Một mạng lưới giám sát thông tin chiến lược đã được Trung Quốc bí mật xây dựng trên Biển Đông, khu vực gần đảo Hải Nam. Dưới lớp vỏ hệ thống giám sát môi trường biển, mạng lưới giám sát đa thiết bị này tiềm ẩn mục đích quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc.
Trong nhiều năm Trung Quốc đã triển khai một mạng lưới các thiết bị cảm biến và liên lạc giữa đảo Hải Nam của Trung Quốc và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam – eo biển Quỳnh Châu. Mạng lưới thiết bị này là một phần của “Mạng lưới Thông tin Đại dương Xanh” – còn gọi là Lam Hải Tin Tức – được phát triển bởi Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETC), một doanh nghiệp nhà nước, với mục đích bề mặt là hỗ trợ việc thăm dò và kiểm soát môi trường hàng hải thông qua công nghệ thông tin, theo thông tin từ Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á AMTI, một tổ chức có trụ sở tại Mỹ chuyên nghiên cứu các vấn đề tranh chấp biển đảo ở khu vực Biển Đông.
Được thiết lập tại phía Bắc Biển Đông trong giai đoạn đầu năm 2016 đến 2019, mạng lưới thông tin này hiện mới chỉ là một nguyên mẫu thử nghiệm. Tuy nhiên, trong tương lai dự án Lam Hải Tin Tức sẽ mở rộng mạng lưới cảm biến và liên lạc đến các khu vực còn lại của Biển Đông, Biển Hoa Đông và các vùng biển khác cách xa lãnh thổ Trung Quốc. Mặc dù Lam Hải Tin Tức bề mặt là một hệ thống giám sát môi trường, nhưng các ứng dụng quân sự tiềm tàng trong cảm biến và thông tin liên lạc của nó khiến việc giám sát sự tiến triển của nó trở nên rất quan trọng, theo nhận định của tổ chức AMTI.
Hai cấu trúc nổi bật nhất của mạng lưới này là hai loại “trạm điện tử đại dương”, gồm “Trạm Thông tin Tích hợp Nổi (IIFP) (gọi tắt là Ụ thông tin Nổi) ” và “Trạm Thông tin Tích hợp cố định gắn trên Đảo san hô (IRBIS) (gọi tắt là Ụ thông tin cố định)”.
Trung Quốc triển khai Ụ nổi và Ụ cố định
Sử dụng ảnh chụp vệ tinh, AMTI cho biết kể từ hồi đầu tháng, Tập đoàn CETC đã triển khai 5 ụ nổi xung quanh đảo Hải Nam và một ụ cố định tại Đá Bông Bay – một rạn san hô vòng thuộc nhóm đảo An Vĩnh của quần đảo Hoàng Sa.
Vào tháng 3/2016, CETC đã triển khai nguyên mẫu ụ nổi thử nghiệm đầu tiên, FT3001, đặt cách bờ biển phía đông đảo Hải Nam 10 hải lý. Vào đầu năm 2017, có bốn ụ nổi – đánh số từ FT3002 đến FT3005 – đang được thi công tại xưởng của CETC.
Vào cuối năm 2017, CETC lúc đó đang xây dựng hai ụ cố định tại một rạn san hô. Một chiếc đã được chuyển đến Đá Bông Bay vào tháng 4/2018.
CETC đã tuyên bố rằng các ụ nổi neo đậu có thể được di dời trong ít nhất một tuần. Vào tháng 3/2019, nó đã tái bố trí ụ nổi FT3002 từ phía nam đảo Hải Nam đến đầu cuối phía tây eo biển Quỳnh Châu.
Ba tháng sau, tập đoàn CETC đã di chuyển FT3003 đến đầu kia của eo biển, cách FT3002 30 hải lý về phía đông. Các ụ này khi phối hợp cùng nhau có thể giám sát tất cả hoạt động giao thông hàng hải ra vào eo biển Quỳnh Châu.
Chức năng các ụ nổi
Đầu năm 2016, thời điểm CETC triển khai ụ nổi thử nghiệm nguyên mẫu, tập đoàn này đã bắt đầu nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho một “hệ thống giám sát thông tin” có thể nổi trên biển, và ít nhất một bằng sáng chế ở Mỹ cho một “hệ thống quan sát nổi”.
Hồ sơ bằng sáng chế miêu tả chi tiết ụ nổi và nhiều kết cấu thành phần của nó, nhưng chỉ đề cập khái quát đến việc tích hợp các “thiết bị quan sát” có khả năng thu thập các dữ liệu môi trường như dòng điện, áp suất không khí, nhiệt độ và độ mặn của nước biển. Trong hồ sơ không có đề cập cụ thể nào đến các hệ thống giám sát dưới nước như sonar (hệ thống phát hiện vật thể dưới nước và đo độ sâu bằng xung âm) hoặc hydrophones (máy dò sóng âm trong nước) lắp đặt trên cho các ụ nổi, chỉ có duy nhất một ghi chú rằng “các loại thiết bị quan sát và thiết bị phụ trợ khác phù hợp cho việc giám sát khu vực biển có thể được lắp đặt bổ sung”.
Dù vậy, hồ sơ xin cấp sáng chế có chỉ ra rằng phần lớn chức năng truyền thông tin liên lạc và cảm biến của ụ nổi được đặt bên trong vòm bọc ăng-ten bên trên boong. Thiết bị liên lạc sẽ bao gồm một số loại radar và ăng-ten, bao gồm ăng ten sóng di động và ăng ten vệ tinh. Các tàu và máy bay lớn có thể được phát hiện nếu lọt vào tầm nhìn của radar. Radar có ngưỡng phát hiện là 30 hải lý đối với máy bay nhỏ hơn, còn với máy bay không người lái thì có thể phát hiện trong cùng phạm vi bằng radar có mặt cắt ngang dài ít nhất 1,8 m vuông.
Các ụ cố định dường như có thêm một số tính năng mà các ụ nổi không có. Một thiết bị bổ sung đi kèm đáng chú ý là sự hiện diện của các ăng-ten phân tán tầng đối lưu, gắn ở mé phía bắc của ụ trong các bức ảnh và hình ảnh vệ tinh.
Các hệ thống ăng-ten phân tán tầng đối lưu cho phép trao đổi liên lạc qua-đường-chân-trời, với quy mô vượt quá 200 hải lý. Các ăng ten tại Đá Bông Bay dường như hướng về các cơ sở của Trung Quốc tại đảo Phú Lâm, cách đó 46 hải lý. So với liên lạc qua vệ tinh hoặc các loại giao tiếp radio khác, giao tiếp qua hệ thống phân tán tầng đối lưu này sẽ rất khó phát hiện, gây nhiễu hoặc chặn.
Hệ thống thử nghiệm mạng lưới Lam Hải Tin Tức
Theo miêu tả của tập đoàn CETC, Lam Hải Tin Tức không chỉ bao gồm các ụ thông tin nổi và cố định, mà còn bao gồm các thành phần khác như phao cứu đắm, các cảm biến cố định và có thể di chuyển ngầm dưới nước bao gồm trạm thủy âm sonar và ống nghe dưới nước hydrophones, máy bay không người lái (UAV), tàu ngầm không người lái và tàu nổi không người lái (USV). Các ụ được triển khai cho đến nay dường như là một phần của hệ thống minh họa thử nghiệm.
Một bài nghiên cứu đăng trên tạp chí Tự động hóa của Viện Khoa học Trung Quốc cũng cho biết rằng mạng lưới này còn tích hợp các vệ tinh quan sát thời tiết và trái đất của Trung Quốc, cùng với các vệ tinh liên lạc như Chinasat-11.
Tham vọng của mạng lưới Lam Hải Tin Tức
Các ụ nổi và cố định cùng các bộ phần khác của hệ thống Lam Hải Tin Tức đã làm dấy lên nỗi lo ngại ở Biển Đông. Tổ chức AMTI nhận định, tuy rằng tập đoàn CETC tuyên bố sử dụng chủ yếu mạng lưới này như một hệ thống giám sát môi trường và thông tin liên lạc, nhưng các ụ này cùng các thiết bị bao hàm liên quan rõ ràng tiềm ẩn mục đích quân sự. Ngoài ra, một bài viết trên tờ PLA Daily (nhật báo quân đội Trung Quốc) hồi tháng 4/2019 đã thừa nhận rằng các ụ này sẽ được dùng “để bảo vệ các đảo và đá san hô trên Biển Đông”.
Khả năng nhanh chóng di dời các ụ thông tin và cảm biến có thể mang lại lợi thế thông tin cho chính quyền Trung Quốc trong một cuộc khủng hoảng. Điều này có thể bao gồm việc giám sát liên tục các vùng biển tranh chấp hoặc một hòn đảo tranh chấp. Một ứng dụng quân sự rõ ràng Lam Hải Tin Tức là tăng cường phủ sóng liên lạc radar, sonar,… trong một cuộc đối đầu quân sự nhờ vào các ụ nổi và hệ thống ngầm dưới nước.
Tuy vậy, theo nhận định của Tổ chức AMTI, việc triển khai các ụ nổi và các thiết bị khác thuộc hệ thống Lam Hải Tin Tức của Trung Quốc ở những khu vực mở rộng, xa hơn trên Biển Đông, ví như Bãi Tư Chính, sẽ làm dấy lên các cuộc tranh chấp và đối đầu tiềm năng với các nước láng giềng.
Tham vọng này đã được đại diện tập đoàn CETC đưa ra trước đây. Lam Hải Tin Tức đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Trung Quốc xây dựng Con đường Tơ lụa trên biển thuộc Sáng kiến Vành Đai & Con Đường. Tổ chức AMTI nhận định, Lam Hải Tin Tức là dự án tham vọng và quy mô lớn nhất thuộc thể loại này, sử dụng công nghệ thông tin để thúc đẩy mục tiêu trở thành cường quốc hàng hải của Trung Quốc.
Trong tháng 6, không có ụ nổi hay cố định mới nào được xây dựng, nhưng việc quan sát dự án này của Trung Quốc là điều cần thiết, theo AMTI.
The post Khám phá mạng lưới giám sát mờ ám của Trung Quốc tại Biển Đông appeared first on Đại Kỷ Nguyên.
2020-06-24 07:26:02
Nguồn: https://www.dkn.tv/the-gioi/kham-pha-mang-luoi-giam-sat-mo-am-cua-trung-quoc-tai-bien-dong.html