Đừng vội mắng, tức giận hay trừng phạt sự thay tính đổi nết của bé. Thay vào đó, bạn hãy tham khảo một vài cách giải quyết nhẹ nhàng và hiệu quả hơn như sau.
1. Khen ngợi, dịu dàng với bé
Ở tuổi này, bé thường tìm cách khiến người xung quanh chú ý đến mình. Và dường như giải pháp dễ dàng nhất là bé hét thật to, gào thật nhiều để ai cũng phải dừng tay và để mắt đến mình. Bé cũng bắt đầu biết phân biệt đâu là việc làm đúng, việc làm sai qua cách mà người lớn phản ứng với những hành vi của bé.
2. Làm bé lơ là sự tức giận của chính mình
Đôi khi, cách tốt nhất để giải tỏa sự nóng giận của bé chính là cách làm bé lơ là đi cảm xúc hiện tại của mình. Khi đã bị thu hút vào một sự việc gì đó khác, bé dễ dàng quên đi điều khiến mình tức giận trước đó để trôi theo thứ cảm xúc tích cực vừa phát sinh.
Nếu bé bỗng nhiên “dở chứng” giữa chốn đông người, tốt nhất bạn nên đưa bé ra xa khỏi môi trường hiện tại. Chẳng hạn, nếu bé xoắn lên đòi bạn mua kem và sẵn sàng khóc to khi bạn không đồng ý, lúc này, hãy đưa bé ra xa cửa hàng kem để đến những cửa hàng sặc sỡ sắc màu khác gần đó hoặc chỉ cho bé thấy một chú chó thật xinh xắn đang dạo chơi xung quanh. Bạn cũng có thể đưa cho bé món đồ chơi yêu thích nào đó để bé chuyển hướng chú ý của mình.
3. Ôm bé thật chặt
Nếu cảm xúc bé yêu của bạn thăng trầm một cách khó kiểm soát và mọi nỗ lực làm bé yêu sao nhãng đều trở nên vô hiệu, hãy ôm chặt lấy bé và vỗ về bé để bé cảm nhận được tình yêu thương của bạn ngay lúc đó.
Cánh tay ôm chặt của mẹ có thể khiến bé yêu nhanh chóng lấy lại bình tĩnh. Thêm vào đó, những lời nói âu yếm, nhẹ nhàng của bạn cũng sẽ dễ giúp bé sớm thoát khỏi tình trạng khó kiểm soát cảm xúc hiện tại.
4. Lắng nghe bé
Đừng nghĩ rằng những cơn tức giận của bé là trẻ con và không có lý do nào cụ thể. Ở tuổi này, bé đã có nhu cầu được lắng nghe, được chia sẻ những cảm xúc và suy nghĩ của mình. Có thể bé chưa biết cách sắp xếp ngôn từ để diễn đạt cho dễ hiểu nhưng nếu biết bạn đang chăm chú vào từng lời bé nói một cách chân thành, bé sẽ cảm thấy được an ủi rất nhiều.
Việc bạn lắng nghe những tâm sự của bé khiến bé cảm thấy tin tưởng và gần gũi với bạn hơn. Đây chính là điều tuyệt vời để thắt chặt tình mẫu tử của bạn và bé để rồi dần dần bé có thể cởi mở kể cho bạn nghe những rắc rối về sau của mình (mà hứa hẹn là sẽ rất nhiều đấy nhé).
5. Không phủ nhận cảm xúc của bé
Hãy là người biết cảm thông và sẵn sàng bỏ dở công việc hiện tại để dành thời gian cho bé. Hãy tưởng tượng, bé mếu máo bước vào phòng bạn và nói một thôi một hồi về điều khiến mình bực tức, còn bạn thì phản ứng bằng cách mắng bé và bảo bé ra ngoài chơi, không được quấy khi bạn đang làm việc. Điều đó hẳn sẽ càng làm bé thêm cảm thấy tủi than và rơi vào tình trạng ức chế về tình cảm.