Hoàng cầm có nhiều tên gọi như hủ trường (bản kinh); không trường hay túc cầm (biệt lục); hoàng văn, kinh cầm, đỗ phụ, nội hư, ấn dầu lục (ngô phổ bản thảo)… tên khoa học Scutellaria baicalensis Georgi (Scutellaria macratha Fisch) thuộc họ hoa môi (Lamiaceae).
Cây hoàng cầm.
|
Để giúp có công hiệu trong từng cách trị liệu mà trong cách bào chế thuốc người ta có những cách khác nhau hoặc dùng sống hay bào chế, cũng có khi cần phối hợp với các vị thuốc khác nhằm nâng cao công năng của thuốc, cách thêm bớt vị khi cần trị liệu khác nhau.
Dưới đây xin giới thiệu một số cách thông dụng nhất để cùng tham khảo hoặc áp dụng trong việc điều chế thuốc trị bệnh.
Cách bào chế: Để hoàng cầm cần giúp khí đi lên thì dùng rượu sao. Muốn cho khí đi xuống thì thuốc phải sao với nước tiểu (đồng tiện). Muốn tả hỏa ở can, đởm lại phải sao hoàng cầm với mật lợn. Chữa chứng nóng lại cần dùng hoàng cầm sống (theo Bản thảo cương mục).
Thứ khô cầm tức là thuốc hoàng cầm có rễ, phần lớn rỗng ruột, bên trong có màu đen nâu thì gọi là khô cầm hay phiến cầm. Còn loại rễ mới, bên trong đầy ruột thì gọi là tử cầm hay điều cầm. Thứ khô cầm có tác dụng tả phế hỏa, làm tiêu khí nóng ở da thịt. Do vậy cần bỏ đầu, ruột đen và rửa sạch rồi ủ kín một đêm cho mềm, bào mỏng 1 – 2 ly, phơi khô dùng sống. Hoặc sau khi phơi khô tẩm rượu để trong 2 giờ sao qua (cách này thường được sử dụng).
Tuy nhiên cũng còn tùy theo trường phái kinh nghiệm của thầy thuốc cũng như mục đích sử dụng mà hoàng cầm có thể được hấp chín, bào mỏng phơi khô, dùng sống, sao với rượu, sao với muối, sao với nước gừng hay sao với mật lợn…
Khi trị bệnh ở phần trên thì hoàng cầm được sao với rượu. Tả hỏa ở can, đởm thì sao hoàng cầm với nước mật lợn (theo Đông dược học thiết yếu).
Hoàng cầm dùng sống có tác dụng thanh nhiệt, tả hỏa. Dùng sao có tác dụng cầm máu, đồng thời tránh được vị đắng lạnh gây tổn thương tới vị. Sao với rượu có tác dụng tăng thêm sự thanh trừ hỏa nhiệt ở vùng trên của cơ thể (theo Trung Quốc dược học đại từ điển).
Hoàng cầm là thuốc của phế kinh, nhập vào kinh túc thiếu dương nên hoàng cầm có rượu thì làm khí chạy lên có khả năng thanh thấp nhiệt ở thượng tiêu. Nếu lại có sài hồ sẽ làm lui được khi nóng khi lạnh, trừ phong nhiệt, thanh giải được cơ biểu. Nếu có mặt của bạch thược sẽ trị được kiết lỵ. Có tang bạch bì thì tả phế hỏa. Có bạch truật lại an thai. Cổ phương như “Cầm tâm hoàng” trị có kinh nhiều, băng huyết, rong kinh, có vị hoàng cầm tác dụng cầm máu, tuy nhiên chỉ sử dụng trong chứng huyết nhiệt vong hành (theo Trung Quốc dược học đại từ điển).
Trong phương “tam hoàng hoàn gia giảm” của Tôn Tư Mao trong sách “Thiên Kim phương” trị đàn ông bị ngũ lao thất thương, tiêu khát, không sinh được da thịt, phụ nữ bị đới hạ, tay chân khi nóng khi lạnh, tả hỏa ở ngũ tạng. Tuy nhiên phải tùy theo mùa mà gia giảm vị hoàng cầm. Cụ thể: 3 tháng mùa xuân: dùng hoàng cầm 160g, đại hoàng 120g, hoàng liên 160g. Nhưng trong 3 tháng mùa hè: dùng hoàng cầm 240g, đại hoàng 40g, hoàng liên 7 lượng. Trong 3 tháng mùa thu: dùng hoàng cầm 240g, đại hoàng 120g, hoàng liên 120g. Trong 3 tháng mùa đông: dùng hoàng cầm 120g, đại hoàng 200g, hoàng liên 80g. Trong 3 vị này đều được gia giảm theo mùa như vừa nêu trên, tán bột, trộn mật làm hoàn to bằng hạt đậu đen; ngày uống 3 lần, mỗi lần 5 viên chiêu với nước cơm, nếu chưa đỡ tăng lên 7 viên/lần. Uống liền 1 tháng bệnh sẽ đỡ. Trong thời gian uống kiêng thịt lợn (theo Đồ kinh bản thảo).
Các loại hoàng cầm:
- Hủ trường cầm: Tức là hoàng cầm bên trong rỗng mà nát, có tác dụng tả phế hỏa, trị chứng khí nghịch ở thượng cách, dùng trị đờm nhiệt trong dạ dày và vàng da do thấp nhiệt. Loại túc cầm bên trong khô mà rỗng, trị chứng phế có đờm hỏa, thông lợi phần khí, trị phong thấp lưu hành, khi nóng khi lạnh, các chứng đinh nhọt, lở ngứa, nóng bỏng. Dùng nó để nung mủ và trị tất cả các chứng thực nhiệt, đờm nhiệt, tích huyết ở phần trên.
- Điều cầm là loại bé, chắc, thẳng mà cứng, tác dụng tả hỏa ở đại trường, trục thùy, tiêu thức ăn, cầm chứng tiêu chảy do nhiệt, ra máu mủ ở kiết lỵ, mót rặn, trị âm thoái nhiệt. Loại từ cầm nhỏ, chắc, tròn mà cứng, tác dụng trừ nhiệt ở bang quang, giúp nguồn sinh hóa, lợi tiểu trường, trị 5 chứng lâm đau thắt ở tiểu trường. bế kinh, an thai (theo Trung Quốc dược học đại từ điển).
- Rễ già của hoàng cầm ở bên trong rỗng và khô gọi là khô cầm hay phiến cầm thể chất nhẹ đi lên, chuyên tả hỏa ở thượng tiêu, chủ yếu trị đờm nhiệt ở vùng ngực như ho, suyễn, vàng da. Rễ hoàng cầm mới đào còn tươi bên trong chắc gọi là tử cầm hoặc điều cầm, thể chất nặng nên chủ đi xuống nên chuyên tả hỏa ở hạ tiêu như đại tràng, hay bụng dưới căng chướng, tiêu ra máu, kiết lỵ (theo Đông dược học thiết yếu).
BS. Hoàng Xuân Đại
theo suckhoedoisong