Đông ôn là tân cảm ôn bệnh phát vào mùa đông, do khí ấm trái mùa, đáng lý giá rét mà lại ấm gây trạng thái dương khí không bế tàng. Con người cảm phải khí trái mùa ấy, đồng thời bên trong cơ thể vốn hư yếu nên phát sinh bệnh.
Liên kiều.
|
Các nhà ôn bệnh học thời xưa của Trung Quốc đã phát biểu như sau: Ngô Khôn An nói: người đam mê dục tình, âm tinh hao hụt lâu ngày, lại gặp nắng ấm trái mùa ở vụ đông cảm mà thành bệnh gọi là đông ôn.
Ngô Cúc Thông nói: đông ôn là mùa đông, đáng lý lạnh lại ấm, dương khí không tàng nạp, người mắc bệnh là đông ôn vì vậy.
Lôi Thiếu Dật nói: mùa đông cần rét mà lại ấm, con người cảm phải khí trái mùa ấy mà sinh bệnh ngay.
Cơ chế bệnh: mới đầu cảm phải bệnh, phần nhiều bắt đầu từ vệ phận. Nếu chỉ cảm phải khí ấm mà phát bệnh ngay thì chứng trạng vệ phận nhẹ thôi. Nếu trước cảm phải khí ấm, sau còn bị hàn tà bó vít lại thì chứng sợ lạnh nhiều hơn.
Do cơ chuyển của bệnh thiên về phổi nhiều hơn nên phần nhiều có ho, khí nghịch lên cổ họng hơi đau. Tà khí ở phế vệ lan dần tới khí phận thì xuất hiện các hiện tượng: lý nhiệt, phát sốt, lòng buồn phiền, khát nước, ho, đau cạnh sườn, lưỡi đỏ rêu vàng hoặc nhám, đại tiện bí. Mạch sác hoặc hồng. Nếu như thấy ban, chẩn mọc lờ mờ, lưỡi đỏ sẫm mà ráo khô hoặc mê man, nói nhảm, sắc ban tím bầm, chân tay quờ quạng. Đây là nhiệt tà đi sâu vào dinh phận, huyết phận, nhập phạm vào tâm bào, là bệnh nặng, nguy hiểm. Mạch huyền tế hoặc sác. Tuy nhiên cần phân biệt bệnh đông ôn với bệnh thương hàn cùng xảy ra trong mùa đông.
Đông ôn: Là do cảm phải khí ấm trái mùa. Cảm khí lạnh mùa đông, miệng khát, họng đau, lưỡi đỏ, rêu mỏng, mạch sác. Ngạt mũi sổ mũi, ho, tức ngực dễ tổn thương tân dịch. Phép chữa: Dùng tân lương tuyên phế làm chủ và luôn chiếu cố âm khí.
Thương hàn: Là do cảm khí lạnh mùa đông. Lúc đầu sợ lạnh nhiều, phát sốt ít, có các hiện tượng hàn, lưỡi nhạt, miệng bình thường, mạch phù khẩn, đau đầu, cứng gáy, phần nhiều hàn hóa, vong. Phép chữa: Dùng tân ôn giải biểu và chiếu cố dương khí.
Biện chứng luận trị: Mới đầu lấy tân lương giải biểu làm chủ, như tà uất ở phế thì kiêm thanh khí, tuyên phế; Nếu tà kết ở trong dương minh thì công hạ; Nếu tà nhập tâm bào hoặc truyền tới dinh phận, huyết phận thì phải thanh tâm, khai khiếu, thanh dinh, lương huyết. Cần chẩn đoán phân biệt rõ các chứng trạng ở vệ phận, khí phận, dinh phận, huyết phận. Đó là những giai đoạn phong tà đi từ ngoài vào trong, đi từ nông đến sâu.
Bệnh ở vệ phận
Ban đầu sợ lạnh, phát sốt, không mồ hôi, hơi khát, rêu lưỡi trắng. Mạch phù sác.
Bài thuốc: Hành tươi 3 củ, đạm đậu sị 15g. cát cánh 4g, bạc hà 4g, sơn chi tử (sao cháy) 10g, liên kiều 4g, đạm trúc diệp 30 lá, cam thảo 3g. Sắc uống nóng.
Nếu nóng nhiều, sợ lạnh ít thì dùng ngân kiều tán: liên kiều 40g, kim ngân hoa 40g, cát cánh 24g, bạc hà 24g, ngưu bàng tử 24g, đam trúc diệp 16g, cam thảo sống 20g, kinh giới tuệ 16g, đạm đậu sị 20g. Tất cả tán giập, mỗi lần dùng 24g, nấu với rễ lau tươi, khi sôi bốc mùi thơm thì rót uống dần, đừng đun sôi lâu sẽ giảm tác dụng của thuốc. Bệnh nặng ngày uống 3 lần, nhẹ thì 2 lần. Bệnh chưa khỏi thì sắc thuốc uống tiếp.
Bệnh ở khí phận
Mình nóng, miệng khát, ho hen, sườn đau, thở khò khè. Dùng “Tang cúc ẩm” gia thạch cao để thanh tiết phế nhiệt.
Bài thuốc: Hạnh nhân 20g, liên kiều 5g, bạc hà 3g, tang diệp 10g, cúc hoa 4g, cát cánh 8g, cam thảo 3g, rễ lau 8g, thạch cao 6g. Nước vừa đủ sắc còn một nửa chia uống ấm 2 lần trong ngày. Chú ý: thạch cao tán nhỏ để riêng, khi uống mới hòa thạch cao vào thuốc mà uống.
- Nếu sau khi cho ra mồ hôi, không sợ lạnh mà lại sợ nóng, tức ngực, miệng khát lưỡi đỏ, rêu vàng, ho sặc sườn đau. Mạch hồng đại. Dùng “Bạch hổ thang” gia hạnh nhân, tang diệp, liên kiều, hoàng cầm, sơn chi.
Bài thuốc: Thạch cao 40g (giã nát), tri mẫu 24g, cam thảo sống 8g, gạo tẻ 6 vốc, hạnh nhân 20g, tang diệp 15g, liên kiều 20g, hoàng cầm 15g, sơn chi 20g. Nước vừa đủ. Sắc còn 1 phần 3, chia uống 3 lần trong ngày.
- Nếu thấy có triệu chứng lưỡi đỏ rêu vàng khô, buồn phiền, nói sảng, đại tiện táo thì dùng “Điều vị thừa khí thang” gia sinh địa, hà thủ ô.
Bài thuốc: Đại hoàng 12g, mang tiêu 20g, cam thảo sống 12g, sinh địa 12g, hà thủ ô 12g. Sắc uống. Có tác dụng điều hoà vị khí công hạ tích tụ.
Thạch hộc.
|
Bệnh ở dinh phận, huyết phận
Bệnh đông ôn nhiệt nhập dinh huyết làm mê man nói sảng, ban chẩn tím đen, lưỡi đỏ sẫm. Mạch sác. Dùng “Tê giác địa hoàng thang” gia thạch hộc tươi, huyền sâm, liên kiều, đột tre, xương bồ tươi, nấu nước để uống.
Bài thuốc: Sinh địa 40g, bạch thược sống 20g, đơn bì 12g, sừng tê ngưu 12g (hoặc tê giác) gia thạch hộc tươi 16g, huyền sâm 12g, liên kiều 10g, đột tre 10g, xương bồ tươi 16g. Sắc nước để uống.
Bệnh đông ôn mà tân dịch tiêu hao, hư phong quấy lên, lưỡi đỏ sẫm mà khô, thần chí mê man, chân tay quờ quạng do thận thủy suy không nuôi dưỡng can mộc gây đông phong bên trong. Dùng “Nhị giáp phục mạch thang”.
Bài thuốc: Chích cam thảo 24g, can địa hoàng 24g, sinh bạch thược 24g, mạch môn (bỏ lõi) 20g, a giao 12g, ma nhân 12g, sinh mẫu lệ 20g, sinh miết giáp 24g. Nước 1600ml sắc còn 600ml, chia uống 2 lần trong ngày.
Nếu bệnh nặng thì dùng cam thảo 40g, địa hoàng 32g, bạch thược 32g, mạch môn 28g. Sắc uống ngày 3 lần, tối 1 lần.
Kết luận: Bệnh đông ôn và bệnh thương hàn cùng phát sinh trong mùa đông, nhưng nguyên nhân gây bệnh khác nhau: cảm phải cái lạnh lẽo giá buốt của mùa đông mà phát bệnh là bệnh thương hàn. Còn cảm phải khí ấm trái mùa mà phát bệnh là bệnh đông ôn.
Vì vậy phép chữa 2 bệnh này có khác nhau:
Chữa bệnh thương hàn phải dùng phép tân ôn giải biểu và luôn luôn chiếu cố đến dương khí.
Còn chữa bệnh đông ôn phải dùng phép tân lương tuyên phế làm chủ và luôn luôn chiếu cố đến âm khí.
Vì vậy trong mùa đông này có lúc nóng ấm, có lúc rét buốt giá lạnh, mỗi vùng mỗi khác, mỗi tỉnh mỗi khác nên mùa đông đến có nơi có vùng có người lại cảm nhiễm thời tà khác nhau mà có người bị bệnh đông ôn, có người bị bệnh thương hàn.
Cần phân biệt rõ để điều trị chóng khỏi bệnh.
Lương y Minh Chánh
theo suckhoedoisong