nghiệm đã tạo nên nỗi nhục nhã của chính quyền Trung Quốc khi ông trốn đi lưu vong vào năm 1999. Nhưng không có cơ hội nào như vậy đã được cấp cho vị Ban Thiền Lạt ma chính thức này, khi cậu ấy vẫn bị giam giữ trong một màn kịch tuyên truyền, một màn kịch nhằm “chứng tỏ cho thế giới thấy” chính quyền Trung Quốc đã đảm bảo quyền tự do tôn giáo cho người dân Tây Tạng.
Những vấn đề tiềm ẩn đằng sau hành vi vi phạm nhân quyền này tất nhiên là chính trị. Chính quyền Trung Quốc muốn kiểm soát tuyệt đối việc lựa chọn Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp theo, vì Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 hiện tại của dòng truyền thừa này là nhà lãnh đạo không thể phủ nhận của người dân Tây Tạng; ông hiện đã 85 tuổi và đang sống lưu vong ở miền bắc Ấn Độ. Hai cá nhân được chọn làm Ban Thiền Lạt ma đã bị chính phủ Trung Quốc hủy hoại cuộc đời chỉ đơn giản là để họ có thể tuyên bố một trong hai người đó là vị Lạt ma Tây Tạng có đủ thâm niên để chọn lọc một đứa trẻ nào đó theo ý của ĐCSTQ làm Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 15 khi Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện tại qua đời, chứ không phải một đứa trẻ được người Tây Tạng sống lưu vong chọn lựa.
Đức Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma là những nhân vật có quyền lực tâm linh tối cao ở chính phủ tôn giáo trước đây của Tây Tạng, được hưởng sự tôn kính trong cộng đồng người Tây Tạng vượt trên đa số các mối liên hệ khu vực và giáo phái khác. Hai nhân vật này được liên hệ với nhau bởi một thẩm quyền duy nhất trong quá trình chọn lựa (tìm kiếm hóa thân) và kèm cặp dạy bảo cho các hóa thân tái sinh kế tiếp của nhau. Sự đổ vỡ trong mối quan hệ đặc biệt này vào đầu thế kỷ 20 đã được lợi dụng bởi chính phủ Quốc dân Đảng, và một cách triệt để hơn bởi ĐCSTQ, để can thiệp và kiểm soát các vấn đề chính trị của Tây Tạng. Sau khi ĐCSTQ trực tiếp áp đặt vị thế cai trị vào những năm 1950, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã phải sống lưu vong ở Ấn Độ, cùng với khoảng 80.000 người tị nạn. Ít nhất 40.000 người Tây Tạng khác đã định cư lưu vong vào đầu những năm 1980.
Các chính phủ đôi lúc đóng một vai trò trong việc bổ nhiệm các giáo sĩ hàng đầu ở nước họ – ví dụ, hoàng gia Anh đã bổ nhiệm các giám mục nhà thờ chính phủ. Nhưng trong những trường hợp như vậy, vai trò của các chính phủ là xác nhận sự lựa chọn nhà lãnh đạo kế nghiệp của cộng đồng tôn giáo và bảo vệ mong muốn của các tín đồ.
Vai trò tôn giáo của chính quyền Trung Quốc ở Tây Tạng, cũng như ở các nơi khác trong nước, là hoàn toàn trái ngược: Nó đang cố gắng tích cực hạn chế tôn giáo ở Tây Tạng, ngăn cấm học sinh khỏi mọi tín ngưỡng tôn giáo, cấm các nhân viên chính phủ tiến hành các hoạt động tôn giáo ngay cả khi đã nghỉ hưu, và đòi hỏi các giáo lý tôn giáo phải được tái định nghĩa lại như là một phần của “chủ nghĩa Hán Hóa”. Trong khu vực chủ yếu được người Hồi giáo cư trú là Tân Cương, chính quyền Trung Quốc đã giam giữ hàng ngàn người sắc tộc Turk theo đạo Hồi, ví như người Duy Ngô Nhĩ, vì những hoạt động tín ngưỡng thông thường của họ.
Nếu chính phủ Trung Quốc muốn chứng tỏ rằng họ tôn trọng lợi ích của Phật tử Tây Tạng, những người thường coi Đạt Lai Lạt Ma là lãnh đạo tôn giáo và đại diện của họ, thì nó sẽ ngừng công khai xúc phạm ông. Chính quyền Trung Quốc sẽ tham gia đối thoại với ông, cho phép các cuộc thảo luận tự do giữa ông và các lạt ma Tây Tạng, thừa nhận những quyết định tuyển lựa các chức sắc tôn giáo của ông, và ngừng áp đặt việc Hán Hóa các giáo lý Phật giáo Tây Tạng, và thu hồi lại các nhóm quan chức mà họ đã cài vào các tu viện Tây Tạng.
Cho đến nay, nỗ lực của chính phủ nhằm giới thiệu ứng cử viên của mình trước nhân dân Tây Tạng đã thất bại: Mặc dù nhiều người dân Tây Tạng cảm thông trước những đau khổ mà Ban Thiền Lạt Ma đã phải hứng chịu qua nhiều năm, nhưng nhìn chung hầu như không thờ phụng trước ảnh cậu ta trừ khi bị ép buộc làm vậy. Đối với các tín đồ thông thường, chính phủ Trung Quốc đã hủy hoại uy tín của họ (nếu có) như một người phán xử các vấn đề tôn giáo thông qua việc lạm dụng không chỉ hai ứng cử viên, mà còn thông qua việc bôi nhọ chính danh hiệu tôn kính này.
Chính phủ Trung Quốc cần thể hiện sự tôn trọng đích thực đối với tôn giáo Tây Tạng, các tín đồ và các nhà lãnh đạo hiện tại của họ, bắt đầu với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nếu không thể làm vậy, với việc chính quyền Trung Quốc cưỡng chế ép buộc những thế thân vô tội vào các vị trí chức sắc tôn giáo ở Tây Tạng, thì sẽ không nhận được sự ủng hộ từ công chúng Tây Tạng hoặc những người khác quan tâm đến tự do tín ngưỡng ở đây. Hai Ban Thiền Lạt Ma và gia đình của họ, những người đã bị tước đoạt quyền cơ bản và lạm dụng trong suốt 25 năm, nên được thả tự do ngay lập tức.
Thế giới kêu gọi thả tự do cho Ban Thiền Lạt Ma
Để kỷ niệm năm thứ 25 Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 – Gedhun Choekyi Nyima – bị cưỡng chế mất tích, 15 nghị sĩ Thụy Sĩ và 16 nghị sĩ Cộng hòa Séc đã kêu gọi chính phủ Trung Quốc thả ông và gia đình. Cả nhóm Nghị viện Thụy Sĩ ủng hộ Tây Tạng (Swiss Parliament Group for Tibet) và nhóm Hỗ trợ Nghị viện Cộng hòa Séc ủng hộ Tây Tạng (Czech Parliamentary Support group for Tibet) đã ban hành các tuyên bố chung độc lập nhằm mục đích này, theo Phayal.
Bỉ, Mỹ, Litva và Anh gần đây đã cùng nhau thể hiện sự ủng hộ của họ đối với Ban Thiền Lạt ma. Tuần trước, 159 tổ chức đã đệ trình một bản kiến nghị chung tới Liên Hợp Quốc (LHQ), Geneva để buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm trước sự biến mất của vị Ban Thiền Lạt Ma này.
The post 25 năm sau khi bắt cóc Ban Thiền Lạt Ma Tây Tạng, Trung Quốc vẫn còn cách xa mục tiêu appeared first on Đại Kỷ Nguyên.