Hình minh họa
Em biết không thể buộc anh phải là người hoàn thiện, nhưng anh làm em thất vọng rất nhiều vì những biểu hiện trong cuộc sống. Anh không còn là người đàn ông gương mẫu như em tưởng, suy nghĩ của cả hai ngày càng khập khiễng. Khi em buồn thì anh đang ở rất xa, gọi điện nhưng anh bắt máy với giọng điệu cộc cằn. Hiện giờ, em cố tình viện lý do công việc để rời xa anh, nhiều khi em nghĩ sẽ phải rời xa anh mãi mãi. Nhưng thực lạ là em vẫn bồn chồn và nôn nao vì nhớ anh, vậy mà khi gần anh thì em lại không thoát được cảm giác gần như chán ghét. Khi ở xa, hàng ngày anh vẫn gọi điện nói về công việc và hôn em trước khi đi ngủ. Nhưng em thật sự mất đi cảm giác hạnh phúc khi được gần anh… Em không biết phải làm sao đây?
(Da Ly Huong-gmail)
Những năm đầu chung sống, để có được “tiếng nói chung” là điều không dễ. Khi yêu, ai cũng muốn người yêu nhìn thấy ở mình những điều tốt đẹp. Và mình cũng nhìn người yêu, tình yêu qua “cặp kính màu hồng”, nó “phóng đại” những điều tốt đẹp, lãng mạn và “thu nhỏ” những khiếm khuyết. Vì thế, rất ít khi người ta nhìn thấy cái xấu của người yêu, hay có thấy thì cũng dễ dàng bỏ qua, coi như “chuyên nhỏ”. Nhưng khi chung sống thì người ta trở nên “thực tế” hơn, bấy giờ những khiếm khuyết mới được phơi bày, “chuyện nhỏ” trở nên không nhỏ, thậm chí không thể chấp nhận! Nên nhiều cặp phải than vãn: “Cô ấy hồi xưa nhỏ nhẹ, nhu mì, tế nhị… sao bây giờ cứ như… bà chằn vậy!”; “Sao lúc trước anh ấy ga-lăng hết chê mà giờ trăm thứ việc đều đổ lên đầu vợ!”. Và còn biết bao “phát hiện” tệ hại khác…
Cảm giác của bạn cũng là kết quả của sự “phát hiện” đó. Bạn đã rất yêu anh, và giờ vẫn yêu nên mới bồn chồn, nôn nao, nhớ nhung như vậy. Tuy nhiên, cảm giác thất vọng lại đang làm xói mòn dần tình yêu đó. Bạn cần trao đổi thẳn thắng với anh về những suy nghĩ của mình, giúp nhau thay đổi để cùng xây dựng hạnh phúc. Cuộc sống không phải luôn bằng phẳng, êm ả. Có những lúc trời quang mây tạnh, nhưng cũng có lúc bão táp mưa sa. Mỗi người sinh trưởng trong một gia đình với hoàn cảnh, nề nếp sống và sự giáo dục khác nhau nên có những thói quen, tính cách khác nhau. Vợ chồng phải biết nuôi dưỡng tình yêu, tự điều chỉnh để hòa hợp, biết chấp nhận cả ưu và khuyết của nhau thì mới hạnh phúc, bền vững được. Những thói tật xấu không dễ gì thay đổi trong thời gian ngắn, nên cần nhẹ nhàng thuyết phục và kiên nhẫn giúp nhau khắc phục dần. Còn đã cố gắng hết sức mà vẫn không thể thay đổi, mâu thuẫn vẫn trầm trọng không có cơ may hòa giải thì chia tay là cách tốt nhất vì hai bạn chưa ràng buộc bởi con cái.
Chúc bạn lựa chọn đúng đắn!
theo tuvanonline