Có bài thơ rằng:
“Sông Đằng một dải dài ghê
Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông
Những người bất nghĩa tiêu vong
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”
(Bạch Đằng Giang Phú – Trương Hán Siêu)
Lịch sử như dòng sông dài cuốn đi trong lớp sóng của nó bao nhiêu sự tích, chiến công, thành bại của cả một dân tộc. Thế kỷ 21 hiện đại với quá nhiều thú vui và dục vọng, mấy ai còn lưu tâm đến những huy hoàng của quá khứ, những tinh hoa của cổ nhân hay những bài học sâu sắc từ ngàn xưa?
Việt Nam 4.000 năm văn hiến với nhiều triều đại kiệt xuất thấm đẫm văn hóa Phật Đạo Thần đã đem đến cho dải đất xinh đẹp này biết bao nhiêu kỳ tích và truyền kỳ vẫn còn rọi sáng đến tận hôm nay. Chúng tôi tiến hành loạt bài viết về lịch sử Việt Nam mong muốn đem đến cho quý độc giả một góc nhìn mới về sử Việt, chính là ôn cũ biết mới, ngẫm chuyện xưa nhìn chuyện nay, tự đúc rút cho mình những trải nghiệm riêng.
Thủy quân Tây Sơn tinh nhuệ, thiện chiến, được đánh giá ngang với các hạm đội phương Tây hùng mạnh lúc bấy giờ. Loạt bài này sẽ cùng bạn đọc khám phá những câu chuyện chưa từng kể xung quanh hạm đội Tây Sơn và Đô đốc Quang Trung Nguyễn Huệ.
Kể từ khi Hải tặc Viking xuất hiện khuấy đảo thế giới bằng các hải đoàn hùng mạnh đã đánh dấu cho sự ra đời của một lực lượng khó đối phó nhất trên thế giới: Cướp biển. Nạn cướp này đã hoành hành khắp nơi trên thế giới và lên thành đỉnh điểm từ thế kỷ 18, song song với công cuộc khai phá và thực dân hóa của các đế quốc hàng hải Âu châu khi mà thương mại đường biển phát triển nhộn nhịp.
Với vị trí nằm trên hải lộ quốc tế “con đường gia vị” huyền thoại, Việt Nam cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Đó cũng là một trong những lý do chứng kiến cho sự ra đời của một hoàng đế lẫy lừng, cũng là một chúa tể hải tặc khét tiếng châu Á suốt một thời gian dài: Quang Trung Nguyễn Huệ. Thậm chí ngay cả khi nhà Tây Sơn đã mất, thì các thủ hạ của ông vẫn còn làm khiếp sợ tất cả các quốc gia châu Á với những tập đoàn cướp biển hùng mạnh do mình tạo nên.
Xây dựng hải quân làm xương sống
Không giống các vị hoàng đế truyền thống khác của Việt Nam chỉ xây dựng lục quân mà ít chú ý hải quân, Nguyễn Huệ xây dựng quân đội lấy hải quân làm xương sống. Tư duy của ông quả thật đi trước thời đại rất xa, khi mà chỉ đến thế kỷ 20 ta mới thấy một lực lượng hải quân xưng bá thế giới như quân đội Mỹ. Hãy tìm hiểu xem cách Nguyễn Huệ xây dựng hải quân như thế nào.
Lợi thế địa lý, dân cư
Các tỉnh Trung Bộ Việt Nam với địa hình bờ biển dài và hẹp chính là được trời phú cho sự phát triển của kinh tế biển và dĩ nhiên là lực lượng hải quân. Các dân tộc sống cạnh biển này là nguồn cung cấp quân lực tuyệt vời cho hải quân. Quân Chăm Pa trong suốt lịch sử của mình hầu như chủ yếu tất công Đại Việt bằng hải quân và có nhiều lần đã thành công, điển hình là lần tiến quân vào tận Thăng Long vào đời nhà Trần do Chế Bồng Nga chỉ huy.
Là một lực lượng quật khởi từ miền Trung, nhà Tây Sơn tuyệt đối hiểu rõ tầm quan trọng của quân chủng này nên đã ra sức đầu tư xây dựng nó lớn mạnh, vừa để tăng sức cơ động, vừa chống lại thủy quân của hai nhà Trịnh, Nguyễn. Các hải cảng nước sâu, dân chúng thạo nghề biển cũng như việc giao thương quốc tế thịnh vượng ngay trên hải lộ nổi tiếng “Con đường gia vị” đã từng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho nước Chăm Pa khi xưa phồn thịnh một thời.
Trong “Vương quốc Champa, địa dư, dân cư và lịch sử”, P-B Lafont nhận xét rằng:
“Phải nói rằng ngành thương mại hàng hải đã đem lại cho Champa một nguồn tư lợi vô cùng lớn lao, bởi vì các tàu bè quốc tế phải dừng chân tại bờ bể của vương quốc này để tiếp tế lương thực và nhất là Champa có nhiều hải cảng nổi tiếng như Turan (Ðà Nẵng hiện nay), Kam-ran (Cam Ranh), Sri Banoy (hải cảng của Vijayapura trong vịnh Qui Nhơn hiện nay), Malithit (Phan Thiết)… Và các vị vua đầu tiên của Champa đã từng hưởng nền trù phú của ngành thương mại này là triều đại của Indrapura (Ðồng Dương) mà các tư liệu khảo cổ học đã từng chứng minh.
Kể từ đó, Champa trở thành một quốc gia hùng mạnh về ngành hàng hải. Năm 1177, hạm đội Champa đã chuyên chở nguyên đoàn quân của mình để đánh phá Angkor và vào năm 1203, có hơn hai trăm chiếc tàu buồm đã tháp tùng vị vua Champa đóng đô ở Vijaya để vượt biên lánh nạn (Việt Sử Lược III). Lực lượng hàng hải này cấu thành những đơn vị hải quân đã giúp vương quốc Champa gia tăng mạnh mẽ ngành trao đổi thương mại của mình với Trung Hoa, Ấn Ðộ và các nước Trung Ðông chuyên về nghề buôn bán các sản phẩm”.
Đến khi nhà Tây Sơn quật khởi, với nhãn quan quân sự xuất sắc của mình, Nguyễn Huệ chắc chắn phải tận dụng những lợi điểm này để phát triển quân lực Tây Sơn. Lực lượng của ông có nhiều nét tương đồng với đoàn hùng binh của Chế Bồng Nga khi xưa. Điều này cũng không có gì lạ khi mà một trong những nữ tướng quân đầu tiên của quân Tây Sơn lại là nữ vương Chăm Pa, tục gọi bà chúa Hỏa. Đây là kết quả của một kế sách khôn khéo của anh em Tây Sơn và vai trò đắc lực của Nguyễn Lữ, lúc bấy giờ là đệ tử theo Bà Chúa Hỏa tu theo Minh Giáo (thờ Lửa) và rất có uy tín với sắc dân Chăm Pa. Đó cũng là nền tảng để sau này Nguyễn Huệ phát triển hải quân Tây Sơn.
Sử chép, một bộ phận người Chăm tại trấn Thuận Thành (nay thuộc tỉnh Bình Thuận) do Kế Pù Tá đứng đầu ủng hộ và tham gia phong trào Tây Sơn từ rất sớm thì ở một địa bàn khác là động Thạch Thành (nay thuộc huyện Sơn Hòa và Sơn Thành, tỉnh Phú Yên) bà chúa Hỏa cũng đem toàn bộ lực lượng của mình gia nhập nghĩa quân khi anh em Tây Sơn phất cờ