Các học giả cảnh báo, số người tự sát vì khó khăn kinh tế có thể vượt quá số người chết vì dịch Covid-19 ở Thái Lan, theo một bài viết đăng trên The Diplomat ngày 11/5.
Vào cuối tháng Tư, bà Anyakan được cấp cứu ở một bệnh viện ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, sau khi bà nuốt thuốc diệt chuột trước Bộ tài chính để phản đối việc thiếu tiền viện trợ. Bà tuyệt vọng và thấy mình rơi vào đường cùng sau khi bị chính quyền từ chối không cho bà vay 5.000 baht (khoảng 154 USD) vào một trong những tuần khó khăn nhất của cuộc đời bà do đại dịch Covid-19.
Sau khi nhập viện, bà được dại diện cơ quan nhà nước đến thăm và họ hứa sẽ chuyển tiền cho bà sớm ngay khi có thể.
Việc cố tự sát của người phụ nữ nói trên là một phần xu hướng đáng lo ngại, vì sự suy thoái kinh tế do virus corona gây ra đang khiến ngày càng nhiều người Thái rơi vào tuyệt vọng.
Các phương tiện truyền thông địa phương đã công bố những trường hợp đáng buồn trong những tuần gần đây, chẳng hạn như câu chuyện về Irada, mẹ của hai đứa trẻ ở Maha Sarakham, một tỉnh ở phía đông bắc của đất nước, đã treo cổ tự tử vào ngày 21/4 sau khi gặp vấn đề trong việc nuôi hai đứa con nhỏ.
Irada kiếm sống bằng việc đẩy xe sữa chua đi bán dạo. Bà đã lâm vào tình cảnh khó khăn ngay cả trước khi lệnh hạn chế di chuyển được áp đặt để ngăn chặn sự lây lan của virus khiến bà không có khách hàng.
Trước đó, là trường hợp của một ông bố 41 tuổi, người này cũng tự tước đoạt cuộc sống của mình, cô con gái 5 tuổi của anh ta cũng đã chết. Cảnh sát tìm thấy thi thể của họ trôi trên sông Pa Sak ở Ayutthaya, phía bắc Bangkok.
Những cư dân nói với cảnh sát rằng, người cha thất nghiệp và không thể kiếm nổi công ăn việc làm. Một nhân chứng cho biết ông nghe thấy người cha nhảy xuống nước trước, sau đó bé gái đang khóc cũng nhảy theo cha.
Thái Lan nổi tiếng vì là một trong những quốc gia có tỷ lệ bất bình đẳng giàu nghèo cao nhất thế giới, và là một trong những quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất ở Đông Nam Á. Trên thực tế, tự tử đứng thứ hai trong số các nguyên nhân gây tử vong không tự nhiên ở nước này, sau tại nạn giao thông và là nguyên nhân phổ biến hơn cả giết người, theo chính phủ.
Một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới dựa trên dữ liệu năm 2016, đã liệt kê Thái Lan có tỷ lệ tự tử hàng năm cao thứ 32 trên thế giới, bình quân 14,4 vụ tự tử trên 100.000 dân, tương đương với 10.000 người chết vì tự tử mỗi năm. Thái Lan có nhiều vụ tự tử tính trên đầu người cao hơn bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào khác. Tỷ lệ tự tử cao thứ hai là Myanmar với 9,5 vụ tự tử trên 100.000 dân.
Đại dịch Covid-19, và sự tàn phá kinh tế đi kèm, đã làm tình hình trở nên tồi tệ hơn. Vào tháng Tư, một nhóm học giả kêu gọi chính phủ Thái Lan việc viện trợ tài chính cần được bao quát hơn. Họ cho rằng việc mất việc làm và đóng cửa các doanh nghiệp đã khiến nhiều người Thái tuyệt vọng.
Học giả Atthajak Sattayanurak thuộc Khoa Nhân văn và Somchai Preechasilpakul, phó giáo sư luật hiến pháp thuộc Đại học Chiang Mai, cùng Prapas Pintobtaeng, giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn, đã nghiên cứu các vụ tự tử khắp Thái Lan một vài tuần sau khi chính phủ áp dụng các biện pháp khẩn cấp để chống lại sự lây lan của virus corona, vào cuối tháng Ba.
Dựa trên kết quả nghiên cứu, tính đến cuối tháng 4, đã có ít nhất 38 vụ tự tử liên quan đến đóng cửa và mất việc làm trong khủng hoảng. Trong số đó, 28 người đã chết.
Các học giả cảnh báo rằng số trường hợp tự tử do hậu quả của kinh tế thậm chí có thể vượt quá số ca tử vong do virus corona nếu chính phủ không phản ứng nhanh.
Theo The Diplomat
Triệu Hằng dịch và biên tập
The post Thái Lan: Tự sát vì khó khăn kinh tế có thể vượt tử vong do dịch Covid-19 appeared first on Đại Kỷ Nguyên.
2020-05-17 21:13:04