Kể từ khi phong trào phản đối Dự luật Dẫn độ bùng nổ đến nay, mức độ bạo lực của cảnh sát Hồng Kông khi thực thi pháp luật cũng được xã hội chú ý. Hôm thứ Năm tuần trước (7/5), một người đàn ông không phải gốc Hoa gây náo loạn tại Tiêm Sa Chủy, cảnh sát nói “sử dụng vũ lực thích đáng” để khống chế và bắt giữ người này, chỉ có điều sau khi đưa đến viện thì ngày hôm sau người này tử vong.
Theo Apple Daily đưa tin, sự việc xảy ra vào khoảng 5 giờ chiều ngày 7/5, người chứng kiến cho biết một người đàn ông gốc Nam Á cởi trần gây náo loạn ở khu vực bên ngoài nhà thờ Hồi giáo tại Tiêm Sa Chủy (Tsim Sha Tsui), rồi đi theo đường Nathan về hướng Bảo tàng Vũ trụ Hồng Kông, sau đó đột nhiên xô đổ một chiếc xe đạp điện đang dựng ở ven đường, rồi tiếp tục đi ra đường lớn đập vào xe cộ đang đi đường. Cảnh sát tuần tra nhìn thấy lập tức truy đuổi để chặn lại, và khống chế người đàn ông này.
Nhân chứng cho biết, khi đó có 3 cảnh sát đè người đàn ông gốc Nam Á này xuống đất, dùng đầu gối đè vào cổ, lưng và tay, vô cùng thô bạo. Có cảnh sát dùng dùi cui đánh vào tay người đàn ông này, yêu cầu người đàn ông này không được giãy giụa, đối phương cũng dừng phản kháng. Cảnh sát dùng đầu gối đè ông khoảng 5 – 7 phút, cho đến khi xe cứu thương đến hiện thường, thì ông đã bất tỉnh. Cũng có nhân chứng cho hay, khi cảnh sát dùng đầu gối đè vào chỗ hiểm ở cổ ông ta, dù ông ta hô “đau quá” “đừng bẻ tay” nhưng cảnh sát cũng không để ý, nhân chứng nghi ngờ cách làm của cảnh sát rất nguy hiểm. Nhân viên cứu hộ đến nơi thì nghi phạm đã không còn thở
Phía cảnh sát nói rằng theo báo cáo, người đàn ông không phải gốc Hoa này nồng nặc mùi rượu, dùng bình rượu thủy tinh phá hoại một chiếc xe cá nhân đang đi trên đường, trong lúc bị khống chế từng có phản kháng mạnh và giãy giụa. Nhân viên cảnh sát nhờ sự giúp đỡ của người đi đường, sử dụng “vũ lực thích hợp” để khống chế ông ta. Cảnh sát sau đó đưa ông ta lên xe cảnh sát để điều tra, lục soát trên người ông có 4 viên nghi là heroin, và bắt giữ ông vì liên quan đến tội phá hoại tài sản, tàng trữ ma túy và tấn công cảnh sát. Do người đàn ông này “sức khỏe không tốt”, nên đã gọi xe cứu hộ để đưa vào Bệnh viện Queen Elizabeth điều trị. Chiều ngày hôm sau (8/5), người đàn ông này được xác nhận đã tử vong. Vụ án giao cho Tổ trọng án Tổng khu Tây Cửu Long điều tra, cơ quan chức năng đã liên lạc với nhân chứng và kiểm tra hiện trường, sau đó sẽ tiến hành khám nghiệm tử thi.
