Theo NTD, miền nam Trung Quốc mưa lớn thành họa, lũ lụt tiếp tục lan rộng. Cùng thời điểm này, Bắc Kinh đã thất thủ trước làn sóng mới của đại dịch viêm phổi Vũ Hán. Có bộ phận truyền thông đã lần theo hành tung các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và phát hiện hành tung của 7 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị có điều khác lạ, qua đó nghi ngờ rằng tất cả đều đã rời Bắc Kinh để tránh dịch.
Kể từ đầu tháng 6 đến nay, miền nam Trung Quốc mưa lũ không ngừng. Từ ngày 22 đến ngày 23/6, sông Kỳ Giang ở Trùng Khánh đã phải hứng chịu đỉnh lũ lịch sử lớn nhất trong hơn 80 năm qua, tạo thành thiệt hại nghiêm trọng, người dân bị nạn từ 40.000 người theo thống kê sơ bộ ban đầu đã tăng lên tới 210.000 người chỉ sau một ngày. Tỉnh Quý Châu mưa lớn khiến đường phố biến thành thác nước, 6 quận bị ngập nặng, đường sá một số nơi nước đọng cao hơn 4 mét, gây thiệt hại to lớn về người và của.
Theo nghiên cứu và kết luận của “Trụ sở phòng chống lụt bão và hạn hán quốc gia ĐCSTQ” và “cơ quan chỉ huy phòng chống lụt bão và hạn hán” ở Trùng Khánh và Quý Châu, trận mưa lớn tiếp theo có thể gây ra lũ quét và sạt lở núi trên phạm vi rộng.
Cục Khí tượng Trung ương dự đoán mưa lớn sẽ tiếp tục ở trung du và hạ du sông Trường Giang trong 5 ngày tới. Bộ Thủy lợi cho hay, hiện đã có 198 con sông ở 16 tỉnh và khu tự trị đã xuất hiện dòng lũ vượt mức báo động. Dự kiến vùng trung du và hạ du sông Trường Giang có thể sẽ phát sinh lũ lụt nghiêm trọng. Các nơi ở Hồ Bắc cần tập trung nâng cao cảnh giác về an toàn của hồ chứa nước, đề phòng lũ đột ngột đổ về.
Trong khi lũ lụt ở miền nam Trung Quốc tiếp tục mở rộng, thì miền bắc Trung Quốc kể từ ngày 11/6, làn sóng dịch bệnh thứ hai ở Bắc Kinh đã xuất hiện trở lại và đang cho thấy xu hướng không thể kiểm soát. Tất cả cộng đồng dân cư ở Bắc Kinh đã thực hiện “quản lý khép kín một cách chặt chẽ”, người ở địa khu rủi ro lây nhiễm cao không được rời khỏi Bắc Kinh, các tuyến xe đường dài đã ngưng hoạt động.
Từ nguồn tin thu thập được về tình hình dịch bệnh ở Bắc Kinh cho thấy tình hình dịch bệnh khá nghiêm trọng. ĐCSTQ đang làm sự chuẩn bị cho làn sóng bùng phát dịch trên diện rộng lần này, như gấp rút xây dựng thêm bệnh viện dã chiến và mau chóng lập nên các phòng xét nghiệm axit nucleic.
Nhưng hiện tại, dịch bệnh ở Bắc Kinh đã lan sang nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc.
Dịch bệnh chưa qua, mưa lũ lại đến; Tập – Lý đã đi đâu?
Theo một bài viết đặc biệt được đăng trên trang “Apple Daily” của Hồng Kông vào ngày 24/6 có tiêu đề: “Dịch bệnh chưa qua, mưa lũ lại đến; Tập – Lý đã đi đâu?”.
Bài viết nói rằng trên khắp đất nước Trung Quốc thiên tai nhân họa không ngừng, đầu tiên là bởi ĐCSTQ che giấu dịch bệnh, khiến dịch bệnh bùng phát toàn cầu, tiếp đó là nạn châu chấu ở vùng đông bắc Trung Quốc, vụ nổ xe bồn chở dầu ở thành phố Ôn Lĩnh, Chiết Giang, làn sóng dịch bệnh thứ hai bùng phát ở Bắc Kinh, xung đột đổ máu nghiêm trọng nhất trong hơn 45 trở lại đây tại biên giới Trung Quốc – Ấn Độ.
