1001 kiểu ăn vạ của bé
Chị Mi (Cầu Am – Hà Đông) không biết xử trí thế nào với cô con gái mới tròn 2 tuổi: “Cháu là con gái nhưng rất hiếu động. Tính tình rất bướng bỉnh. Nếu bé muốn làm gì ( như lấy điều khiển ti vi, hay đòi điện thoại của bố), bé phải làm cho bằng được. Nếu tôi không đồng ý, quát bé, bé chỉ khóc chứ không hề định thay đổi ý định. Dần dần, bé bắt đầu kháng cự bằng cách ném các đồ chơi khác trong nhà, khóc to hơn hoặc đánh lại người lớn ngay bên cạnh”.
Bé Candy nhà chị Hoa (Thanh Trì – Hà Nội) còn lỳ hơn. Bé đã đòi cái gì là đòi bằng được. Không được bé bắt đầu lăn lộn, gào thét và đáng sợ nhất là cố nôn oẹ ra hết mọi thứ. Cứ thấy bố mặc áo đi ra ngoài là bé chạy theo, ôm chặt cứng lấy bố, đòi đi cùng. Bố đi công việc, không cho đi là khóc.
Ngày nào mẹ đi làm về, bé cũng gào thét đòi mẹ bế. Bố bế hay ông bà đụng đến là khóc. Cố khóc đến khi nào nôn ra. Nôn xong lại khóc tiếp. Khi nào không đòi được mẹ bế là kêu đau bụng, đau chân, đau tay… đau hết cả người. Bố mẹ một hai lần tưởng thật, thương con chạy lại dỗ dành, nhưng bé vẫn không chừa thòi ăn vạ.
Anh Trung (Hoàng Quốc Việt – Hà Nội) cũng cùng chung cảnh đó. “Con tôi sắp tròn hai tuổi thôi, nhưng rất lỳ và không chịu nghe lời ai. Cứ trước bữa ăn, bé lại đòi ăn kẹo. Tôi không đồng ý, bé khóc to đòi cho bằng được. Bố mẹ có quát nạt, dỗ dành bé bằng đồ chơi khác bé cũng không chịu. Con cứ khóc đến khi nào mẹ cho kẹo thì thôi”.
Nhiều mẹ ở Hà Nội cho biết: “Con nhà mình mới được 15 tháng thôi nhưng ăn vạ có nghề. Cứ không bằng lòng gì là hét lên, ưỡn người rồi từ từ trườn xuống nằm lăn ra đất. Nhưng bé trườn rất từ từ thôi vì sợ ngã. Có lần bị bố đét cho thật đau bắt đứng dậy cũng ngoan cố lắm. Phải đét vài cái mới chịu ngồi dậy, lè nhè một lúc lâu. Mẹ chỉ có cách bỏ đi chỗ khác. Vừa đỡ xót con, vừa cho bé khỏi nhìn thấy mẹ để nhanh nín”.
Không nên lo lắng hay căng thẳng quá khi bé khóc ăn vạ
Mềm dẻo nhưng phải thật kiên quyết
Gặp những trường hợp bé bướng bỉnh hay ăn vạ, bố mẹ cũng không nên lo lắng và cẳng thẳng quá. Từ 2 tuổi đến 4 tuổi là giai đoạn bé hay mâu thuẫn với chính mình, khó dạy bảo và thích thể hiện mình, có tính hiếu thắng. Đặc biệt, bé muốn phản kháng lại những yêu cầu của cha mẹ. Bé muốn tách khỏi bố mẹ, tự mình làm việc này, việc nọ. Vì thế, các bé thường tỏ ra bướng bỉnh, cáu bẳn, quăng ném đồ dùng khi không vừa ý hay bị cha mẹ ngăn cấm.
Các chuyên gia tâm lý khuyên rằng bố mẹ đành phải “kiên nhẫn” chờ cho thời gian này qua đi. Không nên gây căng thắng, quát mắng bé, cũng không nên “nhường nhịn” để bé lấn lướt tới. Lúc bé ăn vạ, bố mẹ hãy lờ đi như không có chuyện gì. Rồi bé sẽ trải qua giai đoạn này và trở lại ngoan ngoãn. Tất nhiên, bố mẹ luôn phải theo sát bé hàng ngày và có sự dạy dỗ, uốn nắn kịp thời.
Bố bé Bốp (Hào Nam – Hà Nội) tâm sự: “Sao cu con nhà mình đã gần 2.5 tuổi rồi mà mức độ bướng bỉnh càng tăng chứ không giảm nhỉ? Mình cũng đến là khổ với hắn. Mình đã thử lờ đi những lúc bé ăn vạ. Nhưng bé khóc to và dai quá. Ông bà không chịu nổi và lại dỗ dành”. Sau nhiều lần rút ra kinh nghiệm, bố bé Bốp đã chia sẻ 6 mẹo nhỏ trị ngay tính bướng bỉnh và ăn vạ của bé:
- Hướng sự chú ý của bé vào chuyện khác.
- Để bé lựa chọn với những món yêu thích khác.
- Nếu bé chuẩn bị ăn vạ, bố mẹ hãy cố gắng trêu chọc làm cho bé cười. Bé sẽ quên ngay chuyện mình định ăn vạ.
Bố mẹ phải ngăn chặn cơn “bùng nổ” của bé ngay từ đầu. Khi bé đã khóc ăn vạ rồi, khó mà dỗ cho bé nín, trừ khi nhượng bộ cho bé.
- Không bao giờ để bé buồn ngủ quá. Bởi khi buồn ngủ, bé hay mè nheo và “trở chứng” lắm.
Nếu mẹ nào cáu giận vì bé quá khó bảo, hãy kiềm chế lại ngay với suy nghĩ: “Giai đoạn này còn kéo dài. Nó chỉ chứng tỏ con mình sau này sẽ không dễ bị bắt nạt và tự chủ lắm đây”.
NamHải (tổng hợp)
(theo afamily)