Tuy nhiên, theo Stand News đưa tin, nhân viên y tế căn cứ vào ghi chép của bệnh viện thì phát hiện, khoảng 5:45 chiều, cảnh sát đã phát hiện người bị thương bất tỉnh trên xe cảnh sát, sau đó 10 phút thì nhân viên cơ quan cứu hỏa mới nhận được thông báo gọi xe cứu hộ. Nhân viên cứu hộ đến lúc 6:04 chiều, người bị thương đã không còn hô hấp và mạch đập nữa, cần cấp cứu tức thời. Theo ghi chép của xe cứu hộ và Cục quản lý y tế, nhân viên cứu hộ trước khi đến hiện trường, cảnh sát không hề tiến hành cấp cứu tim phổi cho người bị thương. Điều này có nghĩa là mất khoảng 19 phút từ lúc người đàn ông này bất tỉnh đến lúc xe cứu hộ đến hiện trường.
Stand News dẫn lời của nhân viên cứu hộ chỉ ra, cảnh sát thông thường đều phải biết cách thực hiện hồi sức tim phổi, có thể tiến hành làm cho người bị nạn trước khi xe cứu hộ đến hiện trường, cứ mỗi phút trì hoãn cấp cứu thì tỷ lệ tử vong tăng thêm 10%. Nhân viên y tế cho rằng sự việc có thể liên quan đến chậm trễ thực hiện cứu hộ, tuy nhiên nguyên nhân tử vong thực sự vẫn cần phải chờ pháp y xác nhận.
Phía cảnh sát hiện vẫn chưa lên tiếng về việc gọi xe cứu hộ khi nào, liệu có thực hiện cấp cứu tại hiện trường cho người bị thương hay không, và liệu có cảnh sát viên nào vì vụ việc này mà đình chỉ chức vụ, bị điều tra hay bị bắt không.
Cảnh sát nói dùng “vũ lực thích hợp”, Nghị viên Hội đồng lập pháp nghi ngờ cảnh sát chưa điều tra đã đưa ra kết luận
Trong thời gian diễn ra phong trào phản đối Dự luật Dẫn độ, cảnh sát Hồng Kông khi khống chế người biểu tình, cũng thường xuyên bị ghi lại cảnh dùng đầu gối đè lên cổ người biểu tình để đề phòng họ chạy thoát. Ông Mã Tuyên Lập, từng là pháp y, Phó giáo sư khoa Bệnh lý học thuộc Đại học Hồng Kông nói với Apple Daily rằng việc này gây ra thương tích nghiêm trọng, bao gồm khó thở dẫn đến tim ngừng đập, hoặc gây ra choáng váng khi não không đủ ô-xy, người bị thương nghiêm trọng có khả năng tắt thở tử vong.
Nghị viên Hội đồng Lập pháp Quách Gia Kỳ cho biết, sự kiện này là một bi kịch, nghi phạm bị đưa đến viện chưa đầy 48 giờ đồng hồ thì đã tử vong. Ông nghi ngờ cảnh sát chưa điều tra hoặc điều tra chưa có kết quả cuối cùng, nhưng vẫn nói đã dùng “vũ lực thích đáng” để khống chế nghi phạm, đây là chưa điều tra mà đã kết luận trước. Ông Quách Gia Kỳ nói, tài xế taxi Trần Huy Vượng từng bị cảnh sát bẻ cổ ra sau dẫn đến bị liệt và tử vong, năm ngoái được tòa phán quyết là bị giết hại phi pháp, do đó ông lên án cảnh sát không rút kinh nghiệm từ bài học này.
Luật sư, nghị viên Hội đồng Lập pháp thuộc Đảng Dân chủ Từ Cẩn Thân cho biết, cảnh sát khi vào làm việc đều trải qua huấn luyện cấp cứu, nếu nghi phạm bất tỉnh 10 phút mà không có biện pháp cấp cứu thì chắc chắn là thất trách vì phía cảnh sát có trách nhiệm bảo vệ an toàn cho nghi phạm bị bắt giữ. Ông cũng cho biết, nhìn vào tình hình tại hiện trường, nhân viên cảnh sát ngoài việc không làm tròn trách nhiệm ra, còn có khả năng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trí Đạt
Xem thêm:
The post Hồng Kông: Một người đàn ông tử vong sau khi bị cảnh sát khống chế appeared first on Trí Thức VN.
2020-05-15 11:13:05