Lũ lụt ở các tỉnh miền nam Trung Quốc xuất hiện từ đầu tháng 6 đến nay với tính hình ngày càng nghiêm trọng, nhưng lại không thấy các nhà lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ đến các nơi đang phải hứng chịu thảm họa để an ủi người dân, tiếp sức cho nhân viên cứu hộ đang chống chọi với thảm họa ở tuyến đầu. Ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường mấy ngày này rốt cuộc đã đi đâu?
Nhìn từ các báo cáo của phương tiện truyền thông đảng, từ sau ngày 11/6 sau khi Bắc Kinh công bố các ca lây nhiễm mới, tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, các quan chức cấp cao của ĐCSTQ đã rất hiếm khi hoạt động một cách công khai.
Ngày 2/6, ông Tập Cận Bình đã tham gia một cuộc thảo luận với các chuyên gia và học giả ở Bắc Kinh, từ ngày 8 đến ngày 10/6 đi khảo sát ở Ninh Hạ. Sau đó vào tối ngày 17/6, ông đã tham gia Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-châu Phi qua video và Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-châu u lần thứ 22 qua video, nhưng không lộ diện một cách công khai.
Mặc dù mưa lớn ở 10 tỉnh dọc theo sông Trường Giang đã được truyền ra và 600 triệu người đang phải đứng trước nguy cơ đập Tam Hiệp sẽ vỡ bất cứ lúc nào, ông Tập Cận Bình cũng chỉ khen ngợi các tập thể và cá nhân có biểu hiện xuất sắc trong công tác phòng chống dịch thông qua video, nhưng lại không có biểu đạt gì về thảm họa lũ lụt ở miền nam.
Về phần ông Lý Khắc Cường, từ ngày 1 đến ngày 2/6 ông đã đến thăm Yên Đài và Thanh Đảo ở tỉnh Sơn Đông. Ngày 15/6, ông xuất hiện công khai để tham dự nghi lễ “Hội chợ xuất nhập khẩu Trung Quốc” tổ chức ở Bắc Kinh. Hội nghị còn lại ông đều họp qua video, không xuất hiện trước công chúng.
Hãy xem bản tin thời sự của đài truyền hình trung ương CCTV được phát sóng vào ngày 23/6. Trong chương trình dài 35 phút ấy, phần lớn thời lượng đều báo cáo về các cuộc họp qua video của ông Tập Cận Bình với các nhà lãnh đạo Liên minh Châu u, sự kiện phóng vệ tinh Bắc Đẩu và công tác kiểm soát dịch. Còn báo cáo liên quan đến lũ lụt lịch sử ở miền Nam chỉ vỏn vẹn có 1 phút với nội dung là tình hình dọn dẹp của địa phương sau mưa lũ.
Trang “Appledaily” trích dẫn bình luận của chuyên gia, nói rằng hiện nay Trung Quốc cả trong lẫn ngoài đều đang trong thời buổi rối ren, Bắc Kinh, vốn được xem là trung tâm quyền lực đầu não quốc gia dịch bệnh bùng phát. Phía nam lũ lụt không ngừng lan rộng. Thân là người lãnh đạo quốc gia thì càng phải công khai lộ diện nhiều hơn để ổn định đại cục và trấn an lòng dân. Tuy nhiên, ngoài Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường ra, 5 thành viên còn lại của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ cũng có hành tung bất thường.
7 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đã đi đâu?
Ông Chung Nguyên (Zhong Yuan), chuyên gia phân tích bình luận chính sự của trang Epoch Times đăng tải bài viết, nói rằng Bắc Kinh sau khi bùng phát dịch bệnh, giới quan chức cấp cao của ĐCSTQ bắt đầu lạc khỏi tầm mắt của mọi người. 7 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị có thể đều đã rời khỏi Bắc Kinh để tránh dịch. Trong trường hợp bất đắc dĩ lắm, họ mới cá biệt về lại Bắc Kinh lộ diện đôi chút.
