Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo nhận xét: “Có thể về nhiếp ảnh bà Eva là người nghiệp dư, nhưng cái nhìn của bà rất chuyên nghiệp”.
Lưu giữ một thời kỳ đặc biệt
Eva Lindskog tham gia phong trào ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến chống Mỹ và được mời sang Hà Nội lần đầu vào tháng 3/1975. “Khi ấy, thành phố này còn ngổn ngang vì chiến tranh, có rất nhiều hầm ngầm và bản đồ chỉ dẫn mọi người khi có máy bay”, bà kể lại. Eva đăng ký vào chiến trường Quảng Trị, nhưng vì chiến tranh quá ác liệt nên không thể thực hiện chuyến đi. Năm 1980, bà quay lại để học tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ở ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐH KHXN-NV).
Rong ruổi khắp Hà Nội với chiếc máy ảnh, Eva ghi lại nhiều cảnh đời thường của người dân. “Thời bao cấp, mọi người đều mua thực phẩm bằng tem phiếu, hình ảnh rất khác với cuộc sống của tôi ở Thụy Điển. Con phố Hàng Ngang, Hàng Đào hồi ấy vắng vẻ, chỉ có mấy chiếc xe đạp và người đi bộ. Vậy mà bây giờ mọi thứ hoàn toàn thay đổi. Khu phố cổ san sát cửa hàng và lúc nào cũng đông đúc”, bà nói.
Cứ thế, những quầy hàng Tết thời bao cấp, toa tàu đông đúc, một điểm vui chơi công cộng trong ngày lễ, một đám cưới mà chú rể đèo cô dâu bằng xe đạp… đi vào ống kính của Eva. Bà bảo thích chụp ảnh trước hết là vì “bệnh nghề nghiệp”, muốn tìm hiểu về đời sống văn hóa, xã hội, kinh tế của đất nước mình tới.
Eva Lindskog bên tác phẩm chụp ở đền Ngọc Sơn mà bà thích nhất. Ảnh: Lê Thoa. |
Những bức ảnh ấy được họa sĩ Lê Thiết Cương phát hiện, và năm 2008, họ có một triển lãm chung mang tên Việt Nam 80-00 với những bức ảnh về thời bao cấp. Bà Eva nói không ngờ được tham gia vào giai đoạn lịch sử đặc biệt, và vui hơn, còn ghi được nhiều khoảnh khắc trong giai đoạn ấy.
Những góc nhìn tinh tế
Trong triển lãm Một Hà Nội khác đang diễn ra tại 52 Hai Bà Trưng, Eva tham gia 5 bức ảnh. Bức Tự do ở Hà Nội ghi lại khoảnh khắc “kỳ lạ”: đèn giao thông dành cho người đi bộ vừa hiện màu đỏ, vừa hiện màu xanh. “Dừng hay đi là tùy bạn”, Eva chú thích như vậy. Một tấm hình khác có chiếc ô tô rất đẹp đỗ ở phố Vọng Đức nhưng lại lấy ngay phần đường dành cho người đi bộ sang đường làm bãi đỗ.
Bà Eva tự nhận cách nhìn của mình là từ bên ngoài, của một người nước ngoài chụp ảnh Hà Nội. “Tôi muốn mô tả quá trình thay đổi của Hà Nội so với trước đây. Một bộ phận của quá khứ, của tương lai tập trung trong một khuôn hình sẽ thể hiện được sự thay đổi đó”.
Nhiều người đến xem triển lãm Một Hà Nội khác cho rằng, sự tinh tế của người phụ nữ Thụy Điển này trong cách nhìn về Hà Nội thể hiện ở chỗ: ảnh của bà có nhiều chi tiết không mấy ai để ý. Nhiếp ảnh gia Dương Minh Long nhận xét: “Đó là những ghi chép ấm áp, chia sẻ tấm lòng nhân hậu đối với đời sống quen thuộc của Thủ đô. Từng khuôn hình cất giấu sự tinh tế của những câu chuyện dài về người nhập cư, về số phận những căn nhà trong phố cổ Hà Nội”.
Eva Lindskog mong muốn có thời gian quay trở lại những nơi ngày xưa bà đã chụp ảnh, để ghi lại sự đổi thay sau hơn 25 năm, hy vọng đó là đề tài cho một cuộc triển lãm mới. Bà cũng dự định triển lãm ảnh về Hà Nội tại quê hương Thụy Điển.
Từ năm 1998, Eva Lindskog sống tại TP HCM, với công việc của một nhà xã hội học. Bà tham gia nhiều hoạt động xoá đói giảm nghèo, phát triển bền vững, thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao năng lực cho các tổ chức hoạt động về giới… Sở thích cầm máy ảnh vẫn được duy trì và nhiều góc nhìn lạ được bà ghi lại. |
Theo baodatviet