Nguồn gốc huyền hồ ở Trung Quốc như ở Triết Giang, Phúc Kiến, Nhiệt Hà, nhưng chỉ có loại ở Ninh Ba, Kim Hoa, Hàng Châu thuộc tỉnh Triết Giang mới là dược liệu tốt. Ở nước ta phải nhập khẩu.
Huyền hồ được sử dụng làm thuốc trong Đông dược và cũng là cây thuốc được ghi đầu tiên trong sách Khai Bảo bản thảo, thành phần hóa học chủ yếu là những alcaloid như corydalin, dehydrocorydalin, protin, corybolbin…
Theo Đông y, huyền hồ có vị cay hơi đắng, tính ôn, không độc đi vào các kinh can, phế và tỳ. Thuốc có tính hoạt huyết, lợi khí, tán ứ, giảm đau nên thường được sử dụng trong điều trị kinh nguyệt không đều, chứng đau bụng ra khí hư, chữa đau do ứ huyết, bế kinh ở phụ nữ, đau bụng trên, đau nhức do chấn thương tụ máu, thoát vị bụng dưới, đau vùng tim, sản hậu ứ huyết thành hòn cục. Ngoài ra còn thấy huyền hồ chủ thận khí, phá sản hậu ác lộ hoặc chứng đau bụng dưới ở phụ nữ, mặt khác huyền hồ còn có thể làm được huyết trệ trong khí hoặc khí trệ trong huyết cho nên thuốc có công hiệu trị chứng đau nhức toàn thân, thông lợi tiểu tiện (theo Bản thảo cương mục)… Liều sử dụng trung bình hằng ngày cho các dạng thuốc sắc hay thuốc bột, thuốc viên từ 6 – 12g; cũng có thể phối hợp với các vị thuốc khác.
Lưu ý không được sử dụng cho phụ nữ đang mang thai, có kinh trước kỳ, bị huyết hư, chứng rong huyết, băng kinh, sản hậu, chóng mặt.
Để tham khảo và ứng dụng, xin giới thiệu một số phương tiêu biểu từ vị thuốc huyền hồ.
Trị chứng ho (kể cả già, trẻ): Huyền hồ 40g (1 lượng ta), chỉ khô phàn 2,5g tán bột, mỗi lần uống 6g với một cục kẹo mạch nha nuốt từ từ.
Trị chứng chảy máu cam: Dùng bột huyền hồ gói trong bông sạch nhét vào lỗ tai, nếu chảy máu mũi bên trái thì nhét vào tai bên phải và ngược lại (Phổ tế phương).
Trị đi tiểu ra máu: Diên hồ sách 40g (1 lượng ta = 37,5g), phác tiêu 7,5g, tán bột, mỗi lần sắc uống 4 chỉ lấy 16g, chia 2 lần (Hoạt nhân thư phương).
Trị đau phần ngoài do khí và khí kết khối: huyền hồ tán bột, tụy tạng lợn luộc chín thái miếng chấm với bột huyền hồ ăn.
Trị đau tim nhiệt quyết (biểu hiện khi đau khi không, mình nóng, chân lạnh): Dùng huyền hồ bỏ vỏ, lấy thịt quả kim linh tử, 2 vị bằng nhau đem tán bột uống với rượu hâm nóng, hoặc chiêu bằng nước ấm, mỗi lần 8g.
Trị khí huyết ở nữ (biểu hiện bụng đau quặn, kinh nguyệt không đều): Huyền hồ bỏ vỏ 40g sao giấm, đương quy 40g, tẩm rượu sao, quất hồng 80g, tất cả tán bột trộn rượu nấu làm viên bằng hạt ngô, mỗi lần uống 100 viên vào lúc đói, chiêu với nước giấm sắc uống chung với ngải cứu (Phổ tế phương).
Trị các đau sau sinh (sau sinh chưa sạch dịch, bụng căng đầy, người bứt rứt bồn chồn, tay chân hâm hấp nóng, khí lực muốn cạn kiệt): dùng huyền hồ sao tán bột, mỗi lần uống 6g chiêu với rượu (Thánh Huệ phương).
Trị đau bụng bế kinh: Dùng phương Diên hồ sách thang trong Lâm sàng thường dụng Trung dược thủ sách gồm các vị: diên hồ sách, đương quy, thược dược, hậu phác mỗi thứ 3 chỉ (12g), tam lăng, nga truật, mộc hương mỗi thứ 1,5 chỉ (6g), sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
Trị thống kinh: Diên hồ sách 2 lượng (80g) sao rượu, hương phụ sao giấm 4 lượng (160g), tán bột ngày uống 2 chỉ (8g) với rượu nóng.
Trị đau thần kinh mặt: Diên hồ sách, xuyên khung, bạch chỉ mỗi vị 5 chỉ (20g), thương nhĩ tử 3 chỉ (12g), sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần trong ngày.
Phòng trị và điều hòa kinh nguyệt: (phương Huyền hồ hương phụ thang còn dùng để trị huyết trắng) gồm đương quy 5 chỉ (20g), xuyên khung 4 chỉ (16g), ngô thù du (gói riêng sao) 4 chỉ (16g), thục địa 8 chỉ (32g), hương phụ 6 chỉ (24g), bạch thược 5 chỉ (20g), bạch linh 5 chỉ (20g), huyền hồ 4 chỉ (16g), bãi diệp 3 chỉ (12g), bạch chỉ 3 chỉ (12g), gừng 3 lát. Ngày sắc 1 thang chia làm 3 lần uống.
BS. Hoàng Xuân Đại