Ngoại trừ Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường ra, hai Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khác là Uông Dương và Lật Chiến Thư, không thể thoát thân, phải đeo khẩu trang để tham dự các phiên họp của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc. Ông Vương Hộ Ninh chỉ tham gia 2 Hội nghị qua video và không xuất hiện trước công chúng. Ngày 12/6, ông Hàn Chính đã chủ trì Hội nghị nhóm lãnh đạo công tác Thế vận hội mùa đông, sau đó không thấy xuất hiện nữa. Ông Triệu Lạc Tế không có hoạt động báo cáo nào trong tháng 6.
Bài báo cho biết kể từ tháng 6, các phương tiện truyền thông của đảng đã không công bố báo cáo về các cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, điều này cũng rất bất thường. Hiện tại, ĐCSTQ đang phải đối mặt với một loạt các vấn đề bên trong lẫn bên ngoài, rất cần 7 thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị thường xuyên ngồi lại với nhau để thảo luận đối sách, và thậm chí có những phiên họp của Bộ Chính trị cần đến 25 quan chức cấp cao ngồi lại thảo luận với nhau. Cũng có khả năng các cuộc họp như vậy đã được tổ chức nhiều lần, nhưng tiến hành thông qua video, vậy nên không thể báo cáo.
Một khi báo cáo, sự thật về giới lãnh đạo cấp cao ĐCSTQ không ở Bắc Kinh sẽ bị phơi bày ngay tức khắc. Các hoạt động công khai của 7 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ đã giảm thiểu một cách đáng kể, không thể không khiến người ta nghi ngờ rằng rất có thể đã có người bị lây nhiễm, và giữa họ cũng tránh tiếp xúc với nhau.
Khiến người ta chú ý nhiều nhất chính là ông Triệu Lạc Tế, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương. Kể từ khi kết thúc “Lưỡng hội” ĐCSTQ đến nay, các phương tiện truyền thông ĐCSTQ đã không đưa tin về ông Triệu Lạc Tế. Điều này rất bất thường. Tất nhiên đây cũng chỉ là một loại phỏng đoán. Rất có khả năng vì để bác bỏ tin đồn, ông Triệu Lạc Tế sẽ phải xuất hiện, nhưng rất khó.
Bài viết nói rằng ông Triệu Lạc Tế rất có thể đã rời khỏi Bắc Kinh. Nếu hiện giờ mượn dùng phương thức điều tra, khảo sát vùng khác để hiện thân, điều đó cũng bằng như xác nhận rằng giới chức cao tầng của ĐCSTQ đã rời khỏi Bắc Kinh, ảnh hưởng tạo thành rất khó đoán trước được. Nếu ông Triệu Lạc Tế cố tình làm một chuyến quay trở lại Bắc Kinh để xuất hiện công khai trước công chúng, làm thế thật quá mạo hiểm. Tất nhiên ông thừa hiểu tình hình dịch bệnh ở Bắc Kinh nghiêm trọng hơn thông báo từ phía chính quyền rất nhiều, bản thân vốn không bị nhiễm bệnh, sau khi trở về Bắc Kinh không chừng lại bị lây nhiễm thì rất nguy.
Hành tung của giới chức cao tầng ĐCSTQ thực sự đã dấy lên những đồn đoán liên tục từ giới quan sát bên ngoài. Dù cho giới chức cao tầng ĐCSTQ có ai bị nhiễm bệnh hay không, qua hành tung của các quan chức này cũng đủ thấy dịch bệnh ở Bắc Kinh phức tạp hơn nhiều so với những gì mọi người được biết.
Theo Dai Ming, NTDTV.com
Vũ Dương biên dịch
The post Lũ lụt, dịch bệnh ngoài tầm kiểm soát, 7 Ủy viên Thường vụ ĐCSTQ rốt cuộc đã đi đâu? appeared first on Đại Kỷ Nguyên.