“Anh ơi đổ rác giúp em với”; “Anh vẫn chưa đổ rác cho em à”; “Trời ạ, có cái giỏ rác mà nói mãi anh vẫn không chịu đi đổ cho em là sao”…
“Anh ơi, bóng đèn lại cháy rồi này”; “Cái cửa ra vào dạo này sao khó đẩy quá”; “Anh xem giùm em cái đường dẫn nước với, nước cứ bắn ra tung tóe khắp nhà bếp nhớp nháp quá đi thôi”…
“Lại đi nhậu, anh mà say bét nhè về nhà đừng trách em đấy”; “Em đã bảo bao nhiêu lần rồi, bữa sáng không thể bỏ được”; “Anh làm gì mà tối nào cũng thức khuya vậy, sáng mai còn phải dậy sớm đi bộ với em”; “Sao quần áo anh cứ vứt tứ tung thế này, em đã nhắc bao nhiêu lần mà anh vẫn thế”…
“Anh ích kỷ lắm, sao mọi việc cứ đổ hết lên đầu em thế này”….
Không gì hành hạ anh bằng việc nghe những lời như thế. Vậy mà điều này vẫn cứ xảy ra mỗi ngày.
Anh nhận ra mình đã cưới một người vợ siêu cằn nhằn. Mở mắt ra, đi làm về đến nhà và cho đến cả khi lên giường đi ngủ rồi em vẫn không thôi phàn nàn, trách cứ. Như thể từ khi lấy em về đến giờ anh chưa làm được một việc gì ra hồn. Hình như những lời như trên là mối liên hệ duy nhất trong giao tiếp của chúng ta bây giờ.
Buổi tối, lẽ ra được thoải mái, nghỉ ngơi thì em lại nhè vào khoảng thời gian đó để nói. Ban đầu, anh cứ ậm ờ cho yên chuyện, nhưng sau dần nhận ra những chuyện như thế không bao giờ có kết thúc. Nghĩa là anh phải học cách sống chung với nó?
Thật mệt mỏi. Đôi khi ra khỏi cơ quan, nghĩ đến cảnh về nhà là anh lại sợ.
Anh biết “cằn nhằn” cũng là biểu hiện sự quan tâm, là hy vọng hoàn cảnh được tốt hơn. Nhưng em biết không, em cứ nhắc mãi chừng đó chuyện khiến anh chán ngấy. Anh phải “né tránh” bằng cách cố tình dán mắt vào ti vi, đọc báo, chơi game hoặc tìm lý do đi đâu đó.
Thái độ “không thèm chấp” đó có lẽ càng khiến em bứt rứt, khó chịu trong lòng. Và em càng cằn nhằn tợn. Kết quả là gì? Cả hai đều cáu gắt, cuộc sống không mấy khi được vui.
(theo Thanh Niên)