Để đảm bảo tiến độ học tập song song với công tác phòng ngừa dịch COVID-19, các trường học trên cả nước đều chuẩn bị nhiều biện pháp chăm sóc sức khỏe cho các em học sinh.
Thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin như học bạ điện tử, sổ liên lạc điện tử, các diễn đàn giáo dục, nhóm viber, zalo, các giáo viên cần hướng dẫn cụ thể phụ huynh, học sinh phải giữ vệ sinh như thế nào khi đến trường. Qua đó, các trường có thể thăm dò ý kiến đóng góp của phụ huynh, học sinh để áp dụng các giải pháp cụ thể, đồng thuận. Cụ thể, bắt đầu từ ngày 4/5, các em sẽ được đo thân nhiệt trước khi vào trường. Khi ngồi trong lớp, tất cả học sinh đều phải đeo khẩu trang. Một số nơi còn yêu cầu các em đeo nón che giọt bắn. Tuy nhiên, biện pháp này có thể gây hại cho sức khỏe các em, đặc biệt là đôi mắt.
Nón che giọt bắn chỉ có hiệu quả trong trường hợp mặt đối mặt, giao tiếp trực tiếp (như nhân viên giao dịch ở ngân hàng với khách hàng) chứ không có tác dụng nhiều với các em học sinh không ngồi yên một chỗ. Đôi khi các em đùa nghịch làm màn chắn bị vỡ, chọc vào da sẽ gây tai nạn ngoài ý muốn. Chưa kể miếng nhựa chắn không phải là nhựa trong suốt nên thị lực sẽ không đạt 100% khi các em ngồi học liên tục 4 tiết một buổi. Màn chắn có có chỗ thẳng, chỗ cong nên sẽ làm biến dạng hình ảnh, gây nhiễu xạ, khúc xạ. Nguyên nhân là chúng không truyền ánh sáng tự nhiên theo đường thẳng. Học sinh đeo dụng cụ này trong thời gian dài sẽ mắt làm mắt chịu căng thẳng, dần dà sẽ làm giảm thị lực tổng thể nói chung.
Các loại khẩu trang như: Khẩu trang y tế 3 lớp, khẩu trang 3M, khẩu trang y tế N95, khẩu trang vải….đều có tác dụng ngăn giọt bắn từ người xung quanh như ho, hắt hơi, nhầy mũi, khạc nhổ bám vào. Nếu cha mẹ không mua được khẩu trang y tế thì có thể mua cho con khẩu trang vải thông thường. Tuy nhiên, khẩu trang y tế (khẩu trang hoạt tính) chỉ dùng được một lần. Cha mẹ hãy nhớ nhắc con vứt đi khi đi học về. Còn khẩu trang vải có thể sử dụng nhiều lần nên cha mẹ cần phải chuẩn bị vài chiếc để giặt thường xuyên (ít nhất là 1 lần/ngày). Vì phải học trong lớp một thời gian dài, các em có thể cảm thấy bí thở nên kéo khẩu trang xuống. Hành động này không sai, các em có thể hít thở một lúc rồi đeo khẩu trang lại. Tránh trường hợp không thở được nhưng không dám kéo khẩu trang xuống, các em sẽ dễ bị ngất xỉu hoặc suy hô hấp. Theo các bác sĩ, người không quen đeo khẩu trang, trong khoảng 30 phút sẽ có cảm giác khó thở. Tuy nhiên, điều này sẽ được khắc phục nếu hít sâu, thở chậm để điều hoà nhịp thở. Cha mẹ cũng cần nhắc con không nên đeo khẩu trang chỉ để che miệng rồi thỉnh thoảng kéo xuống cằm, sẽ khiến khẩu trang mất tác dụng.
Biện pháp phòng bệnh tốt nhất và cũng giúp hình thành thói quen tốt cho các em là thường xuyên rửa tay với xà phòng, không đưa tay lên mắt, mũi, mồm. Cha mẹ nhớ nhắc con không được khạc nhổ, vứt rác bừa bãi ở trường, để sẵn một chai nước rửa tay khô vào ba lô cho con. Thầy cô cũng cần chuẩn bị sẵn nước rửa tay khô trong lớp để dùng trong trường hợp bất khả kháng. Ngoài những lúc đó, học sinh nên rửa tay với xà phòng và nước sạch. Tác nhân gây bệnh cho con người được bọc trong một lớp vỏ lipid hoặc lớp mỡ. Xà phòng giúp tiêu diệt lớp mỡ đó, khiến virus không có khả năng lây nhiễm cho các em. Nước rửa tay khô có nồng độ cồn lớn hơn 62% nên cũng có thể phá hủy các màng lipid này. Nhưng chúng không hiệu quả đối với các loại virus không có vỏ bọc như norovirus và rhovovirus (là những biến thể của cảm lạnh thông thường). Thêm vào đó, khi dùng nước rửa tay khô chúng ta không kỳ cọ tay tạo ra ma sát lớn để loại bỏ vi khuẩn như khi dùng xà phòng. Các em rửa tay bằng nước nóng hay nước lạnh đều được. Nhưng có một lưu ý nhỏ khác là rửa tay với nước không cũng không đủ sạch. Các chất có trong xà phòng giúp tách vi khuẩn ra khỏi da, mọi người còn có xu hướng cọ tay kỹ hơn để rửa chất nhờn. Để rửa tay đúng cách, các em cần dùng xà phòng và nước, chà trong ít nhất 20 giây theo các bước sau:
1: Làm ướt bàn tay, lấy 3 – 5ml dung dịch rửa tay hoặc chà bánh xà phòng lên lòng và mu hai bàn tay. Xoa hai lòng bàn tay vào nhau cho xà phòng dàn đều.
2: Đặt lòng và các ngón của bàn tay này lên mu bàn tay kia và chà sạch mu bàn tay và kẽ các ngón tay (từng bên).
3: Đặt lòng hai bàn tay vào nhau, chà sạch lòng bàn tay và kẽ ngón tay.
4: Móc hai bàn tay vào nhau và chà sạch khe các ngón tay, các ngón tay.
5: Dùng lòng bàn tay này xoay và chà sạch các ngón tay bàn tay kia và ngược lại.
6: Chụm đầu các ngón tay của bàn tay này và chà sạch đầu các ngón tay vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay dưới vòi nước, sau đó dùng khăn sạch thấm khô tay.
Ngoài các biện pháp nhắc nhở học sinh giữ gìn vệ sinh cá nhân, nhà trường cần chủ động đảm bảo môi trường học tập sạch sẽ cho các em. Trước và sau mỗi buổi học, nhà trường cần lau/xịt khuẩn nền nhà, mặt bàn ghế, tay nắm cửa, tay vịnh cầu thang, dụng cụ học tập. Tạm thời không bật điều hòa mà mở cửa sổ thông khí, tiếp nhận ánh sáng mặt trời. Cần bố trí nơi rửa tay, thùng rác thuận tiện cho học sinh và quy định người được ra vào trường trong điều kiện có dịch. Bố trí chia ca học cho các em (một nửa lớp học buổi sáng, một nửa học buổi chiều), sắp xếp chỗ ngồi cách xa nhau trong lớp học (mỗi người một bàn)…
Nhà trường cũng cần lưu ý đối với các buổi học thể dục cần vận động, trong khi học sinh phải bịt mặt vốn đã khiến việc hít thở không được bình thường, dễ gây thiếu khí cho các em.
Cha mẹ cũng cần theo dõi sát sao sức khỏe của con. Nếu thấy trẻ có dấu hiệu ốm sốt thì phải báo cáo lại với thầy cô chủ nhiệm và tốt nhất là không đưa con đến trường.
Minh Minh
Xem thêm:
The post Học sinh đeo khẩu trang, nón che giọt bắn lâu có thể hại sức khỏe appeared first on Trí Thức VN.
2020-05-15 11:13:05
Nguồn: https://trithucvn.net/doi-song/hoc-sinh-deo-khau-trang-non-che-giot-ban-lau-co-the-hai-suc-khoe.html