Hình minh họa thiên thạch đâm trúng mặt trăng hôm 17/3. Ảnh: NASA. |
Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo rằng khối đá lao vào mặt trăng hôm 17/3 với vận tốc 90.000 km/h, tạo ra một hố có đường kính khoảng 20 m. Vụ va chạm cũng tạo ra tiếng nổ và một chớp sáng mạnh đến nỗi con người có thể thấy bằng mắt thường, AP đưa tin.
“Chớp sáng có độ sáng gấp gần 10 lần so với những chớp sáng mạnh nhất mà chúng tôi từng thấy”, Bill Cooke, một nhà nghiên cứu của NASA, phát biểu.
Các nhà thiên văn của NASA đã theo dõi những vụ thiên thạch lao trúng mặt trăng trong 8 năm qua, nhưng họ chưa thấy vụ va chạm nào mạnh như thế. Họ không thấy vụ nổ hôm 17/3 khi nó diễn ra. Chỉ đến khi Ron Suggs, một nhà phân tích của NASA, xem lại một đoạn video do kính thiên văn quay, ông mới nhận ra vụ nổ.
Vị trí thiên thạch lao vào mặt trăng hôm 17/3. Ảnh: NASA. |
Suggs và các đồng nghiệp nhận định viên đá có chiều rộng từ 30 tới 40 cm, khối lượng khoảng 40 kg. Vụ nổ có sức công phá tương tương 5 tấn thuốc nổ TNT.
Địa cầu có bầu khí quyển để ngăn chặn tác động của những thiên thạch. Do không có khí quyển, mặt trăng trở thành mục tiêu mà mọi thiên thạch có thể bắn phá. Theo tính toán của NASA, hơn 300 thiên thạch đã đâm trúng mặt trăng từ năm 2005 tới nay.
(theo vnexpress)