Hầu như mọi em bé đều thích tắm, nhưng bạn phải làm sao khi bé của mình không giống như những đứa trẻ khác?
Đại đa số các em bé đều thích nghịch nước và tắm. Gương mặt bé sẽ rạng rỡ, chân tay bé sẽ vung đập thật nhiều để nước bắn lên, bất chấp mẹ có thể bị ướt hết, bé vẫn cười và hò hét với vẻ đầy thỏa mãn sung sướng. Nhưng bé của bạn thì không và mỗi lần tắm cho bé, con thì gào khóc trong khi mẹ bực tức và ướt từ đầu đến chân. Vậy làm sao để bé thích tắm và tập cho bé thói quen tắm rửa sạch sẽ ngay từ khi còn nhỏ?
Tắm đúng cách là bước đầu tiên tạo hứng khởi cho bé.
Tắm cho bé không phải là việc đơn giản và có những cách thức quy định của riêng nó, từ yêu cầu về nước, cách kỳ cọ, lau rửa cho đến lau khô cho bé. Tắm đúng cách không chỉ giúp bé sạch sẽ, vệ sinh, đảm bảo an toàn… mà sẽ giúp bé cảm thấy yêu thích hoạt động này.
Chuẩn bị nước tắm: Đổ nước lạnh vào chậu (bồn) tắm, sau đó mới thêm nước nóng. Nhiệt độ ban đầu là 38 – 40 độ C, và bạn nên thử bằng nhiệt kế để đảm bảo nước tắm đủ độ ấm cho bé. Nếu không có nhiệt kế, có thể dùng tay để đo nhiệt. Nếu tay bạn cảm thấy ấm thì nước đã đạt yêu cầu. Không nên đổ nước đầy chậu tắm, vừa lãng phí vừa gây nguy hiểm, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Lượng nước cách thành chậu từ 8 – 10 cm là vừa.
Đồ tắm: Làn da, mái tóc của bé mỏng và rất nhạt cảm. Do đó, bạn hãy sử dụng sữa tắm có nguồn gốc từ thiên nhiên, chứa ít các thành phần hóa học, không làm cay mắt bé.
Cách tắm: Cởi quần áo cho bé, dùng vai trái đỡ toàn thân bé, tay trái đỡ phần đầu, để bé khẽ ngửa mặt lên. Dùng ngón tay cái và tay trỏ khẽ cụp vành tay của bé, che chắn cho lỗ tai, tránh để nước tràn vào. Đổ 5 – 10 ml sữa tắm vào nước, khuấy đều. Dùng tay trái đỡ cổ, vai và lưng bé, trong khi tay phải đỡ chân bé, từ từ đặt bé vào nước. Phần cổ của bé ở trên mặt nước trong khi thân dưới ngập dưới nước, và giữ cho bé ở tư thế như vậy. Tắm cho bé ở phần hai tay, vai, bụng, hai chân, sau đó dùng một tay đỡ ngực để bé ngả về phía trước và tắm đến phần lưng cho bé.
Cho bé được chọn đồ chơi khi tắm.
Sau khi tắm xong, đặt bé xuống khăn bông mềm đã chuẩn bị sẵn, lau khô cho bé, đặc biệt là ở những vùng có nhiều nếp gấp như cổ, khuỷu chân, khuỷu tay, bẹn… Dùng phấn rôm thoa cho bé ở những chỗ này để chống bị hăm.
Trong lúc tắm, đứng bên nựng bé những lời nhỏ nhẹ, dịu dàng. Có thể ban đầu mới đặt xuống nước bé sẽ sợ, nhưng với sự vỗ về của mẹ, bé sẽ quen dần và cảm thấy thích thú với việc tắm rửa hàng ngày.
2. Tạo hứng khởi cho bé khi tắm
Đừng tạo cho bé cảm giác tắm là một việc bắt buộc, mà hãy hướng bé đến cảm nhận, tắm không chỉ là việc vệ sinh thân thể, mà còn là cả một quá trình thư giãn tuyệt vời.
- Khi bé lớn hơn một chút, có thể cho bé sử dụng những loại sữa tắm có mùi hoa quả để thu hút bé.
- Cho bé lựa chọn đồ chơi khi tắm (như những đồ chơi bằng nhựa, cao su…có thể nổi trong nước).
Để anh chị em tắm cùng với bé.
- Khuyến khích anh chị em bé tắm cùng hoặc cùng chơi với bé khi bé tắm.
- Tăng dần kích thước của chậu, bồn tắm theo thời gian. Khi bé còn trong giai đoạn sơ sinh, không nên tắm cho bé trong chậu quá lớn, nước sẽ nhanh nguội và nguy hiểm. Nhưng ngược lại, khi bé lớn hơn, hãy cho bé một không gian để vẫy vùng, đùa nghịch.
- Khi bé cứng cáp, bạn hoàn toàn có thể tắm cùng bé.
Tắm cho con và ngắm thiên thần bé bỏng trong làn nước tinh khiết là hạnh phúc của mọi bà mẹ. Hãy tạo sở thích tắm cho bé ngay từ khi còn nhỏ và tận hưởng niềm vui này.
TheoTân Nguyệt
Eva