Hôn nhân là sự “kết trái” của bông hoa tình yêu nhưng không phải luôn ngọt ngào. Rất nhiều bạn trẻ “ngỡ ngàng” trước những tính cách mới của bạn đời mà khi yêu nhau họ chưa từng biết.
Đôi khi chỉ vì một câu nói không vừa lòng nhau cũng “châm ngòi” cho một cuộc chiến không có hồi kết. Làm thế nào để những xung đột được tiêu tan?
Không lạm dụng “chiến tranh lạnh”
Nhiều phụ nữ tin rằng “im lặng là vũ khí tối thượng”. Tuy nhiên, vũ khí này nhiều khi sẽ gây phiền toái cho khổ chủ. Nỗi giận hờn âm ỉ lâu ngày sẽ rất dễ bùng phát thành “ngọn lửa” không kiểm soát và dẫn đến tình trạng “cái sảy nảy cái ung”. Nhất thiết lúc cơn nóng giận qua đi, sự bình tâm lại, vợ chồng phải trao đổi vấn đề vừa tranh cãi. Ai sẽ là người mở đầu? Tính tự ái tuổi trẻ cao ngất sẽ khiến không ai chịu nhượng bộ. Trong tình huống này, các nhà tâm lý kêu gọi sự đại lượng nơi người đàn ông.
Sự bắt đầu trước không có nghĩa là tự chấp nhận mình sai (trong cả trường hợp lỗi thuộc về vợ) mà hành động đó sẽ làm người vợ nghĩ tốt hơn về người bạn đời của mình và nhanh chóng tự biết “chuộc lỗi”.
Có ý thức tự sửa chữa
Đây là điều cơ bản giúp giải quyết mọi mâu thuẫn. Mỗi người tự đặt cho mình câu hỏi “Nếu ở địa vị của người kia ta sẽ cư xử như thế nào?”. Ý thức tự sửa chữa thể hiện tư tưởng cầu tiến và là chất xúc tác quan trọng giúp cho quá trình giải quyết xung đột giữa vợ chồng đạt kết quả.
Luôn tôn trọng nhau
Khi có thể đối thoại về xung đột có nghĩa là cả hai đều đã đủ tỉnh táo để xử lý mâu thuẫn. Vì thế, những lời nói bóng gió, những lời châm biếm mỉa mai, cách xưng hô lạnh lùng kiểu “anh – tôi” hay “cô – tôi” không được phép xuất hiện. Mọi xung đột chỉ được giải quyết ổn thoả trên cơ sở của thiện chí và sự tôn trọng lẫn nhau, dù không phải lúc nào cũng đạt được kết quả tức thì.
Nói ngắn gọn về rắc rối và để bạn đời “có chỗ” len vào.
Cách giải quyết vấn đề cởi mở là đặt nó lên bàn và cùng nhau trao đổi. Bạn không nên để nó cháy âm ỉ trong lòng và buộc người kia phải đoán.
Cùng nhau đào sâu vấn đề.
Bước này giúp các bạn khám phá những gì còn ẩn sâu bên dưới của vấn đề. Bạn không nên cố ép bạn đời chấp nhận quan điểm của mình và húc đầu vào giải quyết vấn đề ngay lập tức. Vợ chồng nên trao đổi với nhau về các mối lo tiềm ẩn và những gì có thể can thiệp vào rắc rối hai bạn đang cố giải quyết. Điều quan trọng là bạn cần lắng nghe kỹ lưỡng những gì “nửa kia” quan tâm và mở lòng tiếp thu ý kiến của họ.
Biết lắng nghe
Khi nói chuyện, cả hai vợ chồng chỉ nên tập trung vào vấn đề cần giải quyết, không nên đưa đẩy câu chuyện lan man, làm rắc rối thêm và nhiều khi “nói dài, nói dai thành ra nói dại” lại khiến mâu thuẫn tăng thêm. Thói quen này hay gặp ở các bà vợ, vì thế các đức lang quân cần “cầm trịch” tiết chế và ngăn cản kịp thời.
Nếu nói mình thắng tức là đối phương thua, mà trong xung đột vợ chồng nên giải thích từng vấn đề một cách thoả đáng chứ không nên lấy thắng, thua làm mục đích hàng đầu. Hơn nữa, ai thắng – ai thua trong hôn nhân không có ý nghĩa gì mà còn gây tổn hại đến tình cảm.
Xét trên tổng thể, mục đích cuối cùng đạt được sau khi “hoá giải” những mâu thuẫn là cả hai cùng “thông” tư tưởng, hiểu suy nghĩ của nhau, càng thương yêu, gắn bó hơn, làm cho cuộc sống thêm hạnh phúc.
C.H – Tổng hợp
(Theo Phunuvietnam&Giadinh